Nới room ngoại cho ngân hàng: Cân đối thời điểm và liều lượng phù hợp
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài cần phân theo nhóm, như đối với các nhà băng đã triển khai áp dụng tiêu chuẩn Basel II trong hoạt động, đang có những sự chuẩn bị để tiến tới Basel III thì có thể xem xét nâng room ngoại cao hơn tỷ lệ 30% so với quy định hiện nay.
Băn khoăn room ngoại
Trong buổi làm việc giữa Hiệp hội Ngân hàng và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) mới đây, các chuyên gia lại bàn thảo xung quanh quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đang khiến TCTD khó khăn trong việc tìm kiếm cổ đông ngoại.
Câu chuyện room ngoại không phải là vấn đề mới, mà đã được nói đến từ lâu. Thu hút được dòng vốn ngoại cũng là kế hoạch đặt ra của nhiều ngân hàng nhằm gia tăng tiềm lực tài chính, nâng cao năng lực quản trị cho tổ chức của mình, góp phần vào tiến trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD. Song, một trong những điểm mấu chốt để hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại bỏ vốn vào các ngân hàng Việt Nam nằm ở tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
Nghị định 01/2014/NĐ-CP ngày 3/1/2014 của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của TCTD Việt Nam quy định, một cá nhân nước ngoài không được sở hữu cổ phần vượt quá 5% vốn điều lệ của một TCTD Việt Nam; còn đối với tổ chức nước ngoài là không quá 15% vốn điều lệ; nhà đầu tư chiến lược không quá 20% vốn điều lệ; nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan không quá 20% vốn điều lệ; tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một NHTM Việt Nam. Cũng theo Nghị định 01/2014/NĐ-CP, nhà đầu tư nước ngoài khi chuyển đổi trái phiếu chuyển đổi của TCTD Việt Nam sang cổ phiếu phải đảm bảo tỷ lệ sở hữu cổ phần như trên.
Vài tháng trước đây, thị trường chứng kiến động thái của một số nhà băng tạm khoá room ngoại để có thể tạo ra dư địa tìm nhà đầu tư chiến lược như SHB, Techcombank… Bởi, nếu không khoá thì nhà đầu tư nước ngoài có thể mua cổ phiếu đang lưu hành tại ngân hàng khiến room ngoại cạn dần.
Giai đoạn từ 2017 đến năm 2020, cổ đông nước ngoài tại các NHTM đã tăng từ con số 42 lên gần 90 tổ chức. Hiện các cổ đông ngoại đang tham gia vào 16 NHTMCP. Tuy nhiên theo các chuyên gia, con số 16 NHTMCP có cổ đông nước ngoài còn khá khiêm tốn khi mà hiện hệ thống ngân hàng nội có 31 NHTMCP, 4 NHTM 100% vốn nhà nước.
Thế nhưng theo phản ảnh của các ngân hàng, quy định về room ngoại đang cản trở họ tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài. Trên thực tế, cả năm 2019 và 2020, hệ thống ngân hàng có 5 thương vụ bán vốn thành công cho nhà đầu tư nước ngoài. Nửa đầu năm 2021, hai thương vụ thu hút sự chú ý của thị trường là SMBC của Nhật Bản mua cổ phần của FE Credit (VPBank) và SHB ký thoả thuận chuyển nhượng vốn điều lệ tại SHB Finance cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan… Rất nhiều ngân hàng tại Việt Nam hiện vẫn còn nguyên room ngoại.
Bên cạnh rào cản quy định room ngoại, với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 như hiện nay, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, việc thu hút các nhà đầu tư ngoại cũng đối diện thêm thách thức bởi chiến lược đầu tư của các nhà đầu tư sẽ có sự thay đổi đối với từng quốc gia dựa trên mức độ ảnh hưởng của dịch. Bản thân họ kinh doanh cũng gặp những khó khăn nên các quyết định đầu tư sẽ thận trọng hơn rất nhiều.
Cần lộ trình phù hợp
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia tài chính nhìn nhận, việc nới thêm room ngoại cho ngân hàng có thể tạo ra sức hút để các nhà đầu tư ngoại tích cực đầu tư hơn vào hệ thống ngân hàng, tăng thêm nguồn lực giúp các ngân hàng đảm bảo các tiêu chuẩn theo thông lệ quốc tế cũng như đầu tư hạ tầng công nghệ, tăng cường thanh khoản, quản trị rủi ro...
Ngay trong Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 thì một trong những nhiệm vụ và giải pháp quan trọng là nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện quy định về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của các TCTD Việt Nam theo hướng tăng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài đối với từng loại hình TCTD phù hợp với các cam kết quốc tế đã ký kết nhằm tăng cường huy động nguồn lực về vốn, công nghệ, quản trị của nhà đầu tư nước ngoài; đồng thời khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài tham gia xử lý TCTD yếu kém…
“Có được dòng vốn đầu tư ngoại là điều chúng ta mong muốn, bản thân các nhà đầu tư nước ngoài cũng ngày càng quan tâm hơn tới thị trường tài chính Việt Nam, nhưng điều cốt yếu mà các nhà đầu tư quan tâm ở đây là room cho họ sẽ được nâng lên ở mức bao nhiêu để có quyền tham gia thực chất vào việc quản trị ngân hàng. Thực tế, trước đây có một số nhà đầu tư nước ngoài đã bỏ vốn vào Việt Nam, song tỷ lệ cũng chỉ có giới hạn, khả năng điều phối cũng như ảnh hưởng tới các quyết định trong hoạt động của các ngân hàng không như mong muốn, nên không ít trong số đó đã rút khỏi thị trường Việt Nam”, chuyên gia này chia sẻ.
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài cần phân theo nhóm, như đối với các nhà băng đã triển khai áp dụng tiêu chuẩn Basel II trong hoạt động, đang có những sự chuẩn bị để tiến tới Basel III thì có thể xem xét nâng room ngoại cao hơn tỷ lệ 30% so với quy định hiện nay.
Một chuyên gia tài chính - ngân hàng chia sẻ, nâng lên ở một tỷ lệ nào để có thể đủ hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn vào ngân hàng, song phải làm sao để hài hoà mới là điểm cần lưu ý. Bởi nếu họ có quyền quá lớn tham gia vào hoạt động ngân hàng thì sẽ có thể gây xáo trộn trong hệ thống. “Mức nới room ra sao là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là đảm bảo an toàn, an ninh cho hệ thống tài chính tiền tệ, đặc biệt với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Đồng quan điểm PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, tại Việt Nam số lượng ngân hàng không quá nhiều, chính vì thế nên mức độ ảnh hưởng nếu xảy ra chỉ tại một ngân hàng thôi cũng có thể gây tác động rất lớn tới toàn hệ thống và cả nền kinh tế. “Room ngoại trong tương lai sẽ phải nới thêm, nhưng tôi cho rằng nên nâng lên theo lộ trình, phù hợp theo thời kỳ cùng sự phát triển và ổn định của hệ thống tài chính - tiền tệ Việt Nam”, ông kiến nghị.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận