24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hoàng Yến
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nợ công Việt Nam đang chuyển biến theo hướng tích cực

Trong thập kỷ qua, Việt Nam ghi nhận tỷ lệ nợ công GPD đã tăng gấp đôi và chạm ngưỡng giới hạn. Tuy nhiên, nỗ lực của Chính phủ trong các năm gần đây đã kéo giảm và giữ các tỷ lệ này nằm trong giới hạn cho phép.

Nợ công Việt Nam đang chuyển biến theo hướng tích cực

Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Thế giới (IFM), tính đến hết năm 2018, nợ công tại hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã tăng mạnh so với hơn 1 thập kỷ trước. Trong đó, tại các nền kinh tế phát triển, tỷ lệ nợ công/GDP đã tăng rất mạnh trong giai đoạn hậu khủng hoảng 2007-2012 trước khi dừng lại và đi ngang.

Ngược lại, trong khoảng 5 năm trở lại đây, Chính phủ tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển lại có xu hướng đẩy mạnh chi tiêu và vay mượn nhiều hơn. Tình trạng nợ công/GDP áp sát trần an toàn do đó đã trở nên phổ biến trên quy mô toàn cầu trong những năm gần đây.

Nhận định về tình hình nợ công của Việt Nam ở thời điểm hiện tại, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, mặc dù được xếp hạng khá cao trong khu vực về tỷ lệ nợ công/GDP nhưng chúng ta không thể phủ nhận những nỗ lực của Chính phủ trong việc kiểm soát và giảm tỷ lệ này thông qua kế hoạch tài chính công và đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Trong bức tranh chung về tài chính công, Việt Nam đã và đang từng bước ghi nhận những điểm tích cực khi tỷ lệ nợ công, nợ chính phủ và nợ nước ngoài đều dần trở nên tích cực và nằm trong giới hạn cho phép.

Đặc biệt, trong 3 năm trở lại đây, tỷ lệ nợ công/GDP đã giảm từ mức đỉnh 63,7% xuống 58,4% trong khi nợ chính phủ/GDP được kéo về ngưỡng 50%. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế hồi phục và đạt mức 7,1% trong năm 2018, quá trình thoái vốn và cổ phần hóa cũng được đẩy mạnh trong giai đoạn kể trên. Hoạt động chi thường xuyên cũng được Chính phủ kiểm soát chặt chẽ hơn khi tỷ lệ chi thường xuyên so với tổng chi Ngân sách Nhà nước giảm từ 75% về 68%.

Nợ công Việt Nam đang chuyển biến theo hướng tích cực

Chỉ số tài chính công (Nguồn: Bộ Tài chính)

Mặc dù vậy, VDSC cho rằng vẫn còn đó những vấn đề cần được cải thiện như tốc độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn huy động. Ngoài ra, diễn biến thoái vốn, cổ phần hóa đang tắc nghẽn và bội chi Ngân sách vẫn đang ở mức cao so với các nước trong khu vực.

Áp lực trả nợ cao tăng cao nhưng rủi ro thấp

Đi sâu phân tích vào cơ cấu nợ công Việt Nam thời điểm 2017, VDSC cho biết nợ công Việt Nam đạt 61,4% GDP trong đó, nợ Chính phủ chiếm 51,7% GDP, còn lại là nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương. Nợ nước ngoài quốc gia/GDP năm 2017 ở mức 48,9% trong đó nợ công nước ngoài chiếm 28,2% GDP và nợ từ khu vực doanh nghiệp đạt 20,8% GDP.

Mặc dù tỷ lệ nợ công/GDP đã giảm trong các năm qua, tuy nhiên số liệu của IMF cũng cho thấy áp lực trả nợ công của Việt Nam sẽ đặc biệt lên cao trong các năm 2020-2021. Theo đó, trong khoảng thời gian này sẽ có 25% nợ công trong nước đến hạn. Tính cả khoản nợ nước ngoài, nhu cầu vay để trả nợ sẽ lên đến 22 tỷ USD. Trong năm 2020, đỉnh nợ rơi vào tháng 10-11 với khối lượng nợ gốc đáo hạn đạt 2,7 tỷ USD, trong đó có 1 tỷ USD trái phiếu ngoại tệ.

Về kế hoạch trả nợ của Việt Nam, VDSC nhận định quy mô nợ nước ngoài/GDP của Việt Nam cũng ở ngưỡng cao nhưng đây đều là những khoản vay ưu đãi có thời hạn dài và lãi suất thấp trong quá khứ. So sánh với quốc gia trong khu vực là Malaysia, nơi có tỷ lệ nợ nước ngoài/GDP lên tới 70% trong khi các khoản nợ ngắn hạn chiếm 40% tổng quy mô thì tỷ lệ nợ ngắn hạn tại Việt Nam chỉ ở mức 21%.

Do đó, “rủi ro lên thị trường tài chính trong ngắn và trung hạn sẽ không cao” VDSC nhận đinh.

Ngày 9/10/2019, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service thông báo về việc xem xét hạ mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia đối với các khoản vay bằng nội tệ và ngoại tệ của Chính phủ Việt Nam (hiện ở mức Ba3).

Cơ sở Moody’s đưa ra quyết định xem xét hạ bậc xếp hạng tín nhiệm bắt nguồn từ đánh giá cho rằng những hạn chế trong công tác phối hợp giữa các cơ quan Chính phủ dẫn đến tình trạng chậm thanh toán nghĩa vụ nợ Chính phủ.

Bộ Tài chính làm rõ đây là nghĩa vụ nợ được Chính phủ bảo lãnh, thuộc nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ, không phải là nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ.

Chính phủ Việt Nam đã thực hiện trách nhiệm của người bảo lãnh trong việc thanh toán, ngay cả khi chưa nhận được yêu cầu chính thức của Bên cho vay.

Bộ Tài chính khẳng định việc Moody’s đưa Việt Nam vào diện xem xét để hạ bậc chỉ dựa trên một sự việc riêng lẻ là không phù hợp.

Theo Bộ Tài chính, Moody's cần xác định rõ nghĩa vụ nợ dự phòng và nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ. Chính phủ chưa bao giờ chậm trễ trong thực hiện nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ.

Bộ Tài chính cho rằng Moody’s chỉ trên một sự việc riêng lẻ mà bỏ qua các nỗ lực Chính phủ Việt Nam đã đạt được trong duy trì bình ổn kinh tế vĩ mô là chưa thực sự thuyết phục và việc Moody’s đưa ra thông tin báo chí trong khi chưa chắc chắn về quy trình và cơ chế thanh toán các khoản vay được Chính phủ Việt Nam bảo lãnh có thể gây ra sự hiểu lầm không đáng có đối với cộng đồng các nhà đầu tư về khả năng trả nợ của Chính phủ và có thể ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh quốc gia của Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả