Nợ thuế gia tăng: Không thể chỉ đổ lỗi cho dịch bệnh
Trong khi Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh việc chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá, trốn thuế thì tình trạng nợ đọng thuế tiếp tục gia tăng. Tính đến 31/12/2021, tổng số nợ thuế ngành thuế quản lý ước tính 104.042 tỷ đồng, tăng 9,3% so với cuối năm 2020.
Nợ thuế tăng 9,3%
Theo Tổng cục Thuế, lũy kế đến ngày 31/12/2021, toàn ngành thuế thu hồi được 25.100 tỷ đồng, đạt 83,4% chỉ tiêu thu nợ giao. Trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ đạt 17.705 tỷ đồng, thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ đạt 7.395 tỷ.
Cùng với đó, ngành thuế cũng đã tập trung xử lý nợ thuế không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước theo quy định. Tính đến cuối năm 2021, tổng số người nộp thuế đã được xử lý khoanh nợ, xóa nợ tiền chậm nộp không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước là 860.448 người với tổng số tiền thuế, tiền chậm nộp được xử lý là 32.941 tỷ đồng, bằng 117,8% so với nhiệm vụ giao.
Như vậy, tổng số nợ thuế ngành thuế quản lý ước tính đến 31/12/2021 là 104.042 tỷ đồng, tăng 9,3% so với thời điểm 31/12/2020. Tỷ lệ tổng nợ thuế trên tổng thu năm 2021 ở mức 10,1%. Nếu không kể số tiền thuế nợ đang xử lý và tiền thuế nợ đang khiếu nại, khiếu kiện thì tổng số tiền thuế nợ tính đến thời điểm cuối năm 2021 là 91.742 tỷ đồng, tỷ lệ tổng nợ thuế trên tổng thu năm 2021 ở mức 8,9%.
Theo phân tích của Tổng cục Thuế, so với thời điểm cuối năm 2020, 36/63 địa phương có tổng số tiền thuế nợ giảm; 27/63 địa phương có tổng số tiền thuế nợ tăng so với thời điểm cuối năm 2019, trong đó, có 17/21 địa phương tỷ lệ tăng nợ cao từ 10% trở lên.
Còn nếu so với chỉ tiêu nợ thuế giao năm 2021, 30/63 địa phương đạt chỉ tiêu; 33/63 địa phương không đạt chỉ tiêu nợ thuế, trong đó có 25/33 địa phương còn cao hơn chỉ tiêu giao từ 10% trở lên.
Theo đại diện Tổng cục Thuế, số nợ thuế tại thời điểm 31/12/2021 tăng so với thời điểm 31/12/2020 là do đại dịch Covid-19 bùng phát với diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg và Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ dẫn đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thua lỗ, mất khả năng thanh toán; tài sản đã thế chấp tại ngân hàng dẫn đến chưa nộp ngay, nộp kịp thời tiền thuế phát sinh vào ngân sách nhà nước.
Cùng với đó, một số người nộp thuế thuộc ngành nghề được gia hạn nộp thuế chưa nộp giấy đề nghị gia hạn nộp thuế theo Nghị định 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ nên vẫn theo dõi nợ thuế làm tổng số nợ thuế tăng lên.
“Hiện các khoản nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của một số dự án do có vướng mắc, chưa đi vào hoạt động, khai thác, chờ các địa phương giải phóng mặt bằng, giải quyết đền bù, tranh chấp, hoặc chờ phê duyệt phương án điều chỉnh mục đích sử dụng, điều chỉnh diện tích khai thác nên người nộp thuế chưa nộp tiền vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật, cơ quan thuế tính nợ theo thông báo nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản”, đại diện Tổng cục Thuế cho hay.
Bên cạnh đó, còn có tình trạng một số người nộp thuế thực hiện kê khai phát sinh thuế phải nộp, không bị tác động, ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh Covid-19 nhưng lợi dụng dịch bệnh, chây ỳ, chưa nộp kịp thời tiền thuế phát sinh vào ngân sách nhà nước.
Cần có chế tài nghiêm minh
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử VOV, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp, Học viện Tài chính cho rằng, với ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành thuế chịu áp lực không nhỏ bởi thu từ thuế chiếm tới 80-90% nguồn thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, cơ quan thuế cần rà soát, nếu doanh nghiệp gặp khó khăn thì có biện pháp hỗ trợ nhằm nuôi dưỡng nguồn thu. Ngược lại, với doanh nghiệp vẫn hoạt động tốt nhưng lấy lý do ảnh hưởng của dịch bệnh mà chây ì, cố tình không nộp thuế, cần thực hiện các biện pháp mạnh.
Cụ thể, ngành Thuế có thể trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên, thu hồi giấy phép kinh doanh và công khai thông tin người nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng...
“Trong trường hợp doanh nghiệp cố tình chây ỳ nợ thuế, ngành Thuế có thể phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các bộ, ngành liên quan như: Cơ quan công an, Ngân hàng Nhà nước, toà án... trong việc thu hồi nợ đọng thuế, tránh tình trạng nợ kéo dài, gây khó khăn trong việc thu nợ thuế”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nêu ý kiến.
Đồng quan điểm, PGS. TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng nợ thuế là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng cũng có tình trạng một số doanh nghiệp chây ỳ nợ thuế nhưng lấy cớ dịch bệnh để kêu khó khăn, do đó, cần phải xem xét nguyên nhân cụ thể để có biện pháp xử lý phù hợp. Tuy nhiên, ông Long cũng đặt vấn đề về con số nợ thuế tồn đọng hết năm này qua năm khác không thể xử lý, thậm chí tăng thêm nhưng không thấy ai chịu trách nhiệm.
“Người nộp thuế có quyền đặt câu hỏi, liệu có sự bình đẳng, công bằng hay không khi họ phải “nai lưng” ra làm để đóng thuế, trong khi số nợ đọng thuế mỗi năm một tăng. Phải có chế tài thật nghiêm minh để đồng tiền thuế của người dân được sử dụng một cách có hiệu quả và công bằng", ông Long đề xuất./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận