Những kịch bản có thể xảy ra với thị trường chứng khoán trong tháng 11
Nhìn lại tháng 11/2023, thị trường chứng khoán tạo đáy và khởi đầu cho chuỗi phục hồi mạnh sau đó, còn năm 2022, thị trường bắt đầu tạo đáy vào tháng 10, kéo dài sang tháng 11. Tuy nhiên, khác với 2 năm trước, thị trường chứng khoán tháng 11/2024 đang có nhiều thông tin hỗ trợ.
CÁC YẾU TỐ VĨ MÔ ẢNH HƯỞNG TỚI THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN?
Trên thế giới, lạm phát đang diễn biến theo đà giảm tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, UK..., củng cố xu hướng nới lỏng tiền tệ của các nước này. Fed tiếp tục giảm lãi suất điều hành thêm 25 điểm cơ bản trong tuần đầu tháng 11 và dự báo tiếp tục cắt giảm ít nhất thêm 25 điểm cơ bản trong kỳ họp tháng 12 tới.
Bên cạnh đó, việc ông Donald Trump trúng cử Tổng thống Mỹ được kỳ vọng đem đến nhiều thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Trước mắt, ngay sau khi ông Trump được tuyên bố trúng cử, các điểm nóng xung đột trên thế giới như Trung Đông đã phần nào hạ nhiệt...
Tuy nhiên, sản xuất và việc làm tiếp tục thu hẹp tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU... Nhiều nước đã phải chuẩn bị đối mặt với việc Mỹ áp dụng chính sách thương mại thắt chặt với hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ, điều này có thể khiến kinh tế toàn cầu thêm khó khăn.
Về tình hình kinh tế trong nước, sản xuất hồi phục đáng kể với việc các chỉ số IIP và PMI tháng 10 đều tăng mạnh so với tháng 9. Xuất khẩu và vốn đầu tư FDI tiếp tục tích cực. Tăng trưởng tín dụng bứt tốc, trong khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp giảm mạnh, phát sinh trái phiếu chậm trả. Đà tăng trưởng dự kiến tiếp tục duy trì tích cực trong 2 tháng còn lại của 2024. Ngoài ra, các biện pháp đẩy mạnh giải ngân đầu tư công liên tục được triển khai, nhằm mục tiêu hoàn thành kế hoạch cả năm 2024.
Tuy nhiên, điểm trừ là các diễn biến không mong muốn trên thị trường tài chính. Cụ thể, lãi suất huy động các ngân hàng thương mại đã đồng loạt tăng trở lại trong nửa đầu tháng 11, trong khi tỷ giá đã tăng trở lại trong 3 tuần gần đây, lên mức cao kỷ lục 25.500 VND/USD, tương đương tăng 4,4% so với đầu năm.
Tâm điểm của thị trường trong tháng 11 là việc cải cách thể chế khi nhiều bộ luật được sửa đổi trong Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV khai mạc ngày 21/10/2024, được kỳ vọng gỡ các nút thắt thể chế hỗ trợ tăng trưởng.
Đây là lần đầu tiên Quốc hội áp dụng phương án “một luật sửa nhiều luật”, đồng thời, thông qua các Nghị quyết thí điểm về các vấn đề cấp bách. Ngoài ra, kỳ họp lần này dự kiến thông qua chủ trương thực hiện dự án xây dựng đường sắt cao tốc với dự toán 67 tỷ USD, là lực đẩy cho đầu tư công trong 2025.
Bên cạnh đó, chính sách thương mại của ông Trump dự kiến đánh thuế vào hàng hóa Trung Quốc lên đến 60%. Điều này một mặt khiến nhiều mặt hàng thay thế của Việt Nam trở nên có sức cạnh tranh hơn khi xuất khẩu sang Mỹ, nhưng mặt khác có thể khiến hàng hóa giá rẻ Trung Quốc tràn vào thị trường Việt Nam trước áp lực dư cung tại thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ được tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ.
Thêm vào đó, các động thái gần đây về việc một số nhà cung ứng lớn cho các tập đoàn công nghệ Mỹ như SpaceX dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam, cũng như xu hướng hợp tác công nghệ Mỹ - Việt Nam có thể giúp các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam hưởng lợi.
Với các diễn biến trên, Chứng khoán ABS nhận định, dù triển vọng kinh tế Việt Nam khá tích cực, nhưng trong ngắn hạn, thị trường vẫn phải đối mặt với khó khăn về dòng tiền khi vốn ngoại tiếp tục bán ròng trong bối cảnh đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng trở lại.
Đưa ra kịch bản cho thị trường chứng khoán trong tháng 11/2024, Chứng khoán ABS cho rằng thị trường tiếp tục suy giảm với thanh khoản giao dịch yếu (10.000 -12.000 tỷ đồng/phiên) về biên dưới của mốc hỗ trợ 1 quanh 1.225 điểm. Khi đó, tín hiệu mua cần xem trên biểu đồ H1 (1 giờ) có nến rút chân tương đối mạnh, ABS khuyến nghị nhà đầu tư có thể mở vị thế mua ngắn hạn.
Ở kịch bản 2, khi thị trường giảm qua vùng giá 1.125 điểm với thanh khoản lớn và không cho tín hiệu cầu mua chủ động, nhà đầu tư nên chờ giao dịch ở vùng giá hỗ trợ 2 (1.207 – 1.190 điểm) và hỗ trợ 3 (1.190 – 1.164 điểm).
"Nhìn chung, thị trường chung đang cho thấy áp lực điều chỉnh giảm, các kịch bản giao dịch hướng tới các chiến lược mua vào vị thế ngắn hạn khi VN-Index và cổ phiếu tiệm cận về hỗ trợ đáng tin cậy", ABS nhận định.
Đồng thời, ABS khuyến nghị nhà đầu tư nên quan tâm đến các nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ xu hướng vĩ mô như: bất động sản khu công nghiệp, dệt may, thủy sản, công nghệ, thực phẩm... Nên lựa chọn các cổ phiếu đầu ngành, có yếu tố cơ bản và triển vọng tăng trưởng lợi nhuận tốt, thể hiện sức mạnh hơn thị trường chung hoặc các cổ phiếu tạo mô hình đáy...
Tương tự, Chứng khoán TPS cũng đưa ra 2 kịch bản cho VN-Index trong tháng 11 này. Kịch bản tích cực là VN-Index vượt lên 1.300 điểm, bắt đầu xu thế tăng mới (khả năng xảy ra 60%). Kịch bản này xảy ra khi thị trường có thể tạo đáy tại vùng giá 1.240 điểm thành công, chỉ khi đó, VN-Index mới có đủ động lực để kéo được chỉ số qua ngưỡng 1.300 điểm. Kịch bản này VN-Index rất cần thanh khoản bùng nổ cùng điểm số. Vùng giá mà VN-Index có thể tìm đến là ngưỡng 1.340 điểm.
Kịch bản tiêu cực là VN-Index giảm điểm sau khi mất vùng 1.240 điểm (khả năng xảy ra 40%). Ở kịch bản này, thị trường sẽ gặp khó khăn và ngưỡng hỗ trợ 1.240 điểm không đủ sức để hỗ trợ cho xu hướng của thị trường thì khả năng cao xu thể giảm có thể sẽ xuất hiện, các kịch bản xấu được mở ra và kéo chỉ số VN-Index xuống vùng 1.180 điểm (tương ứng mức đáy cũ của VN-Index được tạo lập vào hồi tháng 09/2024).
Trong báo cáo mới công bố của VDSC, sau khi phản ánh kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2024, vùng định giá hợp lý của VN-Index tương ứng mức P/E 14 - 15.x lần là 1.299 – 1.392 điểm.
Dù vậy, với các cơn gió ngược ngắn hạn khiến niềm tin của nhà đầu tư chưa được củng cố, VN-Index có thể thử thách ở vùng định giá thấp hơn trước khi được tái định giá về vùng hợp lý. Theo đó, cho giai đoạn ba tháng tiếp theo (trước khi mùa công bố kết quả kinh doanh quý 4 diễn ra), VN-Index có thể biến động trong vùng 1.237 – 1.345 điểm.
VDSC cho rằng, các nhà đầu tư nên chuẩn bị cho kịch bản tận dụng sự sụt giảm của thị trường để xây dựng các vị thế dài hạn, đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, công nghệ, công nghiệp và dịch vụ tài chính. Hay nói cách khác, VDSC khuyến khích nhà đầu tư đảm bảo có vị thế cho cơ hội tái định giá của thị trường tuy nhiên vẫn giữ sức mua để đối phó với những cơn gió ngược tiềm tàng kể trên.
Còn theo Chứng khoán SSI, định giá ước tính một năm của VN-Index giảm nhẹ từ xuống còn 11,9 lần vào cuối tháng 10 từ mức 12,1 lần ở đầu tháng. Điều này cho thấy thị trường chịu áp lực giảm giá và chưa phản ánh nhiều chuyển biến tích cực của kết quả quý 3.
Tăng trưởng lợi nhuận quý 3 tiếp tục mở rộng sang nhiều nhóm ngành, với nhiều ngành đạt mức tăng trưởng cao trên 30%. Ngoài ra, Thông tư 68 cùng với việc sửa đổi Luật chứng khoán đưa tới kỳ vọng các quỹ đầu tư nước ngoài có thể cân nhắc tăng tỷ trọng vào Việt Nam.
Nhìn chung, thị trường có thể biến động trong ngắn hạn, nhưng đây cũng là cơ hội để mua vào các cổ phiếu tiềm năng với giá hợp lý để xây dựng danh mục đầu tư dài hạn.
Nhà đầu tư nên ưu tiên các doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng mạnh và bền vững, vì đây được kỳ vọng là yếu tố chính dẫn dắt giá cổ phiếu trong năm 2024 và 2025.
Trong đó, dệt may, thủy sản (cá tra), cảng và vận tải biển là các ngành có thể hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và chính sách thương mại mới của Mỹ. Đây là những lĩnh vực đáng cân nhắc bổ sung vào danh mục cho giai đoạn tới.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng nên đa dạng hóa danh mục để hạn chế tác động từ các biến động khó lường. Cùng với các biến động chính sách từ Mỹ, lãi suất và biến động tỷ giá trong nước là 2 yếu tố vĩ mô cần được theo dõi chặt chẽ trong quá trình quản lý rủi ro.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận