Những dự án giao thông địa phương làm chủ đầu tư chậm tiến độ
Theo tin từ Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải), hiện có 5 dự án giao thông do các địa phương làm chủ đầu tư có tiến độ thi công và giải ngân rất chậm.
Theo đó, dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 37 và cầu sông Hóa, tỉnh Thái Bình do Sở Giao thông Vận tải Thái Bình làm chủ đầu tư, dự kiến sẽ hoàn thành tháng 10/2022. Nhưng hiện nay, mặt bằng mới bàn giao được 8,5km trong tổng số 9km (đạt 95%). Dự kiến công tác giải phóng mặt bằng sẽ hoàn thành trong tháng 9 này.
Dự án có một gói thầu xây lắp, sản lượng thi công đạt 60%, chậm khoảng 12% so với kế hoạch. Nguyên nhân do nhà thầu chưa tập trung thi công, huy động nguồn tài chính chưa đáp ứng kế hoạch triển khai trong điều kiện giá vật liệu tăng cao.
Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu khẩn trương hoàn thành nghiệm thu, thanh toán các hạng mục đã hoàn thành; tập trung tháo gỡ khó khăn về tài chính để thi công bù lại tiến độ chậm với mốc tiến độ yêu cầu hoàn thành dự án tháng 10/2022.
Tiếp theo là dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 21B đoạn Chợ Dầu - Ba Đa do Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hà Nam làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành tháng 11/2022.
Hiện mặt bằng dự án đã được bàn giao 13,62 km trong tổng số 14,18km (đạt 96%), dự kiến bàn giao phần còn lại trong tháng 9/2022. Dự án có một gói thầu, sản lượng thi công đạt 36% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 15% so với kế hoạch. Nguyên nhân do nhà thầu chưa tập trung thi công.
Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu huy động thêm nhân lực, máy móc, thiết bị để thi công bù lại tiến độ chậm, trường hợp cần thiết bổ sung nhà thầu phụ, đảm bảo hoàn thành kế hoạch giải ngân năm 2022.
Dự án tuyến nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình do Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hà Nam làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành tháng 8/2023.
Hiện nay, việc giải phóng mặt bằng của dự án đã hoàn thành, đang triển khai thi công xây lắp, sản lượng thi công đạt 38%, cơ bản đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên công tác giải ngân chậm so với kế hoạch khoảng 19 tỷ đồng. Nguyên nhân do nhà thầu chậm hoàn thành hồ sơ nghiệm thu thanh toán.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân của dự án, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu thi công, bám sát kế hoạch đã chấp thuận. Đồng thời, tập trung hoàn thành hồ sơ nghiệm thu thanh toán, đáp ứng tiến độ giải ngân yêu cầu.
Dự án tiếp theo là tuyến tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Dự án này do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thông tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành năm 2023.
Mặt bằng dự án đã bàn giao 17,01 km trong tổng số 39,07km đạt 42,95%, dự kiến bàn giao phần mặt bằng còn lại trong tháng 9/2022.
Dự án đang triển khai thi công 2 gói thầu, sản lượng thi công đạt 8,1%, chậm 19% so với kế hoạch. Nguyên nhân do nhà thầu chưa huy động đầy đủ máy móc, thiết bị theo hợp đồng và ảnh hưởng của mùa mưa khu vực Tây Nguyên, công tác giải phóng mặt bằng bị chậm.
Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương để giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, chỉ đạo nhà thầu thi công tập trung thi công bù lại tiến độ đã chậm.
Cuối cùng là dự án tuyến Quốc lộ 30 - giai đoạn 3, tỉnh Đồng Tháp. Dự án do Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Tháp làm chủ đầu tư, dự kiến dự án sẽ hoàn thành tháng 2/2024).
Hiện công tác giải phóng mặt bằng của dự án đã hoàn thành, dự án có 3 gói thầu xây lắp; trong đó, 1 gói thầu xây lắp mới thi công ngày 25/7/2022, còn lại 2 gói thầu xây lắp đang lựa chọn nhà thầu (1 gói thầu mở thầu ngày 6/9/2022; 1 gói thầu mở thầu ngày 19/9/2022), dự kiến khởi công trong tháng 9 và 10/2022.
Tiến độ lựa chọn hai gói thầu còn lại chậm so với kế hoạch, Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục cần thiết để khởi công theo kế hoạch…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận