Nợ nước ngoài của doanh nghiệp “phình to”
Đến cuối năm 2022, dư nợ công của Việt Nam đạt khoảng 3,6 triệu tỷ đồng, các khoản vay trong nước dần chiếm vai trò chủ đạo và có xu hướng giảm dần trong giai đoạn 2018 - 2022. Trong khi đó, nợ nước ngoài của doanh nghiệp theo hình thức tự vay, tự trả tăng tới 66%...
Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) vừa phát hành bản tin nợ công số 16 của Việt Nam giai đoạn 2018 - 2022.
Theo trên, tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam có xu hướng giảm dần thời gian qua. Tính đến hết năm 2022, nợ công tương đương 37,4% GDP. So với GDP, nợ nước ngoài tính đến hết năm 2022 khoảng 36,1% GDP.
Theo đó, tính đến hết năm 2022, thứ nhất, nợ Chính phủ giảm còn khoảng 3,25 triệu tỷ đồng, tương ứng giảm khoảng 30 nghìn tỷ so với báo cáo trước đó vào thời điểm cuối tháng 6/2022.
Trong đó, nợ vay nước ngoài cuối năm 2022 gần 975 nghìn tỷ đồng (giảm khoảng 22 nghìn tỷ so với cuối tháng 6/2022) và có xu hướng giảm dần trong giai đoạn 2018 - 2022, từ mức đỉnh 1,136 triệu tỷ đồng (năm 2020) xuống gần 975 nghìn, với mức giảm tương ứng trên 160 nghìn tỷ đồng.
Trong khi đó, vay trong nước tăng lên hơn 2,27 triệu tỷ đồng (tăng trên 52 nghìn tỷ đồng), chiếm khoảng 70% dư nợ Chính phủ.
Theo Bộ Tài chính, hiện nay các khoản vay trong nước của Chính phủ có xu hướng tăng nhanh (tăng 574 nghìn tỷ đồng) và chiếm vai trò chủ đạo. Ngược lại, dư nợ vay vốn nước ngoài của Chính phủ đang có xu hướng giảm dần trong giai đoạn 2018 - 2022 (giảm 93 nghìn tỷ đồng) giúp giảm rủi ro về tỷ giá, đảm bảo an toàn nợ công và an ninh tài chính quốc gia.
Tính riêng tổng trả nợ trong kỳ đạt 316 nghìn tỷ đồng, gồm 214 nghìn tỷ để trả nợ gốc và hơn 105 nghìn tỷ để trả lãi và phí.
Phân theo từng bên cho vay, chủ nợ song phương lớn nhất của Việt Nam vẫn là Nhật Bản với gần 400 nghìn tỷ (giảm khoảng 78 nghìn tỷ so với cuối tháng 6/2022).
Bên cạnh đó, Hàn Quốc, Pháp và Đức lần lượt cho vay hơn 27,5 nghìn tỷ; 26,7 nghìn tỷ và 13 nghìn tỷ đồng.
Tính theo đối tác đa phương, WB đứng đầu danh sách chủ nợ với trên 354 nghìn tỷ, tiếp đến là Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) với hơn 182 nghìn tỷ...
Thứ hai, dư nợ được Chính phủ bảo lãnh tính đến cuối năm 2022 đạt khoảng 298 nghìn tỷ đồng. Trong đó, nợ nước ngoài khoảng 143 nghìn tỷ đồng; nợ trong nước gần 155 nghìn tỷ đồng.
Tổng trả nợ trong kỳ đạt 59 nghìn tỷ đồng, gồm 44,6 nghìn tỷ trả nợ gốc và hơn 14,5 nghìn tỷ trả lãi và phí.
Thứ ba, dư nợ của chính quyền địa phương khoảng 53 nghìn tỷ đồng. Về xu hướng, sau khi giảm vào năm 2019, nợ chính quyền địa phương có dấu hiệu tăng trở lại.
Tổng trả nợ trong kỳ đạt trên 4 nghìn tỷ đồng, gồm hơn 3 nghìn tỷ trả nợ gốc và khoảng gần 1 nghìn tỷ trả lãi và phí.
Như vậy, dư nợ công của Việt Nam đến cuối năm 2022 đạt khoảng 3,6 triệu tỷ đồng; tổng trả nợ trong kỳ khoảng 380 nghìn tỷ. Xét trong giai đoạn 2018 - 2022, nợ công Việt Năm tăng khoảng 350 nghìn tỷ đồng.
Tốc độ tăng dư nợ nước ngoài của khu công đang được kiểm soát chặt chẽ, góp phần bồi đắp dư địa chính sách, kiềm chế nghĩa vụ nợ trực tiếp và dự phòng của ngân sách nhà nước.
Đáng chú ý, từ số liệu do Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cung cấp cho thấy trong khi dư nợ vay vốn nước ngoài của Chính phủ đang có xu hướng giảm tới 160 nghìn tỷ so với mức đỉnh giai đoạn 2018 - 2022 như phân tích nêu trên, nợ nước ngoài của doanh nghiệp lại có xu hướng tăng.
Vì vậy, trong cơ cấu nợ nước ngoài của quốc gia, tỷ trọng nợ nước ngoài của doanh nghiệp tăng mạnh lên 71,6% cuối năm 2022 so với mức 58% cuối năm 2018 và cao hơn so với con số đưa ra cuối tháng 6/2022 (69,6%).
Theo đó, cuối năm 2022, dư nợ nước ngoài của doanh nghiệp lên mức 2,455 triệu tỷ đồng, tương ứng tăng 167 nghìn tỷ đồng so với giữa năm 2022 và tăng tới 975 nghìn tỷ đồng so với mức “đáy” năm 2018 chỉ là 1,48 triệu tỷ đồng, tương ứng tăng 66%.
Giới phân tích cho rằng theo quy định tại Luật Quản lý nợ công, vốn vay nước ngoài theo hình thức tự vay, tự trả của doanh nghiệp được tính vào nợ nước ngoài của quốc gia, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nhưng nợ chủ yếu nằm ở khối doanh nghiệp FDI, trong khi thực tế vẫn còn hiện tượng doanh nghiệp FDI vốn mỏng, lỗ luỹ kế kéo dài.
Báo cáo kết quả tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài do Bộ Tài chính công bố cuối năm 2022 cho thấy một số lĩnh vực kinh doanh của khối FDI có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lớn như: thông tin và truyền thông (4,06 lần); hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (2,95 lần); sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí (2,93 lần).
Hơn 55% số doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực này đều có lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm và có xu hướng tăng cho thấy việc sử dụng đòn bẩy tài chính của đa số các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực này chưa hợp lý.
Riêng lĩnh vực khai khoáng thua lỗ kéo dài dẫn đến vốn chủ sở hữu tiếp tục âm. Việc hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu âm trong nhiều năm liên tiếp của doanh nghiệp FDI cho thấy cấu trúc tài chính của lĩnh vực này chưa được cải thiện, nhiều doanh nghiệp đang sử dụng nợ để tài trợ cho tài sản.
Quyết định số 458/QĐ-TTg ngày 28/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ đặt ra kế hoạch vay, trả nợ công năm 2023 và Chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2023-2025.
Số liệu Bộ Tài chính cung cấp cho thấy lũy kế 9 tháng của năm 2023, tổng vay trong nước và nước ngoài đạt khoảng 279.156 tỷ đồng (bằng 43,3% kế hoạch). Trong đó, vay cho ngân sách trung ương khoảng 273.223 tỷ đồng (bằng 44% kế hoạch vay của ngân sách trung ương); vay về cho vay lại khoảng 5.934 tỷ đồng (đạt 25,4% kế hoạch vay lại). Về việc trả nợ, tổng trả nợ của Chính phủ khoảng 251.665 tỷ đồng; trong đó trả nợ trực tiếp khoảng 227.717 tỷ đồng (77,6% kế hoạch); trả nợ cho vay lại khoảng 23.947 tỷ đồng (70,7% kế hoạch).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận