menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Lan Anh

Những tín hiệu cảnh báo cho kinh tế Trung Quốc

Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang chững lại do tăng trưởng chậm và tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, các nhà kinh tế đang liên tiếp phát ra các tín hiệu cảnh báo đối với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này.

Các số liệu thống kê về tăng trưởng kinh tế từ đầu năm đến nay cho thấy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã liên tục sụt giảm qua các quý. Theo thống kê mới nhất, tăng trưởng kinh tế quý III/2019 tại Trung Quốc chỉ đạt 6%, thấp hơn mức dự đoán của các chuyên gia nước ngoài là 6,1% và thấp hơn hẳn mục tiêu của lãnh đạo Trung Quốc đặt ra là 6,5%.

Trong khi đó, theo Nikkei Asian Review, lợi nhuận 9 tháng đầu năm của một loạt ngành công nghiệp quan trọng tại Trung Quốc sụt giảm. Các doanh nghiệp xe hơi, sản xuất hàng hóa, bán lẻ truyền thống và bất động sản đều lao đao, một số chứng kiến lợi nhuận tụt dốc nghiêm trọng. Đây đều là những lĩnh vực quan trọng đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc, nhưng bị mắc kẹt trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và bị hạn chế bởi chiến dịch chống thắt chặt tài chính của Bắc Kinh. Điển hình là ngành công nghiệp xe hơi. Thống kê của Nikkei cho thấy lợi nhuận của 161 doanh nghiệp niêm yết liên quan đến hoạt động sản xuất ôtô sụt giảm gần 30% trong 9 tháng đầu năm nay.

Ngoài ra, theo hãng nghiên cứu Shanghai DZH cho biết, tổng lợi nhuận ròng của hơn 3.600 doanh nghiệp phi tài chính giảm 2,2% trong quãng thời gian này. Đây không phải mức giảm quá nghiêm trọng, nhưng cho thấy tăng trưởng ở Trung Quốc không hề ổn định như những gì chính quyền Bắc Kinh mô tả.

Một tín hiệu đe dọa khác đến từ khu vực sản xuất. Chỉ số Mua hàng Nhà Quản lý (PMI) – một dấu hiệu cho thấy sức khỏe của ngành sản xuất công nghiệp đã liên tục suy giảm từ năm ngoái. Chỉ số này rơi xuống dưới 47 điểm lần đầu tiên vào tháng 8 kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và liên tục duy trì ở tình trạng thu hẹp kể từ thời điểm đó đến nay. Việc chỉ số PMI duy trì dưới 50 điểm cũng chỉ ra rằng các nhà máy đang tuyển ít nhân công hơn và tiềm ẩn nguy cơ tỷ lệ thất nghiệp sẽ gia tăng trong thời gian tới.

Các nhà kinh tế cho rằng việc Trung Quốc giảm đà tăng trưởng xuống đến mức thấp nhất trong gần 30 năm qua là do hậu quả của cuộc chiến thương mại với Mỹ và nhu cầu trong nước suy yếu. Dấu hiệu này càng nguy hiểm hơn khi mà chính quyền trung ương đã rất nỗ lực để kích thích kinh tế bằng việc giảm giá đồng tiền, giảm thuế, phí tương đương 282 tỷ USD cũng như ồ ạt bơm thêm tiền vào nền kinh tế.

Trong bối cảnh tăng trưởng giảm tốc, chính phủ Trung Quốc cũng buộc phải tạm dừng công cuộc giải quyết nợ xấu để thực hiện các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng. Tin tức từ Reuters cho biết giới lãnh đạo ngân hàng của Bắc Kinh đã quyết định xóa bỏ tới 1,4 nghìn tỷ Nhân dân tệ (tương đương gần 200 tỷ USD) nợ xấu phát sinh trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay cho hệ thống ngân hàng để làm lành mạnh bảng cân đối, từ đó thúc đẩy hoạt động cung ứng tín dụng cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, mặc dù chính quyền trung ương đã phải sử dụng nhiều biện pháp để kích thích tăng trưởng, các nhà kinh tế nhận định rằng tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong thời gian tới sẽ còn xuống dưới 6%. Bên cạnh đó, những biện pháp kích thích này sẽ nhanh chóng kích hoạt những rủi cho hệ thống tín dụng cũng như có thể tạo ra áp lực lạm phát nhất định cho nền kinh tế trong thời gian tới.

Trên thực tế, trong thời gian gần đây kinh tế Trung Quốc đã chứng kiến một số vụ vỡ nợ tại các doanh nghiệp Nhà nước và các công ty vay nợ có quy mô nhỏ. Tiêu biểu nhất là Tập đoàn Tewoo, có trụ sở tại Thiên Tân, có nguy cơ trở thành doanh nghiệp nhà nước đình đám nhất của Trung Quốc vỡ nợ trong hai thập kỷ qua. Tewoo xếp thứ 132 trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới của Tạp chí Fortune năm 2018, vị trí cao hơn so với nhiều đế chế quốc doanh lớn của Trung Quốc như nhà mạng China Telecommunications Corp. hay hãng tài chính khổng lồ Citic Group Corp. Những rắc rối tài chính của Tewoo bắt đầu trở thành tâm điểm chú ý từ tháng 4, khi công ty này cố gắng gia hạn nợ với các chủ nợ và bán đồng với giá thấp hơn thị trường trong bối cảnh khủng hoảng tiền mặt. Cùng tháng đó, Fitch Ratings đã hạ 6 bậc tín nhiệm của công ty này xuống mức B-, cho thấy tình trạng thanh khoản yếu và tỷ lệ đòn bẩy cao hơn dự báo.

Rủi ro tương tự cũng đang xuất hiện tại các ngân hàng quy mô nhỏ. Niềm tin vào những định chế tài chính này đã suy giảm kể từ tháng 5/2019, khi các cơ quan điều hành chiếm lấy quyền kiểm soát một ngân hàng ở Nội Mông và buộc một số chủ nợ phải ghi nhận lỗ. Kể từ đó, NHTW Trung Quốc đã phải can thiệp để dập tắt ít nhất là hai đợt rút tiền gửi đột ngột và tung gói cứu trợ cho hai ngân hàng khác.

Diễn biến gần đây của kinh tế Trung Quốc khiến các chuyên gia kinh tế tiếp tục phát ra cảnh báo về tình trạng tiến thoái lưỡng nan trong quá trình vận hành chính sách của các nhà lãnh đạo Trung Quốc: Một mặt, các biện pháp hỗ trợ có thể thúc đẩy sự ổn định tài chính và kinh tế trong ngắn hạn, nhưng mặt khác, rủi ro ở đây là chúng sẽ dẫn tới vấn đề nợ còn lớn hơn trong tương lai.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại