menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hoa Thanh

Nợ xấu vẫn âm ỉ và khó xử lý

 Nợ xấu của các ngân hàng được dự báo còn tiếp tục tăng trong thời gian tới do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 gây bất lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh các giải pháp tái cấu trúc, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh để giảm áp lực nợ xấu gia tăng, cũng cần thúc đẩy việc tháo gỡ các vướng mắc trong quy trình xử lý nợ xấu hiện nay.

Vẫn có ngân hàng lội ngược dòng

Báo cáo tài chính hợp nhất quý II vừa được nhiều ngân hàng công bố cho thấy nợ xấu đã tăng đáng kể so với cuối năm ngoái.

Đơn cử như Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), nợ xấu nội bảng tại ngày 30/6 là 3.577 tỷ đồng, tăng 23,5% so với đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) giảm lần lượt 15% và 20% xuống 1.169 tỷ đồng và 713 tỷ đồng. Trong khi nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng tới 174% lên 1.694 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 1,16% lên 1,37%.

Ngân hàng VIB ghi nhận mức nợ xấu tính đến hết quý II năm nay ở mức 3.267 tỷ đồng, tăng 730 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 28,8% so với cuối năm 2019. Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng công bố mức nợ xấu tính đến 30/6 tăng 20% so với cuối năm ngoái.

Tại Vietcombank, tính đến cuối tháng 6, nợ xấu của ngân hàng này là 6.433 tỷ đồng, tăng 630 tỷ đồng so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 0,79% lên 0,83%. Tại VietinBank, đến cuối tháng 6, nợ xấu là 15.968 tỷ đồng, tăng 47% so với đầu năm nay. Trong đó, nợ nhóm 3 tăng 2,5 lần lên 7.155 tỷ đồng.

Con số nợ xấu hết quý II tại Ngân hàng Sacombank là 6.682 tỷ đồng, tăng gần 17% so với đầu năm nay, trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 1,8 lần, lên 850,8 tỷ đồng.

Khác với các ngân hàng nói trên, một số ngân hàng đã lội ngược dòng về xu hướng nợ xấu trong nửa đầu năm nay. Tại Techcombank, nợ xấu cuối tháng 6 là 2.100 tỷ đồng, giảm 32% so với đầu năm. Tương tự, tại VPBank, tỷ lệ nợ xấu hợp nhất tính đến cuối tháng 6 đã giảm 2,1% so với cuối năm ngoái, xuống còn hơn 8.613 nghìn tỷ đồng.

Dự báo sẽ tăng cao

Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô vừa được Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV công bố cho thấy những điểm đáng lưu ý về lợi nhuận và nợ xấu của các ngân hàng trong quý II. Theo đó, trong 6 tháng, lĩnh vực tài chính - ngân hàng tăng trưởng 6,78% (quý I tăng 7,4%), nhưng cần lưu ý rằng tác động của đại dịch Covid-19 đối với hoạt động tài chính - ngân hàng sẽ có độ trễ. Bởi lẽ, khách hàng - người gửi tiền, vay vốn, dùng dịch vụ bắt đầu giảm sử dụng các dịch vụ sau một thời gian chống chọi với khó khăn, hấp thụ vốn kém và nợ xấu có nguy cơ tăng mạnh.

Viện này dự báo, nợ xấu nội bảng tăng nhanh, có thể đến 4% và nợ xấu gộp dự báo lên đến khoảng 6% cuối năm 2020 và còn cao trong năm 2021 khi Thông tư 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 hết hiệu lực và phải chuyển nhóm nợ xấu.

Trong khi đó, báo cáo tổng kết từ Ban Chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng cũng cho thấy một số khó khăn trong công tác xử lý nợ xấu và dự kiến khó có thể hoàn thành mục tiêu tại Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020”. Cụ thể, có 3/9 mục tiêu có khả năng hoàn thành, 3/9 mục tiêu có khả năng hoàn thành nhưng cần có giải pháp, điều kiện kèm theo và 3/9 mục tiêu khó có khả năng hoàn thành.

Bên cạnh rủi ro nợ xấu tăng do Covid-19, công tác xử lý nợ xấu hiện hữu cũng gặp một số vướng mắc và trở ngại. Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài, chính tiền tệ quốc gia, việc xử lý nợ xấu còn gặp khó về “thứ tự ưu tiên thanh toán” khi xử lý tài sản bảo đảm, phối hợp của cơ quan thi hành án, nhất là sự vào cuộc của các sở, ban, ngành, địa phương chưa quyết liệt.

Chẳng hạn, Agribank cho biết đã có 11 hồ sơ xin áp dụng thủ tục rút gọn được tòa án thụ lý nhưng đến nay vẫn chưa hồ sơ nào được xử lý do tòa kết luận chưa đủ điều kiện. BIDV có 19 hồ sơ xin áp dụng thủ tục rút gọn được tòa án thụ lý; trong đó có 6 hồ sơ đang giải quyết, 6 hồ sơ được giải quyết nhưng lại được chuyển sang xét xử theo thủ tục thông thường...

Mặt khác, theo ông Cấn Văn Lực, nhiều khách hàng cũng đã có dấu hiệu lợi dụng bối cảnh Covid-19 để trì hoãn trả nợ, giao tài sản thanh lý cho các tổ chức tín dụng khiến cho quá trình xử lý nợ xấu càng khó khăn hơn.

Vì vậy, vị chuyên gia này cho rằng, hiện nay, khi nợ cũ chưa giải quyết dứt điểm, tình hình nợ xấu mới có nguy cơ tăng cao, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn của các cơ quan công an, chính quyền địa phương, đặc biệt chú trọng vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc phối hợp với các tổ chức tín dụng để xử lý nợ xấu.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả