"Niềm tin của nhà đầu tư đã bị tổn thương bởi những lời đồn thổi"
“Một số sự việc xảy ra thời gian gần đây ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của nhà đầu tư. Do đó cần lấy lại niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường vốn”...
Đó là một trong các ý kiến của doanh nghiệp tại cuộc họp bàn về thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp cùng Bộ Tài chính, mới đây.
Tại cuộc họp, các doanh nghiệp cho rằng điều quan trọng nhất hiện nay là cần nới room tín dụng ngân hàng, duy trì thanh khoản để các doanh nghiệp có dòng vốn lưu thông; các tổ chức phát hành phải thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết đối với các nhà đầu tư; về phía cơ quan quản lý nhà nước cần giải quyết nhanh các hồ sơ pháp lý cho các dự án, đặc biệt là các dự án bất động sản có thể đưa sản phẩm ra thị trường sớm để thu hồi vốn thực hiện việc trả nợ trái phiếu đúng hạn.
Theo ông Nguyễn Vũ Long, Tổng giám đốc của VNDIRECT, nút thắt lớn nhất hiện nay đối với thị trường trái phiếu là dòng vốn thanh khoản của doanh nghiệp.
Hiện nay các kênh huy động vốn của doanh nghiệp đều đang bị ách tắc, ngân hàng đã hết room tín dụng từ giữa quý II, đầu quý III/2022, các kênh huy động vốn khác của doanh nghiệp như thị trường cổ phiếu thì gần đây rất khó khăn.
Trong khi đó, kênh trái phiếu trong quý IV/2022 gần như không có doanh nghiệp nào huy động được trái phiếu mới.
Trong ngắn hạn điều quan trọng nhất là phải duy trì thanh khoản để các doanh nghiệp có dòng vốn lưu thông từ đó mới có thể tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thanh khoản bù đắp kịp thời nhất hiện nay sẽ đến từ tín dụng ngân hàng, nhưng lại không thể cho vay mới khi các ngân hàng đã cạn room.
“Niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường rất quan trọng. Một số sự việc xảy ra thời gian gần đây ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của nhà đầu tư. Do đó cần lấy lại niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường vốn.
Nhà đầu tư cần biết rằng đây chỉ là những con sâu làm rầu nồi canh, là một phần trên thị trường chứ không phải bức tranh của toàn bộ thị trường trái phiếu doanh nghiệp”, ông Nguyễn Vũ Long nêu ý kiến.
Đối với thị trường cổ phiếu, hiện nay Việt Nam đã phát triển đến giai đoạn mà yếu tố cung cầu trên thị trường tự cân bằng theo theo quá trình, có giai đoạn thị trường tâm lý chung là tiêu cực bi quan nhưng trong dài hạn là sự cân bằng trở lại và thị trường cổ phiếu sẽ phản ánh đúng với sức khỏe của nền kinh tế Việt Nam.
Trước tình thế niềm tin của nhà đầu tư đã bị tổn thương bởi những lời đồn thổi trong thời gian gần đây, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định: “Thị trường chứng khoán lao dốc vì nhà đầu tư mất niềm tin và có quá nhiều tin đồn. Vì vậy, chúng tôi sẽ chia sẽ thêm thông tin qua các kênh chính thống và phải thực hiện các biện pháp để củng cố hoạt động của các công ty".
Tiếp tục chuỗi ngày ảm đạm, kết thúc phiên giao dịch 23/11, VN-Index tiếp tục ghi nhận phiên giảm thứ ba liên tiếp. Dòng tiền tiếp tục "hụt hơi" khiến mọi giao dịch trở nên mờ nhạt, VN-Index có thời điểm giảm xấp xỉ 10 điểm trước khi hồi phục đôi chút vào cuối phiên.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 6,12 điểm (0,64%) xuống 946 điểm. Thanh khoản trên HOSE tiếp tục giảm mạnh hơn 50% so với phiên hôm trước với tổng giá trị đạt 7.858 tỷ đồng.
Theo phân tích của các công ty chứng khoán, các chỉ báo tại khung đồ thị giờ vẫn đang suy yếu nhẹ và hướng xuống thể hiện sự rủi ro giảm điểm mạnh vẫn còn đang hiện hữu.
Công ty CK Rồng Việt (VDSC) cho rằng, áp lực chốt lời tiếp tục đè nén đà hồi phục của thị trường chung và khiến các chỉ số lùi bước trong phiên hôm nay.
Với tín hiệu này, theo VDSC, thị trường sẽ cần thêm thời gian để hấp thụ hết lượng cung chốt lời ngắn hạn và dự kiến cân bằng trở lại tại vùng hỗ trợ 920-930 điểm.
Do vậy, nhà đầu tư vẫn nên tránh mua đuổi và chậm lại để quan sát tín hiệu hỗ trợ của dòng tiền trong phiên kế tiếp.
Tương tự, công ty CTCK Vietcombank (VCBS) cũng khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục kiên nhẫn, chủ động nâng cao tỷ trọng tiền mặt, chờ đợi những những chuỗi phiên tích lũy cho tín hiệu cân bằng rõ ràng hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận