Nóng tuần qua: Việt Nam đã chi bao nhiêu tiền để chống Covid-19
Đến nay ngân sách đã chi khoảng 15.900 tỷ đồng để phòng, chống Covid-19 và hỗ trợ người dân khó khăn vì dịch.
Việt Nam chi gần 16.000 tỷ đồng chống Covid-19
Theo ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Tài chính cho biết đến nay ngân sách đã chi khoảng 15.900 tỷ đồng để phòng, chống Covid-19 và hỗ trợ người dân khó khăn vì dịch.
Trong đó, 4.100 tỷ đồng chi cho công tác phòng, chống dịch; khoảng 11.300 tỷ đồng chi cho 11 triệu đối tượng bị ảnh hưởng của Covid-19 về giảm, giãn thời gian nộp thuế.
Ngoài ra, ngân sách Trung ương đã trích 1.664 tỷ đồng dự phòng năm 2020 để hỗ trợ các địa phương phòng chống dịch tả heo châu Phi, khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất sau thiên tai (hạn hán, xâm nhập mặn...). Kho dự trữ quốc gia đã xuất cấp 13.600 tấn gạo dự trữ hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp giáp hạt đầu năm 2020.
Mặc dù vậy, thu ngân sách 6 tháng đầu năm gặp khó khăn, suy giảm ở cả 3 lĩnh vực kinh tế chủ yếu. Nửa đầu năm, thu ngân sách chỉ đạt 44,22% dự toán, tương đương hơn 668.000 tỷ đồng. Số thu này giảm hơn 11% so với cùng kỳ 2019 và thấp nhất từ năm 2013.
Hệ thống ngân hàng giảm mạnh lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng trở lên, có nơi hạ tới 0,8% trong tháng qua.
Từ đầu tháng 7, 4 ngân hàng có vốn nhà nước là Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank hạ lãi suất tiền gửi tại quầy kỳ hạn một năm từ 6,5% xuống 6%. Lãi suất kỳ hạn từ 6 tháng trở lên tại các ngân hàng tư nhân khác cũng giảm 0,4-0,8%.
Cách đây một tháng, nhiều nhà băng cũng sẵn sàng trả lãi suất cao nhất lên tới 8,3% cho khoản tiền gửi kỳ hạn 1 năm giá trị dưới 1 tỷ thì nay chỉ có mỗi SCB đang trả mức 8% với điều kiện gửi online.
Các mức lãi suất này là niêm yết chính thức, không tính thỏa thuận thực tế của ngân hàng với từng khách (khách quen, VIP, gửi tiền nhiều).
Với kỳ hạn dưới 6 tháng, tuy chưa có sự giảm xuống đồng loạt toàn hệ thống nhưng nhiều ngân hàng lớn như Vietcombank, Agribank, Vietinbank, BIDV, HDBank, VPBank, TPBank đã mạnh tay giảm 0,15-0,3%.
Vải, chuối, thanh long Việt Nam đến thị trường Mỹ, Singapore, Nhật Bản
Với những nỗ lực về xúc tiến thương mại cho các loại trái cây đặc sản trong nước, từ đầu năm đến nay, một số trái cây đã xuất khẩu thành công sang các thị trường khó tính như Mỹ, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ...
Đơn cử, trái chuối của Việt Nam đã chính thức vào hệ thống siêu thị Lotte của Hàn Quốc; quả vải của Hải Dương và Bắc Giang đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Singapore, Mỹ; thị trường Ấn Độ rất ưa chuộng trái thanh long, vải, chôm chôm của Việt Nam; trái nhãn Sơn La đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu ra thế giới...
Đáng chú ý, năm nay cũng là năm đầu tiên Nhật Bản đồng ý nhập khẩu quả vải thiều tươi của Việt Nam. Đây không chỉ là cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu cho vải thiều tiếp cận với các thị trường lớn, khó tính, mà còn là niềm mong đợi của người trồng vải nhiều năm nay.
Bộ Công Thương nhận định những yếu tố tích cực nêu trên và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ngành hàng rau quả mở rộng thị trường xuất khẩu.
Một doanh nghiệp muốn đầu tư đường bộ trên cao 1 tỷ USD tại TP.HCM
Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM vừa có thông báo về đang nghiên cứu đầu tư tuyến đường trên cao với quy mô tổng chiều dài tuyến 14 km, theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Điểm đầu của dự án sẽ bắt đầu từ đường Trường Chinh, quận Tân Bình và đi qua các nút giao tại vòng xoay Lăng Cha Cả (cuối đường Cộng Hòa), nút giao Võ Văn Kiệt, nút giao quận 4, quận 8.
Điểm cuối của dự án đường trên cao này sẽ là đường Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh.
Theo tính toán của CII, với quy mô như trên, dự án sẽ có tổng vốn đầu tư khoảng 24.500 tỷ đồng, tương đương hơn 1 tỷ USD.
Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu khuyến nghị về phát triển điện gió
Ngày 26/6, có phản ánh của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam khuyến nghị để điện gió phát triển xứng tầm, tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, rất cần thiết phải xem xét có chính sách ưu tiên phát triển điện gió dài hạn.
Đồng thời, có thêm ưu đãi để thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào năng lượng tái tạo nói chung, điện gió nói riêng.
Về thông tin trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công Thương nghiên cứu, tham khảo trong quá trình tham mưu, quản lý phát triển điện gió và các dạng năng lượng tái tạo khác.
Hiện tại, nhiều địa phương đang đề xuất nhiều dự án điện gió vào quy hoạch.
Theo Bộ Công Thương, tính đến ngày 15/3, Bộ nhận được đề xuất của các địa phương đề nghị bổ sung quy hoạch gần 250 dự án điện gió.
76% người Việt ưu tiên dùng hàng trong nước
Theo nghiên cứu của Nielsen, Covid-19 đã thúc đẩy người Việt ưu tiên hàng nội địa hơn, bởi họ có thể nắm rõ nguồn gốc sản phẩm, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp trong nước.
Cụ thể, 17% người tiêu dùng cho biết chỉ mua hàng nội địa, 59% nói rằng đa phần mua hàng nội địa. Những tỷ lệ này được ghi nhận cao hơn mức trung bình toàn cầu, lần lượt là 11% và 54%.
Lý do là người Việt Nam luôn coi sức khỏe là mối quan tâm hàng đầu, hơn hẳn các quốc gia khác trên thế giới, đặc biệt sau những mối nguy từ đại dịch Covid-19.
"Khi người tiêu dùng tìm kiếm sự đảm bảo về chất lượng sản phẩm thì một thương hiệu quen thuộc, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, uy tín là cách nhanh nhất để chạm đến nhu cầu này. Sản phẩm có nguồn gốc địa phương vô cùng quan trọng ở Việt Nam và có lợi thế hơn so với các sản phẩm ít quen thuộc”, bà Louise Hawley - Tổng giám đốc Nielsen Việt Nam nhận định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận