Nợ thuế, kinh doanh thua lỗ, Hoàng Gia Đà Lạt vẫn được ngân hàng "hứa" bơm nghìn tỷ làm dự án
Điểm nhấn nổi bật nhất trong bức tranh tài chính của Hoàng Gia Đà Lạt, chính là việc công ty này sử dụng rất nhiều quyền khai thác tài sản, lợi tức.. hình thành trên các lô đất vàng tại Đà Lạt để thế chấp cho các khoản vay của mình tại ngân hàng.
Mới đây, Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư về năng lực tài chính để mở rộng quy mô đầu tư Dự án Khu nghỉ mát Đà Lạt của Công ty cổ phần Hoàng Gia Đà Lạt theo văn bản đề nghị cho ý kiến của Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Theo đó, Hoàng Gia Đà Lạt đề nghị điều chỉnh tổng vốn đầu tư từ 875,6 tỷ đồng lên 2.500 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là hơn 848 tỷ đồng và vốn huy động gần 1.652 tỷ đồng.
Diện tích đất sử dụng mở rộng quy mô đầu tư hơn 62 ha, tiến độ thực hiện từ 2022 - 2025. Mục đích sử dụng, Hoàng Gia Đà Lạt sẽ bổ sung hạng mục đầu tư xây dựng mới công viên chuyên đề, công trình tòa nhà Câu lạc bộ Golf tại Sân Golf Đồi Cù.
Tại thời điểm 1/3/2022, tổng vốn đầu tư Công ty đã thực hiện là 875,6 tỷ đồng, trong đó vốn góp là 848 tỷ đồng và vốn vay là gần 27,6 tỷ đồng.
Sở Tài chính cho rằng, năng lực tài chính theo hồ sơ của Hoàng Gia Đà Lạt là đảm bảo để mở rộng quy mô dự án khu nghỉ mát Đà Lạt.
Về khả năng huy động vốn, công ty cho biết ngày 8/3/2022, một ngân hàng thương mại đã có có cam kết cấp tín dụng số 331/2022.
Tình hình kinh doanh lao dốc của Hoàng Gia Đà Lạt.
Trong đó, ngân hàng đồng ý xem xét cấp cho Hoàng Gia Đà Lạt số tiền gần 1.652 tỷ đồng để công ty đầu tư xây dựng hạng mục công trình Tòa nhà Câu lạc bộ Golf tại Sân Golf Đồi Cù nếu Công ty đáp ứng đầy đủ các điều kiện cấp tín dụng theo quy định của ngân hàng nêu tại thư hứa cấp tín dụng. Thời hạn có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2022.
Sở Tài chính cho rằng, năng lực tài chính theo hồ sơ của Hoàng Gia Đà Lạt là đảm bảo để mở rộng quy mô dự án khu nghỉ mát Đà Lạt.
Trước đó, như Dân Việt đã đề cập, Công ty Cổ phần Hoàng Gia Đà Lạt được thành lập 8/8/1991. Tính đến 5/9/2019, vốn điều lệ Hoàng Gia ĐL ở ngưỡng 848 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm bà Dương Trương Thiên Lý sở hữu 78%, Nguyễn Thị Kim Phượng sở hữu 11% và 11% còn lại do ông Nguyễn Hoàng Vũ nắm giữ.
Đáng nói, lợi nhuận Hoàng Gia Đà Lạt liên tục lao dốc, khiến doanh nghiệp gánh số lỗ lũy kế lên đến hơn 400 tỷ đồng chỉ tính riêng giai đoạn 2016 - 2020.
Điểm nhấn nổi bật nhất trong bức tranh tài chính của Hoàng Gia Đà Lạt là việc công ty sử dụng rất nhiều quyền khai thác tài sản, lợi tức.. hình thành trên các lô đất vàng tại Đà Lạt để thế chấp cho các khoản vay của mình tại ngân hàng.
Đơn cử, ngày 30/12/2021, Hoàng Gia ĐL đã đảm bảo khoản vay của mình tại Nam Á Bank khi sử dụng toàn bộ lợi tức thu được từ việc kinh doanh khai thác giá trị quyền sử dụng đất, tài sản gắn liến với đất tại thửa đất số 334, tờ bản đồ số 3 (C70-IV), Biệt thự 27A và 27B, phường 10, TP. Đà Lạt.
Thửa đất số 1, tờ bản đồ số C70-I-C, Khu đất Đồi Cù, phường 1, TP. Đà Lạt; Thửa đất số 98, tờ bản đồ số 6 (D93-II-B-b), KS Novotel đường Trần Phú phường 3, TP. Đà Lạt.; Thửa đất số 01, tờ bản đồ số 20 (D94-I-A), KS Palace đường Trần Phú, phường 3, TP. Đà Lạt.
Trong cùng giai đoạn, không những tình hình kinh doanh xuống dốc, Hoàng Gia Đà Lạt còn liên tiếp nợ tiền ngân sách trong ba năm từ 2017-2019 với số tiền gần 32 tỷ đồng. Đến tháng 6/2021, công ty này vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính nêu trên.
Theo thông tin từ Cục Thuế Lâm Đồng, tính tới tháng 8/2021, Hoàng Gia Đà Lạt đứng đầu về danh sách nợ thuế của tỉnh Lâm Đồng với số nợ thuế gần 60,8 tỷ đồng, theo Báo thanh tra.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận