menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thu Trà

Những khoảng trống trong đấu thầu mua sắm thiết bị y tế

Bên cạnh nhiều vướng mắc trong công tác mua sắm trang thiết bị y tế đã được tháo gỡ, một số bệnh viện trên địa bàn thành phố cho rằng hiện họ vẫn còn gặp những khó khăn trong việc xây dựng yêu cầu kỹ thuật trong đấu thầu.

Trong năm 2023 vừa qua, Nghị định 07, Nghị quyết 30, Thông tư 14 đã được Chính phủ và Bộ Y tế lần lượt ban hành giúp giải quyết những vấn đề mà nhiều bệnh viện tại TPHCM gặp phải trong mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế. Tuy nhiên, một số bệnh viện trên địa bàn thành phố vẫn còn vướng một số quy định liên quan đến việc xây dựng yêu cầu kỹ thuật trong đấu thầu, điều kiện thực hiện đấu thầu. Những khoảng trống pháp lý đã khiến không ít bệnh viện lúng túng khi triển khai đấu thầu, mua sắm vật tư

Gỡ khó, mở đường cho trang thiết bị y tế vào bệnh viện

Trước đây, Bệnh viện Ung bướu TPHCM từng là cơ sở y tế báo động về nguy cơ thiếu hóa chất, đặc biệt hóa chất giải phẫu bệnh tại bệnh viện. Nguyên nhân là do công tác đấu thầu vật tư, trang thiết bị y tế còn gặp khó khăn bởi nhiều mặt hàng chưa được phân loại, phân nhóm vật tư y tế.

Với Nghị quyết số 30/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế được ban hành vào năm 2023, Bệnh viện Ung bướu thành phố như vớ được phao cứu sinh trong tình huống thiếu trước, hụt sau trong hoạt động khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Theo Tiến sĩ, bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM, quy định về máy mượn, máy đặt; việc gia hạn tự động các loại thuốc và không cần ba báo giá, đặc biệt đối với những trang thiết bị được bảo trì đã được Nghị quyết 30 tháo gỡ.

Tại nhiều bệnh viện, tình trạng bệnh nhân phải ra ngoài mua thuốc vì bệnh viện không đấu thầu được thuốc đã diễn ra trong suốt một thời gian dài. Còn tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, bác sĩ Tuấn cho biết trước đây, đơn vị này không thiếu thuốc nhưng lại lo thiếu vật tư tiêu hao. Tình trạng này đã ảnh hướng đến chất lượng khám và điều trị cho bệnh nhân. Chẳng hạn như đối với dao trong phẫu thuật đến thời điểm hết hạn đăng ký, nếu không giải quyết kịp thời, bệnh viện không có dao siêu âm, phục vụ trong phẫu thuật. Đặc biệt là mổ ung thư tuyến giáp, ung thư vú… dao tốt sẽ giúp bệnh nhân an toàn, giảm thời gian điều trị. Nghị quyết 30 giúp giải quyết được vấn đề này. Tuy nhiên, về lâu dài, các bệnh viện cũng cần có những quy định, chính sách bền vững và hiệu quả hơn.

Những khoảng trống trong đấu thầu mua sắm thiết bị y tế

Thời gian vừa qua, Bệnh viện Ung Bướu TPHCM đã thực hiện các giải pháp mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế để hoạt động khám và điều trị cho người bệnh được tốt hơn.

Bên cạnh đó, trong năm vừa qua, dù Thông tư 14/2023/TT-BYT về xây dựng giá gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập đã giúp phần nào giảm bớt được ‘nỗi sợ đấu thầu’ nhưng trao đổi với KTSG Online, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, cho biết thông tư này chỉ có hiệu lực đến hết ngày 31-12-2023. Như vậy, trong thời gian sắp tới, ngành y tế này cần có những giải pháp mang tính lâu bền, giải quyết căn cơ hơn.

Ngoài ra, nếu muốn hạn chế tính rủi ro trong đấu thầu thiết bị y tế, ban giám đốc bệnh viện cần có quy định chặt chẽ trong đấu thầu. “Chẳng hạn như một sản phẩm muốn vào bệnh viện phải thông qua các nhà chuyên môn, trưởng khoa, phó khoa… người sử dụng trực tiếp phải có ý kiến. Sau đó, hội đồng chuyên môn quyết định sản phẩm nào phù hợp nhất nhằm tránh tình trạng chỉ định thầu, không có tính dân chủ”, bác sĩ Tiến chia sẻ thêm.

Khó khăn trong xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật đấu thầu

Bên cạnh nhiều vướng mắc trong công tác mua sắm trang thiết bị y tế đã được tháo gỡ, một số bệnh viện trên địa bàn thành phố cho rằng hiện họ vẫn còn gặp những khó khăn trong việc xây dựng yêu cầu kỹ thuật trong đấu thầu.

Theo đó, trong buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM liên quan đến thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Bệnh viện Chợ Rẫy diễn ra vừa qua, bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết việc xây dựng yêu cầu kỹ thuật như cấu hình, chức năng, tính năng, thông số yêu cầu chuyên môn của người dùng…là khâu quan trọng nhất của gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế nhưng thường bị gây ‘khó dễ’ bởi thanh tra, điều tra vì cho rằng bệnh viện ‘định hướng thầu’, ‘gây hạn chế nhà thầu’ hoặc chỉ định thầu sai quy định.

Trong khi hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể cách xây dựng yêu cầu kỹ thuật của gói thầu, cũng như chưa có quy định cụ thể về hình thức tham khảo cấu hình, tính năng, thông số thiết bị y tế của các hãng, mức độ tham khảo và áp dụng đến đâu để không bị quy vào ‘định hướng thầu’.

Vì vậy, đối với máy móc thiết bị kỹ thuật cao, bác sĩ Việt cho biết hiện các bệnh viện rất e ngại khi đặt ra yêu cầu kỹ thuật của thiết bị mà chỉ 1-2 hãng đáp ứng được vì có thể bị đưa vào ‘tầm ngắm’ của thanh tra, điều tra.Do đó, để an toàn cho việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, các bệnh viện công lập chỉ dám đặt ra các cấu hình, chức năng, tính năng, thông số chuyên môn cơ bản, mang tính phổ biến để nhiều hãng đáp ứng được. Trên thực tế, điều này có thể khiến bệnh viện công ngày càng thua xa các bệnh viện tư về mức độ hiện đại của trang thiết bị y tế với khoảng cách từ 5-10 năm.

Những khoảng trống trong đấu thầu mua sắm thiết bị y tế

Hiện quy định đấu thầu vật tư, trang thiết bị y tế vẫn còn tồn tại một số vướng mắc.

Trước thực trạng một số quy định giúp gỡ vướng trong công tác đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế cho các bệnh viện đã hết hiệu lực từ cuối năm 2023, bác sĩ Việt cho biết dù ‘Luật Đấu thầu 2023’ thay thế ‘Luật Đấu thầu 2013’ có hiệu lực từ ngày 1-1-2024 nhưng đến nay vẫn chưa có nghị định, thông tư nào hướng dẫn thi hành luật. Điều này đã gây khó khăn và lúng túng cho các bệnh viện khi triển khai.

Cũng theo bác sĩ Tôn Văn Tài, Trưởng đơn vị đấu thầu của Bệnh viện Chợ Rẫy, trong năm 2023 vừa qua, bệnh viện này đã triển khai 200 gói thầu, đảm bảo cơ bản được nhu cầu điều trị của người bệnh. Tuy nhiên, tỷ lệ đấu thầu mua sắm hàng hóa thành công chỉ khoảng 80% gói thầu. Phần còn lại 20% là không lựa chọn được nhà thầu.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, thứ nhất do tình trạng không có giấy lưu hành sản phẩm đối với hàng hóa là trang thiết bị y tế nhóm C, nhóm D. Thứ hai là do nhà thầu chậm cung ứng hàng hóa, gián đoạn cung cấp và nhà thầu không có năng lực khi thực hiện hợp đồng… Ngoài ra, việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật cũng tạo ra các khoảng trống pháp lý trong việc thực thi pháp luật.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại