Những “bàn tay vàng” giúp doanh nghiệp cao su lãi lớn
Để hạ giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận, ngành cao su cần những vườn cây xanh tốt và những “bàn tay vàng” cạo mủ năng suất cao
Ngày 14-7, tại Nông trường Bình Lộc (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) diễn ra Hội thi "Bàn tay vàng thu hoạch mủ cao su năm 2022" do Tổng Công ty Cao su Đồng Nai (Donaruco, thành viên Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam - VRG) tổ chức.
Hội thi có 12 đội thi gồm 72 thí sinh dự thi đến từ các nông trường và công ty thành viên Donaruco. Đáng chú ý, lần đầu tiên cuộc thi có thí sinh người nước ngoài (Campuchia) đến từ Công ty CP Cao su Đồng Nai-Kratie tham gia và có đến 19 thí sinh đồng bào dân tộc thiểu số.
Kết quả, có 9 cá nhân đạt điểm tuyệt đối 100/100, được coi là những "bàn tay vàng" thu hoạch mủ cao su, trong đó có 1 người Campuchia.
Giải nhất cuộc thi thuộc về công nhân Đặng Đình Bình thuộc Nông trường Cẩm Đường.
Theo ông Đỗ Minh Tuấn, Tổng Giám đốc Donaruco, đặc điểm của ngành cao su là chi phí lao động chiếm đến 60% giá thành sản phẩm. Để đạt mục tiêu hạ giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp nhưng vẫn tăng thu nhập cho người lao động chỉ có cách tăng năng suất lao động cùng với việc chăm sóc tốt vườn cao su để gia tăng sản lượng khai thác. Do đó, các hoạt động huấn luyện, rèn luyện tay nghề được diễn ra thường xuyên và hội thi "bàn tay vàng" nhằm tôn vinh những công nhân cạo mủ cao su xuất sắc.
"Với các giải pháp tổng thể, năng suất lao động tại Donaruco 6 năm trước còn ở mức 9,5 tấn mủ/người/năm tăng lên 11,2 tấn mủ/người/năm vào năm ngoái và dự kiến năm nay sẽ đạt 12 tấn mủ/người/năm" – ông Đỗ Minh Tuấn dẫn chứng.
Được biết, thu nhập bình quân của công nhân Donaruco năm 2021 là 11,4 triệu đồng/tháng, dự kiến năm 2022 đạt 12,5 triệu đồng/tháng, tăng 10% cao hơn bình quân thu nhập công nhân trong khu vực.
Về kết quả sản xuất, kinh doanh 6 tháng đầu năm, ông Đỗ Minh Tuấn thông tin đã vượt kế hoạch, dự kiến cả năm doanh thu của Donaruco đạt 2.200- 2.300 tỉ đồng, đạt lợi nhuận khoảng 400 tỉ đồng (tăng 100 tỉ đồng so với kế hoạch được giao).
Phát biểu tại Hội thi, ông Lê Thanh Tú, Phó Tổng giám đốc VRG, nhấn mạnh phong trào luyện tay nghề, thi thợ giỏi là một trong những hoạt động quan trọng để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của VRG.
"Trong bối cảnh lao động ngành cao su bị cạnh tranh bởi những lĩnh vực khác như hiện nay thì việc tăng năng suất lao động, tăng thu nhập cho người lao động là chiến lược dài hạn, sống còn. Với công nhân công nghiệp có thể tăng năng suất lao động bằng máy móc, thiết bị, tăng giờ làm nhưng trong lĩnh vực nông nghiệp thì hoàn toàn khác. Do đó, công tác tổ chức quản lý, khai thác vườn cây và nâng cao tay nghề lao động cực kỳ quan trọng giúp gia tăng thu nhập cho người lao động, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp." – ông Lê Thanh Tú phân tích.
Tin, ảnh: Ngọc Ánh
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận