"Nóng" buôn lậu xăng dầu, than trên biên giới, vùng biển, ngành hải quan nỗ lực ngăn chặn
Lực lượng kiểm soát Hải quan và các đơn vị nghiệp vụ siết chặt hoạt động buôn lậu xăng dầu, than trên các tuyến biên giới, vùng biển...
Ngày 22/2, Tổng cục Hải quan cho biết vừa có công văn số 512 gửi các cục hải quan địa phương và Cục Điều tra chống buôn lậu để phòng ngừa, kiểm soát, đấu tranh ngăn chặn hoạt động buôn lậu xăng dầu, than trên các tuyến biên giới, vùng biển.
Dự báo trong thời gian tới, giá xăng dầu, than tăng giảm thất thường và chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Ở trong nước, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả mặt hàng xăng dầu tiếp tục tiềm ẩn diễn biến phức tạp, khó lường.
Các đối tượng lợi dụng các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu xăng dầu, than để buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh xăng dầu giả, kém chất lượng, vận chuyển trái phép xăng dầu, than qua biên giới, vùng biển. Khi đó sẽ gây thất thu ngân sách nhà nước, mất an ninh năng lượng, bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Gần đây nhất, hơn 204 triệu lít xăng trị giá hơn 2.800 tỷ đồng tuồn từ Singapore qua đường biển về Việt Nam từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, để phân phối cho hàng loạt chủ doanh nghiệp ở Vĩnh Long, Long An, Kiên Giang, An Giang với giá thấp hơn giá bán lẻ của Petrolimex, gây rúng động dư luận.
Công an tỉnh Đồng Nai đề nghị truy tố 74 bị can ở khung hình phạt 12-20 năm tù về các tội buôn lậu và nhận hối lộ, trong đó, hàng loạt giám đốc doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, chủ hệ thống cây xăng ở phía Nam vướng vào vòng lao lý.
Một cán bộ Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cũng nhận hơn 800 triệu đồng để "nhắm mắt làm ngơ" cho đường dây buôn lậu này.
Theo công văn số 512, lãnh đạo Tổng cục Hải quan chỉ đạo lực lượng kiểm soát Hải quan và các đơn vị nghiệp vụ tăng cường công tác nắm tình hình, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, điều tra cơ bản, xây dựng các phương án, kế hoạch nghiệp vụ để phòng ngừa, kiểm soát, đấu tranh ngăn chặn hoạt động buôn lậu xăng dầu, than trên các tuyến biên giới, vùng biển.
Để công tác đấu tranh chống buôn lậu, xăng dầu, than đạt hiệu quả, Tổng cục Hải quan đề nghị các đơn vị tuyên truyền, vận động nhân dân không tham gia, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu xăng dầu, than trên các tuyến biên giới, vùng biển.
Đồng thời, trao đổi, phối hợp, chia sẻ thông tin về hoạt động buôn lậu xăng dầu, than trên các tuyến biên giới, vùng biển với các lực lượng chức năng chống buôn lậu như biên phòng, công an, cảnh sát biển, quản lý thị trường và chính quyền các địa phương biên giới.
Cùng với đó, xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân để hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đối với mặt hàng xăng dầu, than diễn ra phức tạp, kéo dài trên địa bàn quản lý, phụ trách mà không đề xuất biện pháp đấu tranh, ngăn chặn.
Giao Cục Điều tra chống buôn lậu chủ trì theo dõi, đôn đốc, tổng hợp và tham mưu cho Tổng cục Hải quan, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính thực hiện chỉ đạo tại công văn số 65/BCĐ389-TCHQ ngày 23/12/2021.
Đồng thời, chủ động phối hợp với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia trong việc biểu dương, khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh chống buôn lậu xăng dầu, than.
Trước đó, ngày 19/10/2021, Văn phòng Chính phủ có công văn số 3211/VPCP-KTTH truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về tăng cường quản lý nhập khẩu than, dầu.
Sau đó, ngày 25/11/2021, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng ban hành công văn số 20/BCĐ 389-VPTT về tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hoạt động buôn lậu xăng dầu, than trên các tuyến biên giới, vùng biển...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận