Những cổ phiếu một thời: Cú lao dốc kinh hoàng của BMC
Trong cơn điên loạn của thị trường năm 2007, mã BMC (CTCP Khoáng sản Bình Định - BIMICO) được đẩy lên mức cao nhất trong lịch sử giao dịch của TTCK Việt Nam: 847.000 đồng/CP. Tuy nhiên, BMC đã không còn giữ được hình ảnh của CP cao giá trên TTCK với chuỗi lao dốc sau đó, mà nguyên nhân chính đến từ kết quả kinh doanh chứ không phải tác động từ thị trường chung.
Lên đỉnh, xuống đáy
Tiền thân của BMC là Công ty Khoáng sản Bình Định được thành lập năm 1985. Đến năm 2001 chuyển sang hoạt động theo mô hình CTCP. BMC là một trong những doanh nghiệp khai thác chế biến kinh doanh khoáng sản tiên phong tại Việt Nam với sản phẩm chính là Ilmentie, nguyên liệu chính để sản xuất bột màu Titan dioxit (TiO2) và kim loại Titan. Ilmentie đóng góp tỷ trọng trên 80% doanh thu và trên 90% lợi nhuận.
BMC hiện đang được quyền khai thác trên diện tích 236 ha với trữ lượng tổng cộng 500.000 tấn tại Mỏ Đề Gi (Bình Định). Hơn 95% sản phẩm của BMC được xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Malaysia, Trung Quốc. Các khách hàng lớn của công ty là các nhà nhập khẩu quặng của nước ngoài như Kayfour Development Corporation Sdn.Bhd, Qinzhou Qinnan District Jia Hua Import Export, Mineral Venture Internation.
BMC chào sàn HOSE trong phiên giao dịch ngày 28-12-2006, với giá tham chiếu 50.000 đồng/CP. Lên sàn trong bối cảnh TTCK đang trong giai đoạn bùng nổ, nên BMC có chuỗi tăng giá kéo dài trong khoảng 50 phiên lên mức 454.000 đồng/CP (ngày 16-3-2007).
Sau chuỗi tăng này, BMC có vài phiên điều chỉnh trước khi bước vào đợt sóng tăng kéo dài 30 phiên lên mức 847.000 đồng/CP (ngày 21-5-2007). Đây là mức giá cao nhất của 1 mã CP đang niêm yết trên TTCK cho đến thời điểm hiện nay. Thậm chí, mức giá này còn cao hơn rất nhiều so với những mã CP “đình đám” thời bấy giờ như: SJS (CTCP Đầu tư phát triển và Khu công nghiệp Sông Đà) 728.000 đồng/CP, FPT (CTCP Tập đoàn FPT) 665.000 đồng/CP, hay DHG (CTCP Dược Hậu Giang) 553.000 đồng.
Sau chuỗi giao dịch ấn tượng trên, BMC rơi vào trạng thái bị bán tháo do tác động tiêu cực từ diễn biến của TTCK trong năm 2008. Đến phiên giao dịch ngày 6-5-2008, BMC lần đầu tiên giảm xuống dưới mốc 100.000 đồng/CP. Dù có chuỗi hồi phục sau đó, nhưng trong xu hướng giảm giá của TTCK, BMC liên tục xuyên thủng các mức giá quan trọng.
Cụ thể, phiên giao dịch ngày 24-2-2009, BMC giảm xuống chỉ còn 40.500 đồng/CP. Tuy nhiên, đáy của BMC được xác lập 7 năm sau đó, vào ngày 26-1-2016 BMC giảm chỉ còn 12.600 đồng/CP. Như vậy, nếu nắm giữ CP ở mức đỉnh và giữ đến thời điểm tạo đáy thì NĐT nắm giữ CP sẽ thua lỗ gần 99%.
Trượt dài trong khó khăn
Nếu đợt sóng tăng đẩy BMC lên đỉnh xuất phát từ sự bùng nổ của TTCK, thì đợt giảm giá kéo mã CP này xuống mức giá chỉ còn hơn 14.000 đồng/CP ở thời điểm hiện nay lại bắt nguồn từ kết quả kinh doanh kém tích cực của doanh nghiệp. Có thể lấy dẫn chứng từ kết quả kinh doanh năm 2016 của BMC, là năm ghi nhận lợi nhuận thấp nhất từ khi niêm yết của BMC với lợi nhuận chỉ đạt vỏn vẹn 9,5 tỷ đồng, do giá Titan trên thị trường thế giớt sụt giảm 60%. Trong khi đó, ở thời điểm đỉnh cao 2011-2013, khi giá Titan đạt đỉnh, lợi nhuận của BMC duy trì trong khoảng từ 80-90 tỷ đồng. Thời kỳ này, BMC luôn nằm trong Top các doanh nghiệp có tỷ suất sinh lời trên cổ phần (EPS) cao nhất trên TTCK.
Nguyên nhân khiến cho các doanh nghiệp khoáng sản nói chung và BMC nói riêng rơi vào tình cảnh khó khăn xuất phát từ hàng loạt yếu tố bất lợi. Đầu tiên là Chỉ thị 02/CT-TTg được ban hành năm 2012, cấm xuất khẩu khoáng sản thô trừ dầu mỏ và than đá. Kế đến là quyết định tăng thuế khai thác tài nguyên và tình trạng sụt giảm của giá nguyên vật liệu (Titan) trên thị trường thế giới.
Với hàng loạt những thay đổi về chính sách, BMC đã phải cắt giảm 50% sản lượng so với trước đây để hạn chế áp lực hàng tồn kho ngày càng tăng. Ngoài ra, hoạt động khai thác của BMC chủ yếu vẫn chỉ dưới dạng khai thác thô, khó có thể đem lại biên lợi nhuận cao. Đặc biệt, từ tháng 7-2016, BMC không còn được miễn tiền thuê đất đối với tiền thuê đất mỏ khiến cho chi phí sản xuất tăng cao.
Dù chủ động chuyển đổi sang sản xuất xỉ Titan nhằm thích ứng với chính sách hạn chế xuất khẩu quặng thô của Chính phủ và thực hành tiết giảm chi phí tối đa, nhưng kết quả kinh doanh của BMC vẫn còn kém xa so với thời đỉnh cao. Theo báo cáo tài chính năm 2018, dù lợi nhuận tăng gần 40% so với 2017 nhưng cũng chỉ đạt hơn 13,4 tỷ đồng.
Không nhiều kỳ vọng
Khó khăn tiếp tục được các thành viên HĐQT của BMC nêu ra tại ĐHCĐ thường niên 2019. Theo đại diện BMC, tình hình kinh tế và thị trường Titan thế giới vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc vì chịu tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Do phụ thuộc vào giá Titan trên thị trường thế giới nên kết quả kinh doanh của doanh nghiệp cũng chịu tác động bởi yếu tố này. Ngoài yếu tố giá, BMC còn chịu tác động bởi các vấn đề chính sách.
Đơn cử là tháng 4-2018, BMC được Bộ Công Thương cấp phép xuất khẩu cho số lượng Ilmenite tồn kho những năm trước. Tuy nhiên, việc cấp phép được tiến hành đồng thời trong phạm vi cả nước cho hàng loạt doanh nghiệp cùng lúc khiến cho nguồn cung tăng đột ngột, làm ảnh hưởng đến giá. Mặt khác, việc cấp phép chỉ có giá trị trong năm 2018 nên các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sa khoáng Titan như BMC vẫn gặp nhiều khó khăn và bị động trong việc tiếp cận thị trường cũng như thương thảo với các đối tác.
Từ nhận định này, HĐQT của BMC lên kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2019 với lợi nhuận tiếp tục đứng mức khá thấp so với đỉnh cao. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế ước đạt 16 tỷ đồng, doanh thu ước 226,5 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh không ấn tượng trong vài năm trở lại đây, cộng với triển vọng kinh doanh không tích cực trong thời gian tới khiến NĐT không còn mặn mà với BMC.
Tất cả thể hiện qua thanh khoản cũng như giá CP ngày càng sụt giảm. Theo thống kê, BMC dao động quanh ngưỡng 14.000-16.000 đồng suốt từ năm 2016 đến nay, khối lượng giao dịch chỉ vài ngàn CP trong phiên.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận