Nóng trong tuần: Chi tiết 39 dự án chưa đủ điều kiện cấp sổ hồng tại TP.HCM
Hàng loạt “ông lớn” có tên trong danh sách 39 dự án ở TP.HCM khó cấp sổ hồng; Hơn 859.000 tỷ được “bơm” vào thị trường bất động sản; Bảng giá đất mới theo thị trường dự kiến áp dụng từ năm 2026; 972 triệu USD vốn ngoại đăng ký vào lĩnh vực bất động sản Việt Nam... là những thông tin nóng trong tuần qua.
Hàng loạt “ông lớn” có tên trong danh sách 39 dự án ở TP.HCM khó cấp sổ hồng
Những cái tên tiêu biểu có trong danh sách chưa đủ điều kiện cấp sổ hồng của Sở TN&MT TP.HCM bao gồm: Dự án chung cư Ehome 3 Tây Sài Gòn của Công ty CP Đầu tư Nam Long; Chung cư Moonlight Boulavard, Cao ốc 10 Phổ Quang của Công ty CP Đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh; Chung cư tại số 32 đường Thủy Lợi, phường Phước Long A, TP.Thủ Đức của Công ty CP Kinh doanh địa ốc Him Lam;
Hay dự án Khu chung cư cao tầng số 61-63 đường 1, phường Phú Hữu, TP.Thủ Đức của Công ty CP Phát triển nhà Quốc Gia – Khang Việt; Chung cư Lexington 67 Mai Chí Thọ, phường An Phú, TP.Thủ Đức của Công ty CP BĐS Nova Lexington; Chung cư cao tầng số 102 Đặng Văn Bi, phường Bình Thọ, TP.Thủ Đức của Công ty CP BĐS Ngôi sao Gia Định.
Dự án của Novaland, Hưng Thịnh, DIC ở Đồng Nai tiếp tục được gỡ vướng
Đó là nhóm 4 dự án: khu dân cư Long Hưng (227ha), khu đô thị dịch vụ thương mại cù lao Phước Hưng (286ha), chủ đầu tư Donacoop; khu đô thị Đồng Nai Waterfront (170ha), chủ đầu tư Công ty CP đầu tư Nam Long; khu đô thị Aquacity (305ha), chủ đầu tư Tập đoàn Novaland.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, 4 dự án trên, có 2 vướng mắc chính. Thứ nhất là chưa có sự đồng bộ, thống nhất giữa quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết dự án đang triển khai thực hiện với quy hoạch chung TP Biên Hòa. Một số dự án trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng có sai lệch, chưa phù hợp với quy hoạch 1/500 được duyệt.
972 triệu USD vốn ngoại đăng ký vào lĩnh vực bất động sản Việt Nam
Báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến 20/4 tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt gần 8,88 tỷ USD, bằng 82,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Cụ thể, có 750 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 65,2% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký đạt hơn 4,1 tỷ USD. Đồng thời, có 386 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 19,5% so với cùng kỳ, tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt gần 1,66 tỷ USD, giảm 68,6% so với cùng kỳ.
Bảng giá đất mới theo thị trường dự kiến áp dụng từ năm 2026
Điểm mới tại dự thảo lần này là Chính phủ xác định bảng giá đất sẽ được ban hành hàng năm, thay vì 5 năm như hiện hành, để đảm bảo nguyên tắc thị trường. Lý do chốt lựa chọn này, Chính phủ phân tích, tổng kết thi hành Luật Đất đai 2013 cho thấy rất ít địa phương thực hiện việc công bố bảng giá đất 5 năm một lần và điều chỉnh khi có biến động 20%. Việc này làm cho bảng giá đất chưa phù hợp với diễn biến thị trường.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi khi bỏ khung giá đất, đưa ra cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường như tinh thần Nghị quyết 18, Chính phủ cho biết, bảng giá đất hiện hành sẽ được sử dụng đến hết năm 2025. Tức là, từ năm 2026 sẽ áp dụng bảng giá đất mới được xây dựng theo nguyên tắc thị trường. Với quy định này, các địa phương có đủ thời gian xây dựng, đưa ra bảng giá đất mới từ khi luật có hiệu lực thi hành đến cuối năm 2025.
Hơn 859.000 tỷ được “bơm” vào thị trường bất động sản
Bộ Xây dựng dẫn số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến 28/2 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 859.394 tỷ đồng, tăng 7,4% so với thời điểm 31/12/2022 và tăng 9,6% so với thời điểm 31/3/2022.
Trong đó, dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở chiếm 27,1%, tương đương 233.252 tỷ đồng; dư nợ tín dụng đối với các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng 37.703 tỷ đồng; dư nợ tín dụng đối với các dự án nhà hàng, khách sạn là 63.288 tỷ đồng.
Bất động sản sẽ còn khó khăn, nếu không giải quyết tốt thị trường tài chính
Giới chuyên gia cho rằng sẽ không thể gỡ khó cho thị trường Bất động sản nếu không giải quyết tốt thị trường tài chính, vì nó là hai mặt của một vấn đề. Thực tế cho thấy, mọi cuộc khủng khoảng tài chính trên thế giới đều bắt nguồn từ Bất động sản.
TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, đã đưa ra nhận định trên tại buổi hội thảo “Vực dậy bất động sản, thúc đẩy phục hồi kinh tế” diễn ra sáng 27/4 tại TP.HCM. Bất động sản đóng góp gián tiếp đối với tăng trưởng kinh tế lên đến 25% vì ngành này liên quan đến hơn 50 ngành nghề kinh tế khác nhau. Đối với TP.HCM, trong chín nhóm ngành chủ lực, bất động sản đứng vị trí thứ tư.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận