24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phạm Hà
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Những cổ phiếu ‘miễn nhiễm’ làn sóng bán ròng của khối ngoại

Giữa bối cảnh người ngoại quốc liên tục rút tiền khỏi thị trường chứng khoán Việt, vẫn có những cổ phiếu “bay ngược chiều gió”.

Đại dịch Covid-19 bùng phát trong năm 2020, trong khi đó các thị trường cận biên và mới nổi, như Việt Nam, vốn từ lâu được xem là rủi ro hơn so với các thị trường phát triển trong mắt giới đầu tư quốc tế. Theo đó, lũy kế 11 tháng, khối ngoại đã bán ròng trên 11.9 ngàn tỷ đồng cổ phiếu niêm yết tại đất nước hình chữ “S”.

THÁO CHẠY

Khối ngoại bán ròng xuyên suốt trong năm 2020

Giá trị mua ròng của khối ngoại trong tháng 6 và tháng 9 hoàn toàn đến từ đóng góp của VHM

Đvt: Tỷ đồng

Những cổ phiếu ‘miễn nhiễm’ làn sóng bán ròng của khối ngoại
Nguồn: VietstockFinance

Tuy nhiên, giữa bức tranh ảm đạm đó, vẫn có những cổ phiếu níu kéo được dòng vốn nước ngoài.

Trong đó, cần nhắc đến đầu tiên là nhóm cổ phiếu kín room ngoại như REE, MWG, PNJ hay FPT... Đây là những món hàng mà nhà đầu tư nước ngoài giữ chặt trong suốt mùa dịch, kể cả vào những thời điểm thị giá cổ phiếu giảm sâu hàng chục phần trăm trong tháng 3/2020.

Sự ưa thích đối với những cổ phiếu này còn thể hiện qua các mức giá cao hơn thị giá hàng chục phần trăm mà những nhà đầu tư nước ngoài vẫn chấp nhận bỏ ra để có thể mua từ những đồng nghiệp ngoại quốc khác. VinaCapital từng cho biết Quỹ phải chuyển hướng sang các cơ hội đầu tư khác mặc dù xem xét mua cổ phần MWG, bởi mức giá phải trả cao hơn đến 40% thị giá lúc bấy giờ. Một quỹ lớn khác là Dragon Capital cũng tiết lộ mức giá chuyển nhượng FPT nội khối ngoại cao hơn 20% thị giá trên sàn.

Bất chấp điều đó, MWG vẫn được sang tay nhộn nhịp giữa các quỹ ngoại. Thời gian gần đây, bên mua chủ chốt cổ phiếu của hãng bán lẻ đa ngành là Arisaig Asia Consumer Fund - quỹ đầu tư nhắm đến lĩnh vực hàng tiêu dùng tại châu Á.

Giữa tháng 11/2019, cơ quan quản lý cũng có động thái cởi trói cho dòng vốn nước ngoài khi chính thức triển khai Vietnam Diamond Index (VN Diamond), bộ chỉ số bao gồm các cổ phiếu đã kín room ngoại. Chỉ trong vòng chưa đầy 8 tháng (hoạt động từ 27/04-06/12/2020), quỹ ETF mô phỏng theo chỉ số này do công ty VFM quản lý - ETF VFMVN Diamond - đã có giá trị tài sản ròng vượt mốc 3.6 ngàn tỷ đồng, lọt vào nhóm quỹ nội lớn nhất đang hoạt động tại Việt Nam.

Mức tăng thị giá của một số cổ phiếu được khối ngoại ưa thích trong năm 2020

Những cổ phiếu ‘miễn nhiễm’ làn sóng bán ròng của khối ngoại
Nguồn: VietstockFinance

Trong năm 2020, các cổ phiếu hàng không cũng được sự quan tâm của các quỹ ngoại. Vốn là lĩnh vực bị bóp nghẹt bởi sự bùng phát của đại dịch Covid-19, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp hàng không suy giảm nặng nề, thậm chí thua lỗ. Tuy nhiên, một trong những quỹ đầu tư lớn nhất hoạt động tại Việt Nam là PYN Elite Fund lại trở thành bên mua nhiệt tình đối với các cổ phiếu dịch vụ phi hàng không ACV và SCS ngay trong những thời điểm đen tối nhất. Triển vọng tương lai từ một nền kinh tế đang tăng cường kết nối với thế giới và nền tảng tài chính vững chắc của doanh nghiệp tạo nên sức hấp dẫn cho các cổ phiếu này.

Những cổ phiếu đón được dòng vốn từ khối ngoại khác có câu chuyện riêng, tách biệt ra khỏi đà tăng giá của thị trường chung.

Giữa tháng 6, thương vụ Kohlberg Kravis Roberts (KKR) chi 650 triệu USD mua 6% cổ phần tại Vinhomes (HOSE: VHM) cho thấy sự quan tâm của ông lớn nước ngoài đối với lĩnh vực bất động sản tại một quốc gia đang phát triển, bất chấp nhà đất là khu vực bị ảnh hưởng tiêu cực trong hơn hai năm qua - rất lâu trước khi Covid-19 xuất hiện - bởi các vấn đề pháp lý. Nếu không tính đến thương vụ này, giá trị bán ròng của khối ngoại tại Việt Nam thậm chí đã vượt quá 1 tỷ USD trong năm 2020.

Ở quy mô tầm trung, CTCP Thế Giới Số (HOSE: DGW) gây ấn tượng mạnh khi sở hữu mã cổ phiếu tăng mạnh thứ hai sàn HOSE trong năm, tính đến hết phiên sáng 10/12, với mức tăng trên 235%. DGW là câu chuyện điển hình về sự ưa thích của thị trường dành cho các công ty vẫn tăng trưởng mạnh giữa mùa dịch, nhờ nhu cầu sản phẩm laptop được thúc đẩy khi người dân tăng cường các giao tiếp trực tuyến và mảng điện thoại thành công với các thương hiệu Xiaomi, Apple. Lũy kế đến ngày 10/12, nhà đầu tư nước ngoài đã nâng sở hữu tại DGW từ 16.8% lên mức 28.6%, trong đó có phần của cổ đông lớn mới đến từ Phần Lan - Evli Emerging Frontier Fund.

Khối ngoại cũng dành sự chú ý đến những công ty có vị thế tốt để trở thành người hưởng lợi chính của các xu hướng kinh doanh hấp dẫn, như thương mại điện tử và bất động sản khu công nghiệp.

Viettel Post (UPCoM: VTP) thuộc số ít doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh trong năm 2020. Sau 9 tháng, hãng chuyển phát có thị phần đứng thứ hai tại Việt Nam đạt doanh thu thuần gần 11.7 ngàn tỷ đồng và lãi ròng 307 tỷ đồng, tăng trưởng 130% và 15% so với cùng kỳ. Công ty từng lọt vào nhóm các khoản đầu tư lớn nhất của quỹ Vietnam Holding. Tháng 11 vừa qua, phiên đấu giá gần 5 triệu cp VTP cũng thành công với gần 77% lượng cổ phần được mua bởi các nhà đầu tư ngoại quốc.

Trong khi đó, VinaCapital bắt sóng với Cao su Phước Hòa (HOSE: PHR) - ông lớn ngành cao su đang trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh doanh sang mảng bất động sản khu công nghiệp nhờ quỹ đất lớn tại Bình Dương. Ngoài ra, Quỹ cũng nâng sở hữu tại KIDO (HOSE: KDC) khi Tập đoàn này trở lại ngành bánh kẹo sau 5 năm vắng bóng.

Hai doanh nghiệp dầu khí là Petrolimex (HOSE: PLX) và PV Gas D (HOSE: PGD) cũng nằm trong nhóm cổ phiếu được khối ngoại mua ròng. Trong đó, PGD nổi bật khi có phiên giao dịch thỏa thuận ngàn tỷ vào ngày 10/01, với bên mua là hãng gas đến từ Nhật Bản - Saibu Gas Co Ltd.

MUA RÒNG

20 cổ phiếu được khối ngoại ưa thích nhất trong năm 2020 (tính đến 09/12)

Đvt: Triệu đồng

Những cổ phiếu ‘miễn nhiễm’ làn sóng bán ròng của khối ngoại
Nguồn: VietstockFinance.

Trái với làn sóng bán ròng xuyên suốt năm 2020 của khối ngoại nói chung, các quỹ nước ngoài quen thuộc với thị trường chứng khoán Việt Nam đều thể hiện sự tin tưởng của họ vào các doanh nghiệp nội địa. Trải qua nhiều giao dịch tái cơ cấu danh mục nhưng VEIL - Dragon Capital, VOF – VinaCapital hay Vietnam Holding,… vẫn kiên trì nắm giữ cổ phiếu.

Với VOF - VinaCapital, quỹ này đã dần chuyển dịch nguồn vốn từ các khoản đầu tư vốn cổ phần tư nhân sang rót vào cổ phiếu giao dịch trên sàn chứng khoán kể từ tháng 4 năm nay. Trong khi đó, PYN Elite Fund liên tục bày tỏ sự kiên định với mốc mục tiêu 1,800 điểm cho chỉ số chính của thị trường - VN-Index.

Chia sẻ với CNBC vào cuối tháng 11, người đứng đầu Bộ phận nghiên cứu cổ phiếu châu Á ngoài Nhật Bản của JPMorgan - ông James Sullivan cho rằng nhà đầu tư đang đánh giá thấp tất cả các thị trường chứng khoán Đông Nam Á. Khu vực này sẽ “thú vị đây… nếu so sánh thực tế với quan điểm nhận thức hiện tại (của số đông nhà đầu tư khác)”.

“Chúng tôi nhìn thấy… những cơ hội lớn trong trung hạn, đặc biệt là tại Đông Nam Á”, ông Sullivan nói thêm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả