Nhượng quyền thu phí cao tốc Bắc - Nam có xảy ra "phí chồng phí"?
Bộ GTVT đã hoàn thiện đề án thu phí cao tốc Bắc - Nam đầu tư bằng ngân sách và báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét quyết định.
Lo ngại xảy ra tình trạng "phí chồng phí"
Với sức ép cần phải đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông và tìm phương án để thu hồi vốn nhà nước đã đầu tư vào dự án này, Bộ GTVT đã có văn bản số 1105/BGTVT - TC gửi Bộ Tài Chính về phương án thu hồi vốn đầu tư công trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Theo Bộ GTVT, các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đã được triển khai và có một số đoạn đã hoàn thành để đưa vào khai thác.
Trong quá trình khai thác, sẽ tính tới phương án thu hồi vốn đầu tư cho dự án này, Bộ GTVT kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, xem xét ý kiến của Bộ GTVT về phương án thu hồi vốn đã được bộ này gửi xin ý kiến vào đầu tháng 3/12/2021 để sớm báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
Để có cơ sở pháp lý thu phí cao tốc Bắc - Nam thu hồi vốn nhà nước đã đầu tư vào dự án này, tại dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, Bộ GTVT đã đề nghị bổ sung quy định thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư đồng thời vẫn duy trì thu phí bảo trì đường bộ theo đầu phương tiện ô tô như hiện nay.
Trong đó, các tuyến thu phí là đường bộ cao tốc, đường cấp cao, đường vành đai đô thị theo chuẩn cao tốc. Bộ Tài chính quy định mức thu phí với tuyến cao tốc do trung ương quản lý, hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức thu với đường cao tốc do địa phương quản lý.
Tuy nhiên, việc thu phí tuyến cao tốc Bắc - Nam sau khi hoàn thành đưa vào khai thác vẫn còn một số quan điểm trái chiều khi các chuyên gia giao thông cho rằng: "Nếu thu phí với cao tốc Bắc - Nam được đầu tư bằng ngân sách thì phải có tuyến quốc lộ song song miễn phí, để người dân có quyền lựa chọn vì đã đóng phí bảo trì".
Nếu thu phí cao tốc Bắc - Nam với điều kiện phải có tuyến đường song song để người dân lựa chọn thì sẽ rất khó đạt được ngay với cao tốc Bắc - Nam, khi tuyến song song là Quốc lộ 1 có nhiều đoạn đang thu phí BOT.
Từng bình luận về vấn đề này, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng: "Phương án thu phí cao tốc đầu tư công là không khả thi và sẽ xảy ra tình trạng "phí chồng phí", nhất là khi ô tô đã phải đóng phí bảo trì đường bộ hằng năm".
Chuyển nhượng quyền thu phí
Khi lý giải về việc thu phí cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT cho biết, việc thu phí là để thu hồi vốn nhà nước đã đầu tư, sau đó sẽ dùng nguồn vốn này để đầu tư các tuyến đường khác. Để thu phí được tuyến cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT đã xây dựng phương án bán quyền thu phí.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ GTVT đã hoàn thiện đề án thu phí với cao tốc đầu tư bằng ngân sách và báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét quyết định. Nếu Quốc hội thông qua, trên cơ sở đề án Chính phủ có thể giao Bộ GTVT và Bộ Tài chính xây dựng mức phí, cách thu, thời điểm thu.
Do đó, hiện chưa nói được sẽ thu phí cao tốc đầu tư công từ bao giờ, mức thu ra sao, thu với tuyến nào. Việc thu phí cao tốc đầu tư công cần Quốc hội thông qua do Luật Giao thông đường bộ quy định không thu phí với các tuyến đường đầu tư bằng ngân sách, thay bằng thu phí bảo trì trên đầu phương tiện khi đăng kiểm.
Sau khi các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành sẽ tổ chức thu phí để thu hồi vốn Nhà nước thông qua hình thức chuyển nhượng quyền thu phí trong một thời hạn nhất định (3 năm, 5 năm hoặc 10 năm).
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, điều kiện để thực hiện chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là tài sản đó đã được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng.
Trong khi đó, các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đều là các dự án mới đầu tư, việc chuyển nhượng theo quy định của pháp luật cần triển khai các thủ tục lập dự án mới, gắn với việc nâng cấp mở rộng là hết sức phức tạp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận