Những công ty chứng khoán gồng mình gánh lỗ
Đâu đó trên thị trường còn có những công ty chứng khoán làm ăn thua lỗ nhiều năm, hoạt động trong cảnh “uống nước cầm hơi”.
Thương trường là chiến trường, câu nói đầu môi xưa nay vẫn dùng để cho thấy tính chất khốc liệt khi tham gia một “cuộc chơi” nào đó trên thương trường. Và tất nhiên, nhóm công ty chứng khoán cũng không ngoại lệ. Bên cạnh những công ty chứng khoán (CTCK) ăn nên làm ra, nhiều công ty đang phải chật vật gồng gánh thua lỗ.
Theo thống kê dữ liệu tài chính của Vietstock cho thấy, trong quý 2/2019 có 17 CTCK báo lỗ. Trong số này, có tới 8 công ty thua lỗ nhiều năm liền trong giai đoạn 2016 - 2018. Chuyện thua lỗ ở mỗi công ty tuy khác nhau, nhưng viễn cảnh nhìn chung đều có cùng gam màu tối.
Trường hợp điển hình có thể kể đến như Chứng khoán Saigon Berjaya (SBBS), Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), Chứng khoán Alpha (APSC), Chứng khoán Eurocapital (ECC), Chứng khoán Global Mind…
Với trường hợp của SBBS, Công ty vẫn có nguồn thu từ các hoạt động kinh doanh chính của khối CTCK. Trong nửa đầu năm 2019, doanh thu môi giới của Công ty đạt hơn 3 tỷ đồng, lãi từ các khoản cho vay và phải thu hơn 5 tỷ đồng. Môi giới và margin chính là mảng đem lại nguồn thu chủ yếu của Công ty này.
Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi tại SBBS là chi phí môi giới vượt quá doanh thu môi giới, trong khi chi phí quản lý luôn ở mức cao, đã khiến Công ty ghi lỗ hơn 4.4 tỷ đồng trong nửa đầu 2019. Lỗ lũy kế tại ngày cuối tháng 6/2019 của Công ty được nâng lên mức 240 tỷ đồng.
Tình trạng này không chỉ xảy ra ngày một ngày hai mà liên tục trong các năm trước đó, Công ty luôn trong tình trạng ghi nhận mức lỗ tương tự do tình hình hoạt động kinh doanh diễn biến tương đồng. Đặc biệt năm 2018, SBBS thực hiện trích lập dự phòng đối với khoản phải thu khó đòi 210 tỷ đồng với Huỳnh Thị Huỳnh Như, nhân vật đình đám với đại án ở Vietinbank, chịu lỗ tới 212 tỷ đồng trong năm này. Tổng tài sản của Công ty tới cuối 2018 cũng giảm một nửa so với đầu năm về còn 134.6 tỷ đồng.
Mới đây, SBBS còn bị đình chỉ tự doanh vì vốn chủ sở hữu của Công ty đã thấp hơn vốn pháp định.
Với trường hợp của CSI, doanh thu hoạt động giai đoạn 2015-2017 duy trì ở mức rất thấp. Trong khi đó, Công ty còn phải chịu nhiều khoản chi phí khác, trở thành gánh nặng oằn vai, dẫn đến lỗ liền 3 năm 2015 và 2017.
Sang năm 2018, việc bổ sung nghiệp vụ tự doanh như là cái phao cho hoàn cảnh đang chơi vơi giữa dòng, đã giúp tình hình kinh doanh của Công ty đảo chiều với con số lãi hơn 5.2 tỷ đồng. Trong năm này, Công ty ghi lãi trên dưới 10 tỷ đồng nhờ hoạt động tự doanh.
Thế nhưng, trở về với thực tại, CSI báo lỗ gần 4 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2019 khi không còn ghi nhận lãi đáng kể từ hoạt động tự doanh nữa.
Còn ở trường hợp của Chứng khoán Việt Nam Gateway (HRS) hay APSC, mảng môi giới là mảng chèo chống để vượt cạn cho các Công ty này có cơ hội trụ lại thị trường trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, nguồn thu chính đó không đủ để bù chi phí quản lý phát sinh, do vậy, cả hai CTCK này đành phải chấp nhận ngậm ngùi báo lỗ.
Nguồn: VietstockFinance
Vì đâu nên nỗi?
Quá nhiều lý do để lý giải cho tình hình hoạt động kinh doanh thua lỗ của các CTCK kể trên. Đầu tiên, điều đáng nói là CTCK bị hạn chế trong nghiệp vụ dẫn tới nguồn thu nhập cũng hạn chế. Tiếp đó, với quy mô vốn chưa đủ lực, nên nhiều công ty cũng chỉ có thể thực hiện môi giới chứng khoán, trong khi miếng bánh thị phần béo bở ở lĩnh vực này những năm qua dường như chỉ dành cho nhóm CTCK có nội lực lớn như SSI, HCM, VSCC, MBS…
Mặt khác, công ty nhỏ thì định vị thương hiệu cũng khiêm nhường, tiếng tăm ít vang xa. Thậm chí những Công ty này nếu không được kể ra ở trên thì chưa chắc nhà đầu tư đã biết tên. Hơn nữa, việc quảng bá thương hiệu cũng ít được nhóm CTCK này quan tâm thực hiện để nhà đầu tư nhận biết rộng rãi hơn.
Ngặt nỗi, không thể nhớ mặt đặt tên, nhà đầu tư khó có cơ sở để tin tưởng vào chất lượng dịch vụ ở các công ty này vì tâm lý người tiêu dùng lúc nào cũng mong muốn được sử dụng sản phẩm dịch vụ tốt, đây là điều mà các CTCK dẫn đầu đã chứng minh được.
Trong bối cảnh áp lực cạnh tranh rất quyết liệt, CTCK top dưới muốn tồn tại đã không thể mạnh bước đi trên đại lộ, mà phải tìm thị trường ngách để có hướng phát triển riêng cho mình. Điển hình, CTCK Beta đặt kế hoạch tập trung vào hoạt động tư vấn tài chính doanh nghiệp (thoái vốn, niêm yết lên sàn); CTCK Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIG) định hướng tập trung các mảng như tư vấn M&A, môi giới trái phiếu và các dịch vụ tài chính.
Bên cạnh đó, việc tăng vốn cũng được CTCK đưa ra để cải thiện tình hình. Năm 2019, Vietnam Gateway lên kế hoạch phát hành cổ phần nhằm tăng vốn lên 360 tỷ đồng. Với kế hoạch tăng vốn này, Công ty sẽ đủ lực để bổ sung thêm các nghiệp vụ tự doanh, tư vấn đầu tư chứng khoán và bảo lãnh phát hành. Tuy hướng phát triển là vậy, nhưng với đà thua lỗ liên tiếp nhiều năm liền, như cỗ xe tuột dốc không phanh, thì việc phát hành tăng vốn ở nhóm CTCK thua lỗ là điều rất khó thực hiện.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận