24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lâm An
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nỗ lực phi USD hóa sẽ viết lại trật tự kinh tế toàn cầu?

Theo báo Liên hợp buổi sáng, trong 10 năm qua, Nga luôn tìm mọi cách để thực hiện phi USD hóa nền kinh tế. “Xứ sở Bạch Dương” không chỉ cắt giảm sử dụng đồng USD trong giao dịch xuyên biên giới, mà còn giảm dự trữ ngoại tệ bằng đồng USD. Ngoài ra, Nga còn thiết lập một hệ thống thanh toán điện tử quốc gia. Chính do những biện pháp nói trên, Nga đã hạ thấp rủi ro các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với nền kinh tế ở mức độ nhất định.

Bên cạnh đó, do tình hình căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trong những năm gần đây, nên Trung Quốc cũng tìm cách thúc đẩy phi USD hóa trong thương mại và đầu tư quốc tế. Theo quan điểm của Trung Quốc, Mỹ có thể áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc vì vậy nước này cần phải phòng ngừa trước. Cuộc xung đột Nga-Ukraine hiện nay cũng phản ánh từ khía cạnh này, nếu hai bờ eo biển xảy ra xung đột, Trung Quốc có thể đối diện với những biện pháp trừng phạt tương tự, nền kinh tế cũng sẽ bị tác động.

Từ đó có thể thấy rằng Trung Quốc và Nga có lợi ích chung về phương diện phi USD hóa, điều này sẽ giúp hai nước giảm nhẹ ảnh hưởng tiêu cực gây nên từ các lệnh trừng phạt của Mỹ. Ngoài ra, Trung Quốc và Nga gần đây cũng đều công khai nhấn mạnh, “quan hệ Trung-Nga không có giới hạn” và “hai nước có thể hợp tác trên mọi lĩnh vực”.

Trên lĩnh vực tiền tệ, vấn đề đáng quan tâm là liệu nhịp độ phi USD hóa của Nga và Trung Quốc có đe dọa địa vị thống trị toàn cầu của đồng USD, thậm chí viết lại luật chơi toàn cầu, tái cấu trúc trật tự thế giới hay không? Liệu hai nước có thể làm được điều này hay không?

Chiến lược áp đảo của Nga

“Chiến lược áp đảo” là thuật ngữ trong lý thuyết trò chơi, là chỉ cho dù đối phương áp dụng bất cứ biện pháp nào, thì người tham gia cũng đều sử dụng một chiến lược tối ưu, và chiến lược áp đảo của Nga chính là phi USD hóa.

Trên thực tế, Nga không còn lựa chọn nào khác, chỉ có thể nỗ lực thực hiện mục tiêu phi USD nền kinh tế, bởi vì Mỹ luôn triển khai các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga. Chỉ cần Mỹ cho rằng lợi ích bị Nga đe dọa, thì các biện pháp trừng phạt kinh tế thường được sử dụng.

Tính đến năm 2020, Nga đã cắt giảm một nửa dự trữ USD, đồng thời thanh lý toàn bộ tài sản định giá bằng USD trong quỹ tài sản quốc gia của mình. Nga cũng đang sử dụng các đồng tiền khác ngoài USD để tiến hành giao dịch thương mại quốc tế với các đối tác thương mại. Tính đến cuối năm 2020, trong thương mại xuất khẩu của Nga với Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS, gồm Nga, Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), chỉ có 10% giao dịch được thanh toán bằng đồng USD, trong khi vào năm 2013 tỷ lệ này lên đến 95%. Ngoài ra, để giảm thiểu sự phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng thanh toán của Mỹ, năm 2015 Nga còn thiết lập hệ thống thanh toán điện tử quốc gia mới Mir và hệ thống truyền tải thông tin tài chính SPFS.

Trên thực tế, mặc dù những biện pháp này có thể giúp Nga giảm nhẹ ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt kinh tế, nhưng phải thừa nhận rằng, hiện nay vẫn là thế giới của đồng USD thống trị, sức mạnh của một nước chưa đủ để định hình lại trật tự thế giới. Ít nhất trong ngắn hạn, địa vị thống trị của đồng USD trong lĩnh vực tài chính và thương mại sẽ không có sự thay đổi.

Tuy nhiên, quyết tâm phi USD hóa của Nga cũng đã kích thích một số nước (bao gồm các nước bị Mỹ trừng phạt và các nước muốn nâng cao địa vị đồng tiền của mình) bắt đầu theo bước chân Nga, vén bức màn phi USD hóa.

Mục tiêu của Trung Quốc

Trong khi đó, phi USD hóa không phải là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Trung Quốc, nhưng rất cần thiết trong dài hạn. Giao dịch xuyên biên giới thanh toán bằng đồng USD vẫn đang phát huy vai trò quan trọng trong hoạt động kinh tế của Trung Quốc, và Mỹ cũng chính là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc, do đó Trung Quốc sẽ không xem phi USD hóa là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, ít nhất trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, quan hệ Mỹ-Trung ngày càng diễn biến tiêu cực đang thúc đẩy Trung Quốc lựa chọn liên kết với Nga, đẩy nhanh tiến trình phi USD hóa. Các lệnh trừng phạt kinh tế mà Nga đối diện hiện nay rất có thể cũng sẽ xảy ra với Trung Quốc trong tương lai, bởi vì giữa Trung Quốc và Mỹ luôn tồn tại các vấn đề lơ lửng chưa giải quyết, chẳng hạn như nhân quyền, lãnh thổ… Do đó, Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp đề phòng tương ứng để đảm bảo nền kinh tế và thị trường tài chính duy trì ổn định trong dài hạn.

Cân nhắc đến mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ, cũng như duy trì sự ổn định của thị trường tài chính, Trung Quốc đã đưa ra các quyết định. Một mặt, từ năm 2019 đến nay, Trung Quốc luôn tìm cách đa dạng hóa dự trữ ngoại hối, giảm thiểu tỷ lệ nắm giữ đồng USD. Mặt khác, đến tháng 7/2021, Trung Quốc đã cắt giảm hơn 21 tỷ USD trái phiếu Mỹ, ghi nhận mức thấp nhất kể từ năm 2010.

Bên cạnh đó, Trung Quốc còn khởi xướng giao dịch xuyên biên giới thanh toán bằng đồng NDT, đồng thời khai trương hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới CIPS. Trung Quốc đã ký thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với các nước hợp tác trong sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI), bao gồm Nga. Theo một báo cáo của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương), năm 2020, tỷ lệ sử dụng NDT trong thương mại xuyên biên giới (bao gồm chi trả và thu nhận) đã tăng 44,3% so với cùng kỳ, đạt 28.390 tỷ NDT (khoảng 4.400 tỷ USD).

Trung Quốc và Nga bắt tay hợp tác khiến phương Tây lo lắng

Do Trung Quốc, Nga và một số nước khác có nhu cầu chung về vấn đề phi USD hóa, vì vậy các nước này bắt tay hợp tác sẽ từng bước làm suy yếu địa vị lũng đoạn của đồng USD. Tính đến cuối năm 2020, trong thương mại xuất khẩu của Nga đối với Trung Quốc, hơn 83% giao dịch được tiến hành thông qua sử dụng đồng euro để thanh toán. Gần đây, Trung Quốc lại cùng Nga ký một hợp đồng có thời hạn 30 năm, đồng ý sử dụng đồng euro để thanh toán trong thương mại khí đốt tự nhiên.

Để tăng cường quan hệ song phương với Trung Quốc, Nga đã áp dụng một loạt biện pháp, chẳng hạn gia tăng tỷ trọng NDT trong dự trữ ngoại hối của Nga. Ngoài ra, Nga còn ký một thỏa thuận, cam kết tăng cường sử dụng đồng nội tệ trong giao dịch xuyên biên giới, mở rộng cơ sở hạ tầng tài chính lấy NDT làm nền tảng.

Điều đáng quan tâm là Trung Quốc cũng đã tạo ra đồng tiền số của mình và mạng lưới thanh toán toàn cầu. Một số nhà phân tích cho rằng, để thực hiện các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga, Mỹ sẽ loại Nga ra khỏi Hiệp hội viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT), điều này có thể cung cấp cơ hội phát triển mới cho hệ thống thanh toán của Trung Quốc. Bên cạnh đó, các nước khác có thể cũng sẽ bắt đầu cân nhắc liệu có tham gia vào mạng lưới thanh toán của Trung Quốc để triệt tiêu rủi ro gây nên từ việc nắm giữ và sử dụng đồng USD hay không.

Tuy nhiên, Trung Quốc không muốn bị cuốn vào các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga, bởi điều này chắc chắn lợi bất cập hại đối với nền kinh tế Trung Quốc. Trung Quốc luôn coi sự ổn định là nhiệm vụ hàng đầu của phát triển kinh tế, nên chắc chắn sẽ không hy sinh sự ổn định của nền kinh tế để hỗ trợ Nga. Tuy nhiên, ở mức độ nhất định nào đó, hợp tác thương mại quốc tế giữa Trung Quốc và Nga quả thực đã giảm nhẹ ảnh hưởng gây nên từ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.

Trở thành đồng minh với Nga có lợi cho việc cân bằng quan hệ giữa Trung Quốc với các nước khác trên thế giới, do đó Trung Quốc không muốn Nga “thua trận” trong cuộc chiến trừng phạt kinh tế lần này, đây cũng chính là đạo lý “môi hở răng lạnh”. Cân nhắc đến sức mạnh của Mỹ và mối quan hệ với Nga, ở mức độ rất lớn Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì thái độ trung lập.

Ngược lại, các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ không những không đạt được mục tiêu thúc đẩy Nga và Ukraine giảm leo thang, mà còn làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, khiến lạm phát toàn cầu diễn biến nghiêm trọng hơn. Cuộc xung đột Nga-Ukraine lần này đã cản trở hơn nữa bước đi phục hồi kinh tế từ trong đại dịch COVID-19.

Các đồng minh châu Âu của Mỹ có thể chịu đựng giá năng lượng leo thang trong bao lâu, các nước châu Âu sẽ sắp xếp và giải quyết những người tị nạn Ukraine như thế nào, hiện nay xem ra những vấn đề này vẫn chưa có lời giải.

Điều duy nhất có thể xác định là giảm thiểu sự phụ thuộc vào đồng USD đã trở thành vấn đề được một số nước đang xem xét. Nếu một số quốc gia muốn thoát khỏi sự kiểm soát của đồng USD để giành được quyền tự chủ nhiều hơn, thì họ phải tăng cường quan hệ với Trung Quốc, và điều này sẽ gián tiếp làm suy yếu sức ảnh hưởng của đồng USD trên thế giới. Dần dần, một trật tự thế giới mới có thể sẽ được thiết lập.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả