Nội dung còn ý kiến khác nhau liên quan khám bệnh, chữa bệnh
Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) còn nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến xã hội hóa trong hoạt động y tế, kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề bác sĩ...
Sáng 24/10, Quốc hội thảo luận hội trường về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Trong báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, nhiều nội dung của dự thảo luật vẫn còn có ý kiến khác nhau.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu theo phương án 2 và chỉnh lý tại các khoản cụ thể về nội dung xã hội hóa trong khám bệnh, chữa bệnh. Cụ thể, Điều 107 dự thảo đề xuất hình thức thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh bao gồm: Đầu tư thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân; đầu tư theo phương thức đối tác công tư để thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, xây dựng cơ sở hạ tầng; vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, thiết bị y tế.
Ngoài ra, các hình thức thu hút nguồn lực còn có thuê, cho thuê tài sản, dịch vụ lâm sàng, cận lâm sàng; dịch vụ phi y tế; dịch vụ nhà thuốc; quản lý vận hành cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; mua trả chậm, trả dần đối với thiết bị y tế; tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước...
Cụ thể, giá khám chữa bệnh, giá khám chữa bệnh theo yêu cầu của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh Nhà nước và cơ sở thành lập theo phương thức đối tác công tư được định giá theo quy định của pháp luật về giá.
Cơ sở tư nhân quyết định giá khám chữa bệnh và thực hiện kê khai giá, niêm yết giá, chịu sự kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định của pháp luật về giá. Chi phí khám bệnh, chữa bệnh bao gồm: chi phí sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; chi phí sử dụng hàng hóa phục vụ cho việc khám chữa bệnh; và các chi phí khác có liên quan đến hoạt động này.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đang có hai luồng ý kiến về giá dịch vụ khám chữa bệnh do cơ sở tư nhân cung cấp. Bên cạnh nhóm đồng tình với quy định trong dự thảo, nhóm ý kiến thứ hai đề nghị Nhà nước cần quy định khung giá dịch vụ như đang thực hiện ở một số nước.
Ngoài các vấn đề lớn nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu 9 nhóm nội dung đề nghị đại biểu Quốc hội thảo luận. Đó là chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh, các chính sách mới được bổ sung, Hội đồng Y khoa quốc gia, dinh dưỡng trong khám chữa bệnh, cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám chữa bệnh...
Sau khi thảo luận hội trường, Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội biểu quyết thông qua vào chiều 14/11.
Chiều 24/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về:
+ Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).
+ Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).
+ Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận