24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyen Duc Hao.
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Những nhiệm vụ gian nan trên con đường đón hàng tỉ đô la vốn ngoại

Các tập đoàn nước ngoài cam kết rót hàng tỉ đô la Mỹ vốn đầu tư vào Việt Nam tại Hội nghị gặp gỡ các nhà đầu tư nước ngoài do Thủ tướng Chính phủ chủ trì sáng ngày 22-4.

Đồng thời, các nhà đầu tư khuyến nghị nền kinh tế gần 100 triệu dân không nên tự mãn, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư. Cần sớm phát triển năng lượng xanh, thủ tục hành chính nhanh hơn, có biện pháp rõ ràng khi áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, thuế tiêu thụ đặc biệt… là những kiến nghị của nhà đầu tư nước ngoài với Thủ tướng.

Các tập đoàn lớn sắp rót hàng tỉ đô la vào Việt Nam

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, cho biết trong Hội nghị này, đã có 3 Tập đoàn trao đổi với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết sẽ đầu tư mới và mở rộng đầu tư trong năm nay với tổng vốn đầu tư lên đến 3,7 tỉ đô la Mỹ.

Đó là các nhà đầu tư đến từ Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, trong các lĩnh vực như sản xuất xanh, sản xuất năng lượng tái tạo, sản xuất trong lĩnh vực thiết bị y tế.

Theo Phó Thủ tướng, với dự án sản xuất xanh, sản xuất năng lượng tái tạo có số vốn cam kết là khoảng 1,5 tỉ đô la; sản xuất năng lượng, logictics khoảng 1,6 tỉ đô la; và dự án sản xuất trang thiết bị y tế khoảng 600 triệu đô la.

Ngoài ra, tại Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố cùng 37 điểm cầu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, một số nhà đầu tư cũng thể hiện sự quan tâm cam kết muốn rót thêm nhiều vốn đầu tư vào nền kinh tế gần 100 triệu dân.

Tại hội nghị, theo ông Joseph Frank Uddo III, Chủ tịch Tập đoàn AES, doanh nghiệp đã đầu tư vào lĩnh vực năng lượng Việt Nam trong 12 năm nay và lãnh đạo nhà đầu tư này cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.

Theo Chủ tịch Tập đoàn AES, tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam đã thúc đẩy nhu cầu điện tăng đáng kể và ước tính sẽ cần 8-10 tỉ đô la hàng năm đầu tư vào lĩnh vực năng lượng trong thập kỷ tới để giải quyết nhu cầu năng lượng ngày càng tăng và dự báo thiếu hụt năng lượng.

Việt Nam cũng đang trong giai đoạn chuyển đổi năng lượng và đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Khu vực kinh tế tư nhân nói chung và đầu tư nước ngoài nói riêng đang đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Trong bối cảnh này, AES đã và đang phát triển danh mục các dự án khí đốt tự nhiên, Pin lưu trữ và năng lượng tái tạo với khoản đầu tư hàng tỉ đô la để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng của đất nước và đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, trong đó có các dự án năng lượng Sơn Mỹ I, Sơn Mỹ II tại tỉnh Bình Thuận.

Ông Kim Yong Seup, Tổng giám đốc Công ty Hyosung Đồng Nai, cho biết Tập đoàn của Hàn Quốc này hiện xem khoản đầu tư tại Việt Nam là mạng lưới toàn cầu quan trọng nhất của Hyosung.

Kể từ sau khi tiến hành đầu tư vào tỉnh Đồng Nai năm 2007, lũy kế đến nay Hyosung đã đầu tư 4 tỉ đô la và đã tuyển dụng khoảng 9.000 người lao động địa phương tại các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Nam, Đồng Nai và tỉnh Bà rịa Vũng Tàu, đạt doanh thu hàng năm ở mức 4 tỉ đô la.

Theo ông Kim Yong Seup, Hyosung không chỉ liên tục đầu tư thêm nhằm đẩy mạnh việc phát triển các hoạt động kinh doanh đang thực hiện tại 4 tỉnh thành nói trên mà tập đoàn này còn đang xem xét đầu tư với quy mô lớn vào các lĩnh vực mà Hyosung chưa từng thực hiện tại Việt Nam như sinh học (Bio), công nghệ cao, thông tin và truyền thông.

Những nhiệm vụ gian nan trên con đường đón hàng tỉ đô la vốn ngoại
Ông Joseph Frank Uddo III, Chủ tịch Tập đoàn AES, nêu các giải pháp định hướng và các đề xuất chính sách để thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam. Ảnh: Baochinhphu.vn

Trong quá trình xem xét đầu tư, Hyosung nhận thấy rằng gần đây Việt Nam đang rất đẩy mạnh vấn đề thân thiện với môi trường cũng như hoàn thiện thể chế pháp luật nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu. Là một nhà đầu tư FDI tại Việt Nam, Hyosung đồng cảm cũng như tích cực ủng hộ những thay đổi này. “Hiện tại những thay đổi này có thể gây ra một số khó khăn cho các nhà đầu tư, nhưng chúng tôi tin chắc rằng nếu như xây dựng được môi trường kinh doanh đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu thì đến cuối cùng nó sẽ đem lại lợi ích cho cả Chính phủ Việt Nam cũng như cho các nhà đầu tư”, ông Kim Yong Seup nói.

Tương tự, ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham), cho rằng hiện nay nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam đang cân nhắc việc tăng vốn đầu tư và đầu tư mới nếu như môi trường đầu tư tiếp tục ổn định.

Đáng chú ý là các doanh nghiệp công nghệ cao và các công ty tài chính, năng lượng. Tuy nhiên, để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp công nghệ cao vào Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng doanh nhân nước ngoài cần cảm thấy sự cải thiện về thủ tục hành chính đơn giản hơn, hiệu quả hơn, ưu đãi của Chính phủ rộng hơn… thì nhà đầu tư sẽ cảm thấy an toàn hơn khi đầu tư vào Việt Nam, theo ông Chủ tịch Kocham.

Ông Hong Sun cho biết, sắp tới sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam. Bên cạnh Tập đoàn Điện tử Samsung – doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư nhiều vốn nhất vào Việt Nam với gần 20 tỉ đô la, các công ty như Điện tử LG, LG Display, LG Innotek hiện cũng đang mở rộng đầu tư để phát triển thành cứ điểm sản xuất toàn cầu về điện ô tô, thiết bị điện tử và thiết bị gia dụng.

Trong khi đó, bà Antonia Zahn-Weber, Giám đốc điều hành VFT Industry UG, có trụ sở ở Đức, cho rằng sau khi thực hiện nghiên cứu thị trường, VFT Industry đã quyết định triển khai dự án tại Việt Nam. “Quyết định của chúng tôi được củng cố hơn nữa bởi các hiệp định quốc tế mà Việt Nam đã ký kết quốc tế và song phương với EU và Đức để cùng nhau vượt qua khủng hoảng khí hậu”, bà nói.

VFT Industry UG đã hợp tác với các doanh nghiệp Đức, Việt Nam để chuẩn bị cho khoản đầu tư ước tính 1,5 tỉ đô la tại Việt Nam có khả năng sản xuất thép không gỉ xanh ước tính 600.000 tấn/năm để giao thương trên thị trường Việt Nam và châu Âu.

Cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư

Dù đánh giá Việt Nam đã có một môi trường đầu tư cởi mở và ổn định nhưng các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài cho rằng để thu hút được nhiều dòng vốn chất lượng hơn nữa, Việt Nam không nên tự mãn mà cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư.

Những nhiệm vụ gian nan trên con đường đón hàng tỉ đô la vốn ngoại
Ông Nitin Kapoor, Đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Chủ tịch AstraZeneca Việt Nam. Ảnh: Baochinhphu.vn

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Gabor Fluit, cho rằng Việt Nam giờ đây cần phải có những bước đi táo bạo và quyết đoán hướng tới những cải cách mang tính đột phá để duy trì đà tăng trưởng.

EuroCham đề xuất một số hành động có thể mở đường cho sự tăng trưởng bền vững và ổn định như sớm chuyển đổi năng lượng xanh để nhà sản xuất xanh hơn.

“Việt Nam cũng cần xây dựng các chính sách ưu đãi phù hợp, cạnh tranh để thu hút đầu tư, đặc biệt là trước quy định thuế tối thiểu toàn cầu sắp được áp dụng”, ông Gabor Fluit nói. Ngoài ra, việc hài hòa hóa thủ tục hành chính và chính sách thuế theo ông Chủ tịch EuroCham là rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng thương mại trong khuôn khổ EVFTA.

EuroCham cũng kiến nghị miễn hoặc giảm thuế thuế tiêu thụ đặc biệt cho các sản phẩm công nghiệp thân thiện với môi trường, chẳng hạn như xe điện.

EuroCham cũng muốn thúc đẩy chuyển đổi số cho cả khu vực công và khu vực tư, đặc biệt trong việc thực hiện các thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và doanh nghiệp. Điều này bao gồm việc số hóa các dịch vụ và sử dụng các công nghệ hiện đại như điện toán đám mây, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo.

Trong khi đó, ông Nitin Kapoor, Chủ tịch AstraZeneca Việt Nam, đồng chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), cho rằng cần nghiên cứu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu (áp dụng vào 2024 – PV) đến lợi ích của nhà đầu tư và môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Từ đó đưa ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả và kịp thời để bảo đảm đầu tư, bù đắp lợi ích cho doanh nghiệp trong trường hợp ưu đãi thuế được giảm hoặc hủy bỏ do tác động của thuế tối thiểu toàn cầu.

Trong khi đó, ông Masayoshi Fujimoto, chủ tịch Ủy ban Kinh doanh Nhật Bản – Việt Nam tại Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản (Keidanren), mong muốn Thủ tướng Chính phủ quan tâm hơn đến môi trường đầu tư như sự chậm trễ trong việc phê duyệt cho các dự án đang diễn ra. “Nếu vấn đề này được giải quyết trong thời gian tới sẽ rất hữu ích và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp”, ông Masayoshi Fujimoto nói.

Tương tự, theo ông Chủ tịch AES, kế hoạch đầu tư của Tập đoàn AES chỉ khả thi nếu có các chính sách và khung pháp lý thuận lợi của Chính phủ Việt Nam. Ngoài ra, lãnh đạo AES hy vọng rằng công cuộc cải cách hành chính đang diễn ra tại Việt Nam sẽ giúp đơn giản hóa và rút ngắn quy trình xem xét phê duyệt cho các dự án năng lượng hiện tại và tương lai nói chung và dự án điện tái tạo nói riêng.

Việt Nam sẽ có giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư ngoài thuế

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động giải quyết kịp thời những vướng mắc mà các nhà đầu tư kiến nghị với trách nhiệm cao nhất, kịp thời, hiệu quả nhất. “Chính phủ sẽ có cơ chế và kế hoạch kiểm tra các bộ, ngành địa phương thực hiện chỉ đạo này”, người đứng đầu Chính phủ nói.

Những nhiệm vụ gian nan trên con đường đón hàng tỉ đô la vốn ngoại
Thủ tướng: Việt Nam rất trân trọng, đánh giá cao sự hợp tác và hỗ trợ quý báu của bạn bè, đối tác quốc tế, đặc biệt là các nhà đầu tư, ngay cả trong những lúc khó khăn như những năm đầu Đổi mới, các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, đại dịch Covid-19. Ảnh: Baochinhphu.vn

Thủ tướng nhấn mạnh, những năm qua, hoạt động FDI tại Việt Nam ngày càng sôi động; ngày càng nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp FDI lớn với công nghệ hiện đại đang đầu tư, mở rộng đầu tư với chất lượng, hiệu quả ngày càng tăng.

Theo người đứng đầu Chính phủ, dù còn có những hạn chế, bất cập, nhưng nhìn chung, các nhà đầu tư đều chia sẻ, thấu hiểu, đồng hành với Việt Nam.

Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực dự báo diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề mới phát sinh, trong đó có việc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) chuẩn bị kế hoạch áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024.

Thủ tướng cho hay, Việt Nam đang tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, quy định và xây dựng lộ trình áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và áp dụng phù hợp, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Chính phủ đã và đang chỉ đạo khẩn trương rà soát, có các giải pháp thu hút đầu tư, hỗ trợ khác ngoài thuế như hỗ trợ liên quan đến đất đai; chi phí nghiên cứu khoa học và công nghệ; cải cách thủ tục hành chính; đào tạo nguồn nhân lực; phát triển hạ tầng… để khuyến khích các nhà đầu tư hiện hữu và các nhà đầu tư mới.

Thủ tướng nêu rõ 5 quan điểm xây dựng các yếu tố nền tảng, cũng như định hướng thu hút đầu tư. Trong đó, ông khẳng định, Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, minh bạch, có tính cạnh tranh cao để cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Theo Thủ tướng, các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam với tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường; đặc biệt là bảo đảm lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Theo Thủ tướng, Việt Nam chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.

Trong đó, ưu tiên thu hút các dự án trên 3 phương diện: Thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững.

Việt Nam cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất hướng đến các chuẩn mực của OECD.

Người đứng đầu của Chính phủ đề nghị doanh nghiệp, nhà đầu tư xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thân thiện môi trường, tập trung vào các ngành mới nổi như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo, kinh tế tri thức, ứng phó biến đổi khí hậu…

Các vướng mắc liên quan đến điều kiện phòng cháy chữa cháy đã được nhiều cơ quan báo chí phản ánh ý kiến, kiến nghị từ khu vực dân doanh thì Chính phủ cũng đã ghi nhận, giao Bộ Công an, Bộ Xây dựng và các bộ ngành liên quan rà soát, tháo gỡ…

Lĩnh vực năng lượng như quy hoạch điện VIII, điện gió, điện mặt trời, điện áp mái, thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp thì địa chỉ trách nhiệm Bộ Công Thương. Thủ tục cấp phép vận hành các cơ sở giáo dục là Bộ GD&ĐT, đánh giá tác động môi trường là Bộ TN&MT…

“Thành công của các nhà đầu tư cũng là thành công của Việt Nam. Việt Nam luôn chào đón và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư cùng thắng, cùng Việt Nam phát triển”, ông nói

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả