Novaland muốn tăng vốn thêm gần 30.000 tỷ đồng
Novaland muốn phát hành hơn 1,9 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành riêng lẻ hơn 975 triệu cổ phiếu, nếu thành công sẽ tăng vốn thêm gần 30.000 tỷ đồng.
Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (Novaland, NVL) vừa công bố tài liệu xin ý kiến cổ đông bằng văn bản, dự kiến trong khoảng 10-21/3, trong đó có nội dung tăng vốn.
Novaland dự kiến chào bán hơn 1,95 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, với tỷ lệ thực hiện là 1:1 (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu có quyền mua 1 cổ phiếu mới), với giá bán không thấp hơn 10.000 đồng. Nếu thực hiện thành công, tối thiểu tập đoàn này có thể thu về 19.500 tỷ đồng.
Ngoài ra, Novaland cũng đề xuất phát hành thêm hơn 975 triệu cổ phiếu theo hình thức riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược hoặc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Giá chào bán không thấp hơn mệnh giá.
Nếu thực hiện thành công cả hai phương án tăng vốn này, quy mô vốn điều lệ của Novaland sẽ tăng thêm hơn 29.250 tỷ đồng, với số tiền thu về tối thiểu tương đương con số này.
Quy mô vốn điều lệ của tập đoàn này có thể đạt hơn 48.750 tỷ đồng, trở thành doanh nghiệp bất động sản có quy mô vốn cao nhất sàn chứng khoán, vượt qua Vinhomes. Đồng thời, mức vốn điều lệ này cũng đưa Novaland vào top 4 thị trường, sau VPBank, Hòa Phát và BIDV.
Số tiền thu được dự kiến được Novaland sử dụng nhằm tái cơ cấu nợ và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đầu tư góp thêm vốn vào công ty con, thanh toán các khoản chi phí vận hành chung, các khoản thuế và phải nộp Nhà nước, bổ sung vốn lưu động và thực hiện các dự án do Novaland làm chủ đầu tư.
Thời gian thực hiện cả hai phương án tăng vốn dự kiến trong năm 2023 hoặc theo quyết định của Hội đồng quản trị sau khi Ủy ban chứng khoán phê duyệt.
Đồng thời, Novaland cũng đề nghị cổ đông ủy quyền cho Hội đồng quản trị quyết định việc thực hiện tái cấu trúc, gồm thương lượng và triển khai phát hành mới cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi, các công cụ khác để tăng vốn hoạt động kinh doanh. Đồng thời, Hội đồng quản trị cũng quyết định việc tái cấu trúc tài chính, bao gồm cả hoán đổi cổ phần, hoán đổi nợ thành cổ phiếu hoặc tài sản.
Cuối năm 2022, Novaland đã thông qua đề án tái cấu trúc, trong bối cảnh thanh khoản gặp nhiều khó khăn.
Ban lãnh đạo Novaland thừa nhận công ty đang đối mặt với nhiều vấn đề như các doanh nghiệp khác do tình hình kinh tế thế giới và trong nước có những biến động khó lường. Các yếu tố như chiến tranh, lạm phát, hậu quả của dịch bệnh cùng chính sách thắt chặt tín dụng đã tác động mạnh đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Tập đoàn này trước đó đã thực hiện tinh giảm ngành nghề chưa cần thiết, cắt giảm nhân sự, điều chỉnh lại chiến lược kinh doanh để tối ưu chi phí, tập trung nguồn lực hoàn thiện các dự án tại Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu và trung tâm TP HCM.
Đầu năm 2023, ông Bùi Thành Nhơn - người sáng lập công ty - cũng chính thức quay lại ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị, một phần trong đề án tái cấu trúc.
Năm 2022, Novaland ghi nhận doanh thu hơn 11.150 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.293 tỷ đồng, lần lượt giảm 25% và 34% so với năm trước. Trong số này có hơn 9.220 tỷ đồng doanh thu bán hàng được ghi nhận từ việc bàn giao các dự án lớn như NovaWorld Phan Thiet, Aqua City, NovaWorld Ho Tram, NovaHills Mui Ne...
Tổng tài sản của công ty tính đến cuối năm 2022 đạt hơn 257.000 tỷ đồng, tăng gần 28% so với thời điểm đầu năm. Hàng tồn kho chiếm hơn 134.000 tỷ đồng trong số này, chủ yếu là giá trị quỹ đất và các dự án đang xây dựng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận