Nới room tín dụng: Ngân hàng lợi thì doanh nghiệp cũng được nhờ
Việc các ngân hàng được nới hạn mức tín dụng không chỉ giúp các nhà băng có dự địa tăng trưởng, mà doanh nghiệp cũng có nguồn lực phục hồi sản xuất.
Ngân hàng Nhà nước vừa cấp thêm chỉ tiêu tăng trưởng (nới room) tín dụng quý IV/2021 cho nhiều ngân hàng thương mại.
Theo đó, TPBank là nhà băng được nới room tín dụng cao nhất lên 23,4%, các ngân hàng Techcombank (22,1%), MSB (22%), MB (21%), VIB (19,1%), VPBank (17,1%), OCB (15%).
Trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước, Vietcombank được nới room tín dụng mạnh nhất lên 15%. Trong khi đó, hai ngân hàng quốc doanh là BIDV và VietinBank được nới ít nhất, lần lượt lên mức 12% và 12,5%.
Tính chung, hạn mức tín dụng trong năm 2021 của các ngân hàng đã được nới lên 13,8%.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), điều này giúp các ngân hàng có thêm dư địa tăng trưởng trong thời gian tới, trong điều kiện nhiều nhà băng đã chạm trần tín dụng trong 9 tháng năm nay.
Việc được cấp thêm chỉ tiêu tín dụng có ý nghĩa rất quan trọng đối với các ngân hàng, bởi trong trường hợp không được cấp thêm hạn mức, thì nhiều nhà băng chạm trần sẽ không thể tiếp tục cho vay, không chỉ ngân hàng bị ảnh hưởng lợi nhuận mà chính người dân và doanh nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Chẳng hạn, nếu không được cấp thêm hạn mức thì tín dụng Vietcombank và MB chỉ có thể tăng thêm 0,8-0,9% trong 3 tháng cuối năm 2021, còn Techcombank và BIDV không thể cho vay thêm. Điều này sẽ ảnh hưởng mạnh tới khả năng tăng trưởng lợi nhuận khi khoảng 75% tổng doanh thu của các ngân hàng này đến từ thu nhập lãi thuần.
Nhận định về việc các ngân hàng được nới room tín dụng, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, trong 3 quý đầu năm nhiều ngân hàng đã sử dụng gần hết hạn mức tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp.
Trong đó, chất lượng tài sản của các ngân hàng thương mại không chịu tác động bởi dịch Covid-14 lần thứ 4. Về khía cạnh tăng trưởng cho vay, với việc tốc độ triển khai tiêm vắc xin diễn ra nhanh hơn dự kiến, dịch bệnh được kiểm soát, các quy định giãn cách xã hội dần được gỡ bỏ, do vậy nhu cầu vốn trong nền kinh tế sẽ sớm hồi phục tương ứng với sự phục hồi ở lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng.
"Khi nền kinh tế hoạt động trở lại, đặc biệt là cuối năm nên nhu cầu tín dụng tăng lên, dư nợ tín dụng trong thời gian tới sẽ tăng mạnh hơn và việc nới room tín dụng của các ngân hàng là cấp thiết. Rõ ràng, việc nhà băng tiếp tục được rót vốn cho vay thì doanh nghiệp và người dân cũng được nhờ khi có nguồn vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh", đại diện một doanh nghiệp chia sẻ.
Có nghĩa là việc được nới room tín dụng trong thời điểm hiện nay, ngân hàng sẽ có thêm cơ hội cho vay mới và các gói tín dụng ưu đãi lãi suất của các ngân hàng thời gian gần đây hướng mạnh vào duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khi nền kinh tế trở lại.
Một số ý kiến cũng bày tỏ lo ngại việc nới room tín dụng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tài sản, nợ xấu của nhà băng. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần phải kiểm soát chặt dòng vốn tín dụng của các tổ chức đó là tính thanh khoản, tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, tỷ lệ an toàn vốn, kiểm soát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích.
Nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán SSI cũng vừa có đánh giá cho rằng, việc nới room sẽ giúp các ngân hàng có thêm dư địa tăng trưởng trong thời gian tới nhằm hỗ trợ cho việc mở cửa trở lại nền kinh tế, trong điều kiện nhiều nhà băng đã chạm trần tín dụng.
Nhóm này cũng cho rằng, tăng trưởng tín dụng trên toàn hệ thống năm 2021 theo hạn mức mới dự kiến vào khoảng 13%. Ngân hàng Nhà nước cũng cân nhắc lùi lộ trình siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn trong Thông tư 08/2020-NHNN.
Theo nhóm nghiên cứu, mặc dù tỷ lệ này không còn đáng lo ngại khi hầu hết ngân hàng thương mại đều đáp ứng mức yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, nên việc lùi thời điểm áp dụng thông tư sẽ phần nào giúp các tổ chức tín dụng có thêm nguồn lực hỗ trợ khách hàng.
Trong khi đó, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay nhìn chung sẽ duy trì ở mức thấp như hiện tại trong thời gian tới.
Cụ thể, lãi suất huy động dao động từ 3-4% đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,7-5% đối với kỳ hạn 6-12 tháng và 4,2-6,5% đối với kỳ hạn trên 12 tháng, trong khi lãi suất cho vay dao động từ 5-7% đối với khoản vay ngắn hạn và 9-11% đối với khoản vay trên 12 tháng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận