24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Bùi Anh Thơ
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Những rủi ro kinh tế khi xung đột leo thang tại Trung Đông

Cuộc xung đột ngày càng leo thang tại Trung Đông được dự báo có thể gây ra những tác động đáng kể đối với kinh tế toàn cầu, khiến giá cả biến động mạnh, suy giảm tăng trưởng và làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư.

Thị trường đã bắt đầu lo lắng

Trong gần một năm kể từ khi giao tranh bùng phát giữa Israel và Hamas tại dải Gaza, các chiến lược gia đầu tư đã cảnh báo rằng một cuộc xung đột rộng hơn có thể nổ ra ở Trung Đông, đe dọa nguồn cung dầu của thế giới và gây ra làn sóng chấn động khắp nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, bất chấp những cảnh báo đó, các thị trường nhìn chung đã loại bỏ khả năng xảy ra một cuộc xung đột rộng lớn hơn. Giá dầu vẫn ở mức thấp trong phần lớn thời gian qua, và giới đầu tư vẫn cảm thấy yên tâm về nguồn cung dồi dào của thế giới.

Thế nhưng sau khi Iran phóng một loạt tên lửa vào Israel hôm 1-10, giá dầu đã bắt đầu tăng mạnh. Áp lực càng lớn hơn nữa sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 3-10 cho biết rằng Mỹ và Israel đã thảo luận phương án tấn công các cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Iran để đáp trả vụ tấn công hôm 1-10.

Mặc dù Tổng thống Joe Biden sau đó đã đưa ra những tuyên bố trấn an thị trường khi cho biết đã cảnh báo Israel không nên tấn công các cơ sở dầu mỏ của Iran, nhưng giá dầu WTI vẫn kết thúc tuần với mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 3-2023 là 9,09% lên 74,38 đô la/thùng. Giá dầu Brent cũng tăng 8,43% lên 78,05 đô la/thùng - tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 1-2023.

Tina Fordham, cựu Giám đốc phân tích chính trị toàn cầu tại Citi, hiện đang điều hành một công ty tư vấn độc lập, cho biết: “Các nhà đầu tư rốt cuộc cũng đã phải dồn sự chú ý tới tình hình tại Trung Đông. Đây chưa phải là một cơn bão hoàn hảo, nhưng là một tập hợp các rủi ro xuất hiện vào đúng thời điểm mà các hệ thống thị trường vẫn chưa thực sự cảm thấy thoải mái, khi chỉ vừa mới tránh được một cuộc hạ cánh cứng”.

Thị trường hiện đang theo dõi động thái tiếp theo của Israel. Những cuộc tấn công đáp trả nhằm vào các cơ sở hạ tầng dầu mỏ hoặc hạt nhân của Iran sẽ làm gia tăng xung đột. Mặc dù phía Chính phủ Mỹ đã bày tỏ quan điểm không ủng hộ các cuộc tấn công như vậy, nhưng rủi ro chưa hoàn toàn biến mất.

Ông Ronald Temple, Giám đốc chiến lược thị trường của bộ phận tư vấn tài chính và quản lý tài sản của Lazard, cho biết: “Nguy cơ không phải bằng 0, điều đó có nghĩa là vẫn đủ cao để xem xét các kịch bản khác nhau, từ xung đột toàn diện làm hạn chế khả năng tiếp cận nguồn cung năng lượng cho đến một lối thoát hòa bình”.

Những mối đe dọa đến nguồn cung dầu mỏ

Những tác động từ xung đột lên giá dầu hiện là yếu tố rủi ro lớn nhất đối với kinh tế toàn cầu. Iran sản xuất khoảng 2% nguồn cung dầu của thế giới và phần lớn số dầu này được bán cho Trung Quốc.

Nhìn rộng hơn, xung đột leo thang cũng có thể ảnh hưởng đến toàn khu vực Vịnh Ba Tư - cho đến nay vẫn là khu vực sản xuất năng lượng quan trọng nhất thế giới.

Vấn đề có thể còn trầm trọng hơn nữa nếu xung đột làm gián đoạn hoạt động vận tải qua eo biển Hormuz, nơi nối liền Vịnh Ba Tư tới Biển Ả Rập. Hiện có khoảng 20% ​​lượng dầu của thế giới được vận chuyển qua tuyến đường này, biến khu vực trở thành một trong những huyết mạch hàng hải quan trọng nhất thế giới.

Hiện, giá dầu vẫn đang ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là do Mỹ và các nước khác đã tăng cường sản xuất và nhu cầu ở Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, tiếp tục giảm do nền kinh tế của nước này chậm lại. Arập Xêút và các nhà sản xuất dầu mỏ lớn khác cũng đã đồng ý dỡ bỏ một số biện pháp cắt giảm sản lượng, mặc dù kế hoạch này đã bị trì hoãn.

Ông Matt Gertken, chiến lược gia trưởng tại BCA Research, cho biết: “Mặc dù hiện tại nguồn cung dầu trên thế giới vẫn khá dồi dào, nhưng một cuộc chiến tranh khu vực quy mô lớn có thể khiến sản lượng dầu bị ảnh hưởng vì xung đột sẽ lớn hơn mức công suất dự phòng”.

Daan Struyven, nhà phân tích dầu mỏ hàng đầu tại Goldman Sachs, cho biết giá dầu sẽ tăng từ 10-20 đô la/thùng nếu cuộc tấn công của Israel làm giảm sản lượng dầu của Iran khoảng 1 triệu thùng/ngày trong thời gian dài. Việc giá tăng cao đến mức nào cũng sẽ phụ thuộc vào việc liệu Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) có sử dụng công suất dầu dự phòng của mình để bù đắp lượng thiếu hụt hay không.

Những tác động lan rộng đến nền kinh tế

Việc giá dầu gia tăng có thể thúc đẩy lạm phát, bởi đây cũng là một thành phần quan trọng ảnh hưởng đến giá lương thực thực phẩm. Và tại thời điểm mà phần lớn thế giới đang bắt đầu kiểm soát được lạm phát, việc giá dầu tăng liên tục có thể gây ra một đợt bùng phát lạm phát mới, có khả năng ảnh hưởng đến chính sách lãi suất của các ngân hàng trung ương.

Hiện tại, các ngân hàng trung ương vẫn nhấn mạnh rằng công việc của họ là nhìn xa hơn, tập trung vào các xu hướng cơ bản, sâu sắc hơn, thay vì chú trọng tới những cú sốc không thể đoán trước nhưng chỉ xảy ra một lần đối với nền kinh tế.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) Andrew Bailey hồi tuần trước đã đề cập đến khả năng cắt giảm lãi suất mạnh mẽ hơn khi lạm phát tiếp tục suy yếu, trong khi Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương Thụy Điển (Riksbank) Per Jansson đưa ra một thông điệp tương tự, và nói rằng tác động của cuộc xung đột Trung Đông vẫn chưa đủ để có thể cắt giảm dự báo kinh tế.

Điều này cho thấy, các ngân hàng trung ương hiện chưa coi xung đột Trung Đông là mối đe dọa lớn đối với các nỗ lực kiềm chế lạm phát. Các nhà phân tích tại Capital Economics nhận định, giá dầu có thể cần phải đạt tới mức 90 đô la/thùng để trở thành yếu tố buộc các ngân hàng trung ương phải cân nhắc.

Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, sự leo thang xung đột ở Trung Đông có thể gây ra hậu quả kinh tế đáng kể cho khu vực và nền kinh tế toàn cầu, nhưng giá hàng hóa vẫn thấp hơn mức cao nhất của năm qua. Người phát ngôn của IMF Julie Kozack nhận định, vẫn còn quá sớm để dự đoán những tác động cụ thể.

Oxford Economics ước tính, trong kịch bản xấu, một cuộc chiến tranh tổng lực kéo theo các cuộc tấn công mạnh mẽ hơn vào cơ sở hạ tầng năng lượng trên khắp khu vực Trung Đông và vùng vịnh cộng với sự gián đoạn hơn nữa của tuyến thương mại qua Biển Đỏ, sẽ gây ra những tác động rõ ràng hơn. Một kịch bản như vậy sẽ khiến giá dầu tăng vọt lên tới 130 đô la/thùng và làm giảm 0,4 điểm phần trăm tăng trưởng sản lượng kinh tế toàn cầu vào năm tới.

Thị trường chuẩn bị phương án phòng ngừa rủi ro

“Nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu nghĩ đến việc phòng ngừa rủi ro”, ông Michael Brown, một chiến lược gia nghiên cứu cấp cao tại Công ty môi giới Pepperstone của Úc, cho biết đồng thời trích dẫn các số liệu cho thấy nhiều nhà đầu tư đã quyết định mua quyền chọn để hạn chế tổn thất.

Stephen Schork, một nhà giao dịch chuyên tư vấn cho các công ty phân bón hoặc khí đốt tự nhiên, vốn sử dụng nhiều dầu công nghiệp, về các chiến lược phòng ngừa rủi ro. Ông khuyến cáo các doanh nghiệp này “cần phải hành động ngay bây giờ” để bảo vệ mình trước khả năng gia tăng giá cả.

Các công ty cũng đang theo dõi xem cuộc xung đột có thể ảnh hưởng như thế nào đến kết quả của cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra tại Mỹ - một sự kiện có thể kéo theo những thay đổi to lớn đối với quan hệ thương mại, thuế quan và các quy định. Việc giá dầu tăng đột biến cũng như những lo ngại về sự bất ổn toàn cầu gia tăng sẽ không giúp ích gì cho chiến dịch tranh cử của ứng viên đảng Dân chủ Kamala Harris.

Đối với hầu hết các công ty, tác động tiềm tàng đối với cuộc bầu cử “có lẽ là tác động tiềm ẩn lớn nhất của cuộc xung đột”, ông Theodore Bunzel, người đứng đầu Công ty tư vấn địa chính trị Lazard, cho biết.

Thị trường chứng khoán, thường có xu hướng không phụ thuộc quá nhiều vào các yếu tố rủi ro địa chính trị, vẫn đang chờ đợi những diễn biến tiếp theo. Bất chấp cuộc chiến Nga - Ukraine và cuộc giao tranh ở dải Gaza, chứng khoán Mỹ vẫn đang ở mức cao lịch sử.

Quincy Krosby, Giám đốc chiến lược toàn cầu của LPL Financial, cho biết một triết lý thường được áp dụng tại các sàn giao dịch là “Những rủi ro địa chính trị sẽ không phải là vấn đề lớn, cho tới khi tình hình trở nên thực sự nghiêm trọng”. Tuy nhiên, bà cũng nói thêm rằng, điều này sẽ xảy ra vào một thời điểm nào đó. “Câu hỏi được đặt ra là căng thẳng sẽ leo thang đến mức nào?”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả