menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Tiến Hoàng

Những công ty chứng khoán ngược dòng… báo lỗ

Vẫn có những cái tên nằm ngoài xu hướng chung

Môi trường kinh doanh thuận lợi được duy trì trong quý 3/2021 đã tạo điều kiện cho khối công ty chứng khoán (CTCK) tiếp tục bữa tiệc lợi nhuận, tuy nhiên, niềm vui không chia đều cho tất cả.

Thị trường chứng khoán sôi động trong 2 năm trở lại đây với thanh khoản luôn ở mức cao đã tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các CTCK. 9 tháng đầu năm 2021 giá trị giao dịch bình quân trên 2 sàn niêm yết HOSE và HNX đạt gần 23 ngàn tỷ đồng/phiên (xấp xỉ 1 tỷ USD/phiên). Riêng trong quý 3/2021, giá trị giao dịch bình quân đạt gần 26 ngàn tỷ đồng/phiên, gấp gần 4 lần cùng kỳ.

Trong điều kiện thanh khoản cao kỷ lục, nhiều CTCK đồng loạt báo lãi lớn. Theo dữ liệu của VietstockFinance, tổng lợi nhuận sau thuế quý 3 của 42 CTCK đạt hơn 4.2 ngàn tỷ đồng, gấp gần 2 lần cùng kỳ.

Tuy nhiên, vẫn có những cái tên nằm ngoài xu hướng chung. Tính tới 20/10, thị trường ghi nhận 10 CTCK báo lỗ trong quý 3. Trong đó, có những công ty báo lỗ tới hàng chục tỷ đồng như Chứng khoán Bảo Minh (BMS), Chứng khoán Phố Wall (WSS).

Các CTCK báo lỗ trong quý 3/2021

Đvt: Tỷ đồng

Những công ty chứng khoán ngược dòng… báo lỗ
Nguồn: VietstockFinance

Nhiều CTCK lỗ triền miền

Chứng khoán JB Việt Nam (JBSV) có doanh thu gần 11.7 tỷ đồng trong quý 3, gấp 2.4 lần cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp lên tới hơn 13.6 tỷ đồng đã khiến Công ty phải báo lỗ. Điểm đáng nói là nguồn thu của JBSV chủ yếu đến từ tài sản HTM là tiền gửi kỳ hạn trên 3 tháng đến 1 năm (cuối quý 3, Công ty ghi nhận số dư tiền gửi lên tới 870.6 tỷ đồng).

Quý 3/2021 cũng đánh dấu quý thứ 12 liên tiếp Chứng khoán EuroCapital (ECC) chìm trong thua lỗ. Các khoản chi phí tăng cao là nguyên nhân gây ra tình trạng kinh doanh kém hiệu quả của công ty.

Đối với Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIG) nguồn thu duy nhất của Công ty trong quý 3 đến từ môi giới chứng khoán, đạt hơn 2.1 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí trong kỳ (chủ yếu là chi phí môi giới và chi phí quản lý) cao hơn 80% doanh thu đã khiến VIG phải báo lỗ.

Tương tự, tình trạng chi phí bào mòn hoàn toàn lợi nhuận cũng xảy ra với CTCP Chứng khoán Việt (VSC), Chứng khoán Saigonbank Berjaya hay Chứng khoán Việt Tín (VTSS).

Những công ty báo lỗ kể trên đều là những CTCK nhỏ, phần lớn đều là có hoạt động kinh doanh không mấy tích cực trong các năm gần đây. Với tiềm lực hạn chế, các công ty chứng khoán nhỏ hầu như chỉ có thể hoạt động trong mảng môi giới chứng khoán. Tuy nhiên, do không có vị thế trong ngành khiến các công ty này gặp khó trong việc tìm kiếm nguồn thu. Thu không đủ chi, đưa nhóm này vào tình trạng thua lỗ triền miên.

Nhiều CTCK báo lỗ trong quý 3/2021 thua lỗ triền miên nhiều năm

Đvt: Tỷ đồng

Những công ty chứng khoán ngược dòng… báo lỗ
Những công ty chứng khoán ngược dòng… báo lỗ
Những công ty chứng khoán ngược dòng… báo lỗ
Nguồn: VietstockFinance

Gánh lỗ vì tự doanh

Khác với các công ty trên, BMS và WSS chịu lỗ tới hàng chục tỷ đồng trong quý 3 với nguyên nhân chính đến từ mảng tự doanh kém khả quan.

Như trường hợp của BMS, trong quý 3, lãi từ các tài sản tài chính qua lãi/lỗ (FVTPL) của Công ty giảm gần một nửa, xuống gần 29.3 tỷ đồng. Trong khi đó, lỗ từ các tài sản tài chính FVTPL ở mức 77.6 tỷ đồng, gấp hơn 2.6 lần các khoản lãi. Khoản lỗ này chủ yếu đến từ việc đánh giá tài sản tài chính của Công ty.

Chi phí hoạt động tự doanh cũng gấp đôi cùng kỳ, lên mức 17.3 tỷ đồng. Vì thế, tự doanh của Công ty lỗ khoảng 65.6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ lỗ gần 28 tỷ đồng.

Hoạt động tự doanh chiếm phần lớn trong cơ cấu kinh doanh của BMS, do đó, dù doanh thu môi giới gấp gần 10 lần cùng kỳ ở mức 15.8 tỷ đồng và doanh thu tư vấn gấp đôi cùng kỳ ở mức 8.5 tỷ đồng cũng không thể bù đắp các khoản lỗ từ hoạt động tự doanh. Kết quả BMS báo lỗ ròng hơn 38 tỷ đồng.

Ở trường hợp của WSS, CTCK này hầu như không có nguồn thu từ hoạt động môi giới hay cho vay. Trong quý 3, WSS ghi nhận lỗ hơn 38 tỷ đồng từ việc đánh giá giảm các tài sản FVTPL từ đó, dẫn tới khoản lỗ ròng 37.5 tỷ đồng trong kỳ.

Danh mục tự doanh cuối quý 3 cho thấy Công ty chủ yếu đầu tư vào cổ phiếu UPCoM với giá trị hơn 170 tỷ đồng. Trong quý, WSS đã thực hiện chốt lời một phần với danh mục cổ phiếu và thu về gần 450 triệu đồng tiền lời. Tuy nhiên, phần cổ phiếu còn nắm giữ bị đánh giá giảm gần 40 tỷ đồng so với giá gốc.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
3 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại