"Nội soi" sức khỏe tài chính của AIC Group của cựu Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Nhàn vừa bị bắt
Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC Group) của cựu Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Nhàn vừa bị bắt giam, gồm 29 công ty thành viên hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ y tế, môi trường, giáo dục,... cho tới bất động sản.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và các đơn vị liên quan.
Cơ quan điều tra cũng ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam các bị can thuộc Công ty AIC gồm: Nguyễn Thị Thanh Nhàn, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc; Hoàng Thị Thúy Nga, nguyên phó tổng giám đốc; Nguyễn Quang Minh, Nguyễn Tiên Thu, Hoàng Thế Quỳnh đều là nhân viên Công ty.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Ảnh: AIC Group
AIC Group, chưa đầy 1 năm 2 lần đổi người đại diện pháp luật
Thông tin tự giới thiệu trang aicgroup.com cho thấy, AIC Group là doanh nghiệp tiên phong trong nhiều lĩnh vực kinh doanh, với 29 công ty thành viên, hàng ngàn cán bộ nhân viên và hàng trăm đối tác lớn trên toàn cầu.
AIC Group hoạt động trong nhiều lĩnh vực như: y tế, môi trường, giáo dục, đào tạo nhân lực, khoa học và công nghệ, tham gia nhiều gói thầu cung cấp thiết bị dạy học, lắp đặt thiết bị xử lý nước thải và chất thải ở nhiều bệnh viện.
Ảnh chụp màn hình.
Dữ liệu từ cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp, Trung tâm xuất khẩu lao động Tralacen trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 9/1999. Đây chính là tiền thân của Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC Group) - sau khi trung tâm này được cổ phần hóa và đổi tên vào năm 2005.
Theo đăng ký thành lập doanh nghiệp, vốn điều lệ và đại diện pháp luật của doanh nghiệp có nhiều biến động trong những năm gần đây.
Cụ thể, tháng 4/2017, vốn điều lệ của doanh nghiệp giảm từ mức 1.000 tỷ đồng xuống còn 928 tỷ đồng. Trong đó, cổ đông sáng lập gồm bà Nguyễn Khánh Vân (21,9%); Lê Thị Hồng Ly (5,7%); Trương Thị Xuân Loan (13,5%), còn lại 51,9% vốn điều lệ nằm trong tay bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Tại thời điểm này, bà Nhàn vừa là đại diện pháp luật kiêm tổng giám đốc công ty.
Công ty này sau đó đã nâng vốn lên 1.000 tỷ đồng, và tiếp tục tăng lên 1.225 tỷ đồng (tháng 3/2020), sau đó tăng lên 1.350 tỷ đồng vào tháng 9/2020.
Đồng thời, đại diện pháp luật cũng được chuyển từ chuyển từ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn sang ông Nguyễn Hồng Sơn sinh năm 1970 (vào 7/9/2020). Ông Sơn đồng thời là tổng giám đốc doanh nghiệp này.
Ngày 8/3/2021, đại diện pháp luật kiêm Tổng Giám đốc một lần nữa thay đổi từ ông Nguyễn Hồng Sơn sang ông Nguyễn Xuân Nguyên. Ông Nguyên sinh năm 1952, hiện đang sống tại Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Ghi nhận đến 22/4/2022, ông Nguyên vẫn giữ chức Tổng giám đốc kiêm đại diện pháp luật của doanh nghiệp.
Trúng nhiều gói thầu, doanh thu hàng nghìn tỷ đồng
Dữ liệu từ hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (Bộ Kế hoạch và đầu tư) ghi nhận những năm qua AIC Group đã trúng thầu hàng loạt dự án đầu tư công như gói cung cấp lắp đặt hệ thống thiết bị tiền kỳ, hậu kỳ, hệ thống thiết bị trường quay tọa đàm... thuộc dự án giải pháp tổng thể nâng cấp kênh truyền hình Đài Tiếng nói Việt Nam VOVTV từ tiêu chuẩn SD lên HD, giá trúng thầu 91,33 tỷ đồng hay như gói cung cấp lắp đặt thiết bị phần mềm cổng thông tin điện tử cho học viện trung tâm và 5 học viện trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, giá trúng thầu 30,09 tỷ đồng.
Thông tin từ hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cũng cho thấy, trong giai đoạn 2017-2018, AIC Group của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã trúng thầu một loạt gói thầu hàng trăm tỷ trong mảng tài nguyên môi trường tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Điển hình như gói thầu mua sắm thiết bị phòng thí nghiệm và thiết bị văn phòng, thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cao năng lực Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường tỉnh Bắc Ninh, do Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Bắc Ninh mời thầu, giá trúng thầu 101,8 tỷ đồng.
Hay như gói thầu cung cấp thiết bị xử lý nước uống tại 162 trường học công lập, thuộc dự án đầu tư hệ thống xử lý và cung cấp nước uống tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 1, do Sở Giáo dục và đào tạo Quảng Ninh mời thầu, giá trúng thầu 34,5 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực bất động sản, thông tin giới thiệu trên trang aicgroup.com của AIC Group giới thiệu doanh nghiệp này đang triển khai hai dự án bất động sản quy mô lớn, đó là khu đô thị Phật Tích - Bắc Ninh, quy mô xây dựng khoảng 3.000 hecta, dự án khu đô thị Tân An, tỉnh Long An, quy mô xây dựng 500 hecta.
Một số chỉ tiêu tài chính của AIC Group của cựu Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
Cùng với việc mở rộng kinh doanh, AIC Group cũng ghi nhận tăng trưởng trong doanh thu và lợi nhuận, đặc biệt là trong giai đoạn 2016 – 2018.
Cụ thể, doanh thu của AIC tăng mạnh từ 4.422,9 tỷ đồng lên mức 6.075 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của tập đoàn này cũng được cải thiện qua từng năm, tăng từ 94,3 tỷ đồng lên 144,6 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2018, quy mô tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của AIC Group lần lượt đạt 5.243,1 tỷ đồng và 1.251,5 tỷ đồng.
Cập nhật tới tháng 9/2020, AIC Group có quy mô vốn điều lệ ở mức 1.350 tỷ đồng. Trong đó, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn góp 765,23 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ sở hữu chi phối với 76,5% vốn điều lệ.
Như vậy, trong giai đoạn 2016 - 2018, 76% - 84% tổng tài sản của AIC Group được tài trợ bởi nợ phải trả. Tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu dao động từ 10% - 12%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận