Nikkei Asia: Các nền kinh tế Đông Nam Á gặp rủi ro bởi các yếu tố bên ngoài
Các nhà kinh tế đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng năm 2023 cho 5 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á do lo ngại về sự suy giảm toàn cầu trong bối cảnh lãi suất tăng ở Mỹ.
Theo khảo sát hàng quý mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER) và Nikkei vào tháng 9, tổng sản phẩm quốc nội của Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan dự kiến sẽ tăng 4,3% vào năm 2023, giảm so với con số 4,8% trong cuộc khảo sát trong tháng 6.
Tăng trưởng của mỗi quốc gia cũng đã được điều chỉnh giảm. Dự báo tăng trưởng GDP của Indonesia giảm từ 5,1% xuống 4,9%, Malaysia từ 4,6% xuống 4%, Philippines từ 5,6%xuống 5,4%, Singapore từ 3,5% xuống 2,2% và Thái Lan từ 4,4% xuống 3,7%.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ tăng lãi suất hơn nữa để kiềm chế lạm phát. Các đồng tiền châu Á dự kiến sẽ giảm giá và điều đó sẽ khiến các ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất. Khi Fed tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản vào tháng 9, các ngân hàng trung ương ở Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines cũng đã thực hiện tăng lãi suất. Cơ quan Tiền tệ Singapore vào tháng 7 cũng đã thắt chặt chính sách tiền tệ của mình.
Các nhà kinh tế cho rằng, việc kinh tế Mỹ giảm tốc và tiêu thụ giảm có thể dẫn đến châu Á xuất khẩu yếu hơn, điều này sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của khu vực trong năm tới.
Amonthep Chawla, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của CIMB Thai Bank cho biết: “Những lo ngại về suy thoái toàn cầu gây ra bởi việc thắt chặt tiền tệ của Mỹ có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu của Thái Lan”.
Tirthankar Patnaik, nhà kinh tế trưởng tại National Stock Exchange of India cho biết: "Nền kinh tế Mỹ đang tiến tới suy thoái. Điều này sẽ có tác động lan tỏa đến nhu cầu toàn cầu và do đó gây rủi ro điều chỉnh giảm cho tăng trưởng của Ấn Độ”.
Sự bất ổn về nền kinh tế Trung Quốc cũng đè nặng lên khu vực Đông Nam Á khi nước này không có dấu hiệu nới lỏng chính sách Zero Covid nghiêm ngặt trong bối cảnh lo ngại về cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản. Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng của nhiều nước châu Á và là nguồn khách du lịch lớn nhất đối với một số nước trong khu vực.
Các nhà kinh tế đang xem việc Trung Quốc giảm tốc là rủi ro lớn nhất trong 12 tháng tới đối với Thái Lan và là rủi ro lớn thứ hai đối với Singapore và Malaysia. Trong cuộc khảo sát trước đó, họ đã liệt kê sự suy thoái của Trung Quốc là một trong ba rủi ro hàng đầu đối với nền kinh tế Thái Lan.
Manu Bhaskaran, Giám đốc điều hành của Centennial Asia Advisors cảnh báo: “Rủi ro của Trung Quốc là yếu tố tác động lớn nhất đến nền kinh tế toàn cầu khi nước này đang đối mặt với các yếu tố gây ảnh hưởng tiêu cực như các biện pháp phong toả, thị trường bất động sản suy yếu, căng thẳng tài chính gia tăng và động thái kiểm soát lĩnh vực công nghệ”.
Mohd Sedek Jantan, Trưởng bộ phận tư vấn và nghiên cứu tài sản tại UOB Kay Hian Wealth Advisors cho biết, Malaysia xem Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của mình và sự suy thoái ở đó "gây ra hậu quả đối với một số lĩnh vực và công ty địa phương". Trung Quốc mua khoảng 40% hàng xuất khẩu của Malaysia.
Ngoài nền kinh tế, cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan cũng là mối lo ngại đối với một số quốc gia láng giềng. Ruben Carlo O. Asuncion, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Union của Philippines cho biết, cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan là "một sự kiện rủi ro địa chính trị mà chúng tôi chủ yếu lưu ý", vì Đài Bắc (Trung Hoa) là một đối tác thương mại lớn về nguyên liệu thô và tiêu dùng.
Trong cả năm 2022, các nhà kinh tế dự báo 5 nền kinh tế lớn của Đông Nam Á sẽ tăng trưởng ở mức bình quân là 5%. Các nhà kinh tế kỳ vọng tăng trưởng GDP của Indonesia sẽ tăng 5,1%, Malaysia 6,9%, Philippines 6,5%, Singapore 3,8% và Thái Lan 3,2%.
Cuộc khảo sát được thực hiện từ ngày 2/9 đến ngày 22/9 với 35 nhà kinh tế và nhà phân tích tham gia.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận