Nợ tăng cao, dòng tiền âm nặng, “sức khỏe” tài chính Tập đoàn Lộc Trời có vấn đề?
Nợ phải trả gần gấp đôi vốn chủ sở hữu cũng như việc dòng tiền kinh doanh âm đang đặt ra vấn đề tài chính có thể nói là tiêu cực cho Tập đoàn Lộc Trời.
Kiếm tiền từ bán thuốc bảo vệ thực vật, lương thực
Như đã thông tin, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (mã CK: LTG) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2021.
Theo đó, quý II/2021, Tập đoàn Lộc Trời ghi nhận doanh thuần 2.725 tỷ đồng, tăng 86% so cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán tăng nhanh hơn khiến công ty giảm 13% lãi gộp, chỉ đạt 348 tỷ đồng.
Trong kỳ, các khoản chi phí của Tập đoàn Lộc Trời đều gia tăng. Trong đó, chi phí tài chính tăng 9%, lên mức 56 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý tăng 19%, lần lượt ở mức 182 tỷ đồng và 74 tỷ đồng.
Việc giá vốn tăng nhanh và sự bào mòn của các chi phí khiến Tập đoàn Lộc Trời chỉ ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý II/2021 ở mức 45 tỷ đồng, giảm 70% so cùng kỳ năm ngoái.
Được biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, mảng thuốc bảo vệ thực vật mang về 2.085 tỷ đồng doanh thu thuần cho Tập đoàn Lộc Trời, tăng 67% so với cùng kỳ 2020. Trong khi đó, mảng lương thực cũng đóng góp 2.385 tỷ đồng, tăng 421%.
Sau khi trừ giá vốn, lợi nhuận gộp mảng thuốc bảo vệ thực vật của Tập đoàn Lộc Trời đạt 722 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái; mảng lương thực đạt 45 tỷ đồng, tăng 97%.
Kết quả, 6 tháng đầu năm 2021, Tập đoàn Lộc Trời ghi nhận 5.196 tỷ đồng doanh thu, tăng 131% so cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 229 tỷ đồng, cao gấp đôi so với cùng kỳ.
Tính tại thời điểm cuối tháng 6/2021, tổng tài sản của Tập đoàn Lộc Trời ở mức 8.500 tỷ đồng, tăng đến 23% so với hồi đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho (sau dự phòng) đột biến 68%, lên mức 4.210 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn cũng chiếm tới 1.500 tỷ đồng.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, tỷ trọng hàng tồn kho lớn luôn là mối quan ngại ít nhiều với nhà đầu tư, do tính chất tồn lâu, chôn vốn, chi phí phát sinh. Đây là minh chứng cho việc có hàng mà không bán được hoặc tăng nhập hàng về nhưng giữ ở kho.
Nếu để tồn hàng tồn kho quá lâu thì sẽ làm ảnh hưởng không tốt tới quá trình kinh doanh do doanh nghiệp sẽ phải tốn chi phí trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho do giá trị hiện tại giảm mạnh so với giá gốc ban đầu khiến cho lợi nhuận sụt giảm.
Nguồn vốn được tài trợ bởi nợ nần
Cũng tại thời điểm ngày 30/6/2021, tổng nợ phải trả của Tập đoàn Lộc Trời ở mức 5.634 tỷ đồng, tăng hơn 1.500 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, chủ yếu là nợ ngắn hạn.
Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của Tập đoàn Lộc Trời chỉ ở mức 2.864 tỷ đồng. Như vậy, nợ phải trả của công ty đã cao gần gấp đôi vốn chủ sở hữu.
Việc nợ phải trả cao hơn vốn chủ sở hữu có nghĩa nguồn vốn của Tập đoàn Lộc Trời được tài trợ chủ yếu bởi nợ. Về nguyên tắc, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu càng lớn thì khả năng gặp khó khăn trong việc trả nợ hoặc phá sản của doanh nghiệp càng lớn.
Ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lộc Trời. (Ảnh: loctroi.vn)
Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2021, dù kinh doanh tăng trưởng lợi nhuận nhưng Tập đoàn Lộc Trời đang gặp khó khăn về dòng tiền.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2021, dòng tiền kinh doanh của Tập đoàn Lộc Trời âm 1.286 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước dương 255 tỷ đồng; dòng tiền đầu tư cũng âm 209 tỷ đồng.
Các chuyên gia cho biết, dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp biểu thị cho việc hoạt động kinh doanh có thu được tiền về không. Nếu dòng tiền âm có nghĩa rằng công ty chỉ ghi nhận lãi trên sổ sách chứ không thu được tiền về. Vì vậy để bù đắp, doanh nghiệp có nhiều lựa chọn, hoặc giảm chi đầu tư, thanh lý tài sản, hoặc tăng cường đi vay.
Dòng tiền là “dòng máu” duy trì tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh, là yếu tố sống còn của doanh nghiệp. Không có tiền trả nợ khi đến hạn, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có thể bị chủ nợ yêu cầu làm thủ tục phá sản.
Nhiều doanh nghiệp có thể báo cáo lợi nhuận hàng năm lên đến hàng trăm tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng cao, nhưng nếu nguồn tiền thu về từ cung cấp hàng hóa, dịch vụ không đủ để tài trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh thì sẽ phải bù đắp bằng dòng tiền đầu tư, hoặc dòng tiền hoạt động tài chính (vay nợ, huy động thêm vốn từ cổ đông, bán bớt tài sản). Trong trường hợp này, một mặt công ty phải chịu thêm chi phí lãi vay, mặt khác chịu thêm rủi ro về tài chính nếu không cơ cấu được nguồn vốn để trả các khoản nợ vay ngắn hạn hay nợ dài hạn đến hạn.
Việc dòng tiền hoạt động kinh doanh âm dễ được chấp nhận với doanh nghiệp mới thành lập, đang trong giai đoạn mở rộng sản xuất kinh doanh…, nhưng có thể đây có thể là tín hiệu cảnh bảo tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đang có vấn đề, như việc bán hàng không thu được tiền, hay bị nghi ngờ là ghi nhận doanh thu ảo.
Với những trường hợp công ty có lợi nhuận, nhưng hoạt động kinh doanh không tạo ra dòng tiền dương, bị chôn vốn, nguồn tiền thu về chậm, dẫn tới sự nguy hiểm trong tình hình tài chính, gặp khó khăn trong thanh toán công nợ, cũng như không thể chi trả cổ tức cho cổ đông.
Tất nhiên, không phải mọi doanh nghiệp có dòng tiền hoạt động kinh doanh âm đều đáng báo động, bởi với những doanh nghiệp đang trong quá trình mở rộng, phải nhập thêm hàng hóa, tăng tồn kho, tăng phải thu, phải trả… thì tình trạng dòng tiền âm là không đáng lo ngại, công ty có thể sử dụng vốn vay hoặc huy động từ cổ đông để bổ sung lượng thiếu hụt.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận