Nóng tuần qua: Loạt máy giặt trưng bày giảm giá sốc tới 70%
Nhiều sản phẩm máy giặt trưng bày giảm từ 40-70%.
Siêu thị điện máy xả hàng, máy giặt trưng bày giảm giá đến 70%, có nên mua không?
Nhằm xả kho, đẩy hàng tồn cuối năm cũng như hưởng ứng tháng khuyến mãi Hà Nội, nhiều sản phẩm máy giặt giảm giá “siêu sốc”, nhất là đối với các sản phẩm trưng bày.
Nhiều sản phẩm máy giặt trưng bày giảm từ 40-70%.
Cụ thể, loạt máy giặt cửa đứng giảm giá chỉ còn từ 3,2 triệu đồng/chiếc như: Máy giặt Aqua 8kg giảm 34%, từ 4,9 triệu đồng xuống 3,2 triệu đồng; Coex 7,5kg giảm 28%, từ 4,8 triệu đồng xuống 3,4 triệu đồng; Galanz 10kg giảm 35%, từ 6,6 triệu đồng xuống 4,2 triệu đồng; Samsung DD Inverter 8,5kg giảm 47%, chỉ còn 4,3 triệu đồng;
Trong chương trình xả hàng trưng bày đến hết 30/11/2023 của một hệ thống siêu thị này, máy giặt cửa đứng LG Inverter 15,5kg giảm tới 48%, từ 12,5 triệu đồng xuống còn 6,4 triệu đồng; Samsung Addwash Inverter 9kg giảm 55%, chỉ còn 9,8 triệu đồng.
Anh Dương Văn Tuấn, quản lý siêu thị điện máy tại Đống Đa (Hà Nội) cho biết, vào thời điểm cuối năm, nhằm xả kho, đẩy hàng tồn, các siêu thị điện máy đều đồng loạt xả hàng để thu hồi vốn, đặc biệt là hàng trưng bày.
Theo anh Tuấn, trong các sản phẩm là hàng trưng bày tại các siêu thị điện máy thì máy giặt hầu như không được sử dụng trong quá trình bày bán nên vẫn như mới, hoàn toàn có thể mua.
Giá lúa tăng cao kỷ lục
Vụ lúa Thu Đông năm nay gặp thời tiết thuận lợi, năng suất cao, giá các loại lúa tươi bán tại ruộng tăng "kỷ lục". Với mức tăng từ 1.000-2.500 đồng/kg so cùng kỳ năm ngoái bà con nông dân rất phấn khởi vì chưa năm nào giá lúa cao như hiện nay.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, vụ Thu Đông 2023, toàn tỉnh xuống giống được hơn 157.000 ha, đến nay đã thu hoạch được hơn 50.000 ha, đạt hơn 32% diện tích xuống giống, năng suất bình quân ước đạt 57,8 tạ/ha.
Đặc biệt, thời điểm thu hoạch vụ Thu Đông năm nay, nông dân được hưởng lợi rất lớn từ giá gạo thế giới, nhất là sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, UAE và Nga khiến giá lúa tăng cao kỷ lục.
Hiện, tỉnh An Giang còn hơn 100.000 ha diện tích lúa chuẩn bị thu hoạch. Với những tín hiệu khả quan từ thị trường lúa gạo, bà con rất háo hức, kỳ vọng giá lúa tiếp tục duy trì ổn định đến thời điểm thu hoạch để việc thu hoạch và tiêu thụ được thuận lợi.
Giá mít ruột đỏ “tụt dốc không phanh", sau 10 ngày giảm còn một nửa
Vào đầu mùa năm ngoái, thương lái còn thu mua từng quả với mức giá lên đến 110.000 đồng/kg loại 1, còn mít loại 2 cũng bán được 90.000 - 100.000 đồng/kg. Còn năm nay, mít ruột đỏ mới lên mức giá 100.000 đồng/kg rồi lại giảm xuống ngay.
Hiện tại, giá mít ruột đỏ xuống chỉ còn 45.000 đồng/kg mít loại 1, còn mít loại 2 chỉ còn 30.000 đồng/kg. Loại mít hàng dạt thì giá rẻ hơn rất nhiều.
Mít ruột đỏ hiện chỉ còn giá khoảng 45.000 đồng/kg.
Nguyên nhân giá mít ruột đỏ năm nay rẻ hơn năm ngoái là do người dân trồng loại mít này số lượng nhiều hơn. Số lượng thu mua nhiều nên giá thành cũng giảm. Một phần khác là phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên người dân cũng không thể quyết định được.
Dù mức giá giảm, nhiều chủ vườn cho biết thị trường vẫn thu mua rất nhiều.
Giá lợn hơi liên tục giảm, người chăn nuôi tiếp tục “gồng” lỗ
Khoảng hơn 1 tháng trở lại đây, giá lợn hơi chỉ dao động tầm 50.000 đồng/kg khiến nhiều người chăn nuôi lo lắng. Với mức giá chỉ tầm 50.000 đồng như hiện tại, người chăn nuôi đang phải chịu lỗ. Nếu tính chi phí, nhân công… giá lợn hơi phải đạt khoảng 55.000 đồng/kg mới có lãi.
Theo Báo cáo của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ đầu năm đến hết tháng 10 vừa qua, cả nước đã xảy ra 481 ổ dịch dịch tả lợn châu Phi tại 44 tỉnh, thành phố. Hơn 18.000 con heo đã phải tiêu hủy. Trong đó dịch bệnh xảy ra dai dẳng nhất là tại tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Đắk Lắk, Sơn La và Nghệ An…
Còn tính riêng trong tháng 10, dịch tả lợn châu Phi đã phát sinh 55 ổ dịch tại 21 tỉnh, thành phố. Tổng số heo bị tiêu hủy là 813 con.
Trong tháng 10, giá lợn hơi trong xu hướng giảm trên cả nước. Trong khi đó, chi phí phòng dịch tăng cao, giá thức ăn chăn nuôi giảm chưa đáng kể nên các cơ sở chăn nuôi gặp khó khăn.
Dù ngành chăn nuôi ở các địa phương đã nỗ lực khống chế dịch bệnh, nhưng đến nay số lợn chết vẫn chưa giảm. Đây là thách thức với ngành chăn nuôi từ nay đến cuối năm khi nhu cầu tiêu thụ thịt lợn ngày càng tăng cao.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận