Những cổ phiếu chia tay sàn chứng khoán năm Nhâm Dần
Khi không còn phù hợp với dòng chảy phát triển của thị trường chứng khoán, những cổ phiếu kém chất lượng bị đào thải là điều tất yếu, giúp hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư.
Trong khi nhiều doanh nghiệp háo hức được lên sàn để có được những lợi ích như cải thiện tính thanh khoản cho cổ phiếu, huy động vốn nhằm mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng cường quảng bá thương hiệu, tăng hiệu quả quản trị nhờ minh bạch hóa… thì không ít cổ phiếu đã nhận được “tấm thẻ thông hành” lại bộc lộ những yếu kém, để rồi bị tụt lại phía sau và “rơi rụng” khỏi sàn chứng khoán.
Hủy niêm yết vì gian lận, không minh bạch
Trong năm qua, 18 mã cổ phiếu đã bị hủy niêm yết bắt buộc trên sàn HOSE và HNX. Trong đó, HOSE hủy niêm yết bắt buộc 8 mã cổ phiếu và 10 mã phải rời sàn HNX.
Gương mặt nổi cộm trong án hủy niêm yết bắt buộc vì gian lận là cổ phiếu ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros. Theo đó, 567.6 triệu cp ROS đã bị hủy niêm yết từ ngày 05/09/2022. Lý do là ROS vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác mà Sở Giao dịch Chứng khoán hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
Vào thời điểm đó, cổ phiếu ROS gây rúng động thị trường chứng khoán khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, vào ngày 25/08, thi hành các quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với ông Trịnh Văn Quyết và các cá nhân có liên quan về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại CTCP Xây dựng FLC Faros và các công ty có liên quan.
Theo cơ quan điều tra, ông Trịnh Văn Quyết đã làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống của FLC Faros (HOSE: ROS) giai đoạn 2014 - 2016 từ 1.5 tỷ đồng lên 4,300 tỷ đồng, tương ứng với 430 triệu cổ phần. Sau đó, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC đã chỉ đạo em gái bán toàn bộ cổ phiếu ROS, thu được hơn 6,400 tỷ đồng và rút tiền mặt để chiếm đoạt.
Thực tế, các đơn vị kiểm toán từng nhiều lần có ý kiến nhấn mạnh và lưu ý về những con số bất thường trên BCTC kiểm toán của ROS ở giai đoạn này.
Sau khi niêm yết lên sàn HOSE phiên 01/09/2016, ROS gây chú ý khi tăng trần 12 phiên liên tục. Cổ phiếu này sau đó đạt đỉnh ở mức giá gần 209,700 đồng/cp (giá điều chỉnh là 174,740 đồng/cp) trong phiên 30/10/2017 và trở thành mã có thị giá cao nhất thị trường chứng khoán khi đó.
Tuy nhiên, “cây kim trong bọc có ngày lòi ra”, sang năm 2018, ROS bước vào chu kỳ giảm mạnh. Chốt phiên 28/12/2018, thị giá ROS là 38,700 đồng/cp, giảm 81.5% so với mức đỉnh. Đến phiên 31/08/2022, giá ROS rơi về mức “trà đá” 2,510 đồng/cp.
Các cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc trong năm qua phần lớn đều do kiểm toán có ý kiến ngoại trừ đối với BCTC 3 năm liên tiếp (2019, 2020, 2021) như PXS, C92, APP, VIE, HPM, PDC, SD2, TST và PHP.
Ý kiến ngoại trừ phản ánh việc kiểm toán viên không thể đưa ra một ý kiến kiểm toán không đủ tiêu chuẩn hoặc không rõ ràng. Một ý kiến ngoại trừ là một tín hiệu mạnh mẽ cho các nhà đầu tư rằng các phương pháp kế toán tài chính của một công ty cần được cải tiến và không nhất thiết phải hoàn toàn đáng tin cậy. Một ý kiến ngoại trừ không giống như một ý kiến bất lợi - là một báo cáo cảnh báo nghiêm khắc hơn, chứa nhiều ngoại lệ và cảnh báo.
Sau khi bị hủy niêm yết bắt buộc trên HOSE, HNX, doanh nghiệp sẽ được tự động giao dịch trên UPCoM để duy trì thanh khoản cho cổ phiếu. Tuy nhiên, trong trường hợp doanh nghiệp chưa thể khắc phục nguyên nhân dẫn đến hủy niêm yết, cổ phiếu chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần.
Có thể thấy, quy định hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu không đạt yêu cầu của sàn niêm yết là cơ chế tạo ra những hàng hóa chất lượng hơn trên thị trường chứng khoán, qua đó hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư. Trong đa số trường hợp, nhà đầu tư đều được khuyến nghị không nên mua cổ phiếu của những doanh nghiệp sắp bị hủy niêm yết.
Trên thực tế, hủy niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã trở thành một hiện tượng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư và các cơ quan quản lý. Thông tin về hủy niêm yết tác động không nhỏ đến giá cổ phiếu cũng như tâm lý của nhà đầu tư.
Khi các công ty công bố thông tin huỷ niêm yết, đa phần giá của các cổ phiếu đều biến động theo chiều giảm trong các phiên giao dịch kể từ sau thời điểm xuất hiện thông tin hủy niêm yết. Hơn thế nữa, rất nhiều cổ phiếu có biên độ giảm sàn nhiều phiên liên tiếp, nghĩa là thông tin hủy niêm yết đã tác động lớn đến giá cổ phiếu theo chiều hướng giảm.
Tuy vậy, vẫn có một số không nhỏ các cổ phiếu có biến động giá phức tạp trong giai đoạn này, thậm chí còn có những cổ phiếu tăng giá. Lý giải cho các trường hợp này có thể đến từ chính thông tin hủy niêm yết. Trong một số trường hợp, thông tin hủy niêm yết sẽ đi kèm với các thông tin sáp nhập hoặc tái cơ cấu công ty và các thông tin này đôi khi lại là tin tốt với nhà đầu tư.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận