Nông sản tắc biên, doanh nghiệp tổn thất nặng nề
Hàng ngàn xe container nông sản ùn ứ nhiều ngày tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc tương đương hàng ngàn tỷ đồng tổn thất của các doanh nghiệp.
Tổn thất nặng nề
Dịch Covid-19 căng thẳng đã khiến Trung Quốc thắt chặt các biện pháp kiểm tra với người và hàng hóa nhập cảnh, khiến lượng xe chở hàng hóa xuất khẩu từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã bị ùn tắc nghiêm trọng, có xu hướng gia tăng bởi đang là cao điểm thu hoạch nhiều loại trái cây. Lượng xe chờ thông quan thường xuyên trên 4.000 xe, cao điểm có lúc tới 6.200 xe container, chủ yếu là nông thủy sản, trái cây tươi.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vnfruit) cho biết, rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh rau, quả đang chịu thiệt hại nặng nề khi hàng hóa nằm trên xe quá lâu. Do lượng xe container ùn tắc quá lớn, nhiều xe đã tháo dỡ hàng hóa vì hư hỏng, Vnfruit tính toán, thiệt hại của các doanh nghiệp có thể lên tới 3.000 - 4.000 tỷ đồng.
“Chưa kể, cứ mỗi ngày mắc kẹt, doanh nghiệp lại mất thêm khoảng 1,5 triệu đồng/xe cho các chi phí bến bãi, tiền xăng dầu để duy trì nhiệt độ bảo quản trái cây, chi phí ăn uống cho tài xế...”, ông Nguyên nói thêm.
- Ngày 21/12/2021: Tại các cửa khẩu phía Bắc, gồm Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, lượng xe hàng chờ xuất khẩu là 6.200 xe, trong đó tại Lạng Sơn có 4.400 xe.
Dịp cuối năm là thời điểm vàng để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu trái cây tươi. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chủ yếu các loại nông sản này. Hàng hóa không thể thông quan, doanh nghiệp coi như “mất Tết”, gánh nợ từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng...
Ông Vy Công Tường, Phó cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, hiện tỷ lệ xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc tại cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn chỉ chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc. Theo đó, cả 9 mặt hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn phải qua kiểm dịch 100%, nên thời gian thông quan lâu.
Nông sản, đặc biệt là rau quả xuất khẩu sang Trung Quốc qua các tỉnh biên giới phía Bắc đều là xuất khẩu tiểu ngạch, nếu không xuất được cũng không thể bán sang thị trường nào khác do không đủ tiêu chuẩn, giải pháp duy nhất là tiêu thụ nội địa. Nhưng thực tế là quay về thị trường nội địa cũng không dễ, do nông sản, trái cây đã nằm trên xe hàng chục ngày đến hơn 20 ngày, ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng, đặc biệt là thanh long, dưa hấu hay mít đều cần bảo quản trong các kho lạnh đặc chủng mới đảm bảo độ tươi ngon.
Chưa thể sớm giải quyết dứt điểm
Bộ Công thương thừa nhận, ùn ứ nông sản, trái cây tại các cửa khẩu biên giới chưa thể giải quyết dứt điểm trong trước mắt. Trong khi đó, từ nay đến Tết Nguyên đán chỉ còn một tháng nữa, các biện pháp kiểm tra hàng hóa được Trung Quốc thực hiện nghiêm ngặt.
Theo Cục Hải quan Lạng Sơn, từ nay đến Tết Nguyên đán, lượng hàng đưa lên nhiều, nhưng lượng thông quan chỉ đạt hơn 100 xe/ngày, do cửa khẩu Tân Thanh đóng và chưa biết bao giờ mở trở lại. Điều này đồng nghĩa là chưa có giải pháp nào nhanh chóng “giải phóng” hàng ngàn xe contaier hàng hóa.
Trước tình trạng này, cuối tuần qua, Bộ Công thương đã gửi văn bản hỏa tốc tới các địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp đề nghị không đưa hàng lên cửa khẩu và đẩy nhanh sang xuất hàng chính ngạch để dần tiến tới hạn chế xuất khẩu tiểu ngạch, đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước để giảm áp lực cho thị trường xuất khẩu.
Nông sản Việt Nam bị “tắc đường” xuất khẩu sang Trung Quốc đã xảy ra nhiều lần, nhất là 2 năm dịch bệnh 2020-2021, nhưng lần này, số lượng hàng ùn ứ lớn nhất. Thực tế này đòi hỏi ngành sản xuất, chế biến nông sản cần nâng chuẩn nhanh, đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao mà thị trường này đặt ra.
Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải Quan) khuyến cáo, Trung Quốc ngày càng đưa ra các quy định khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu. Do đó, nông dân và doanh nghiệp cần thực hiện các quy định về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, ghi nhãn… Ngoài ra, cần điều tiết sản xuất nông nghiệp theo nhu cầu của thị trường; căn cứ khả năng sản xuất để phát triển công nghiệp chế biến nhằm tăng giá trị nông sản chế biến sâu, đa dạng các sản phẩm nông nghiệp, đầu tư hệ thống kho trữ, bảo quản nông sản
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận