menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Quang Sang

Những ai đã mua nhà ở xã hội?

Nhiều người không thuộc nhóm thu nhập thấp hoặc đã có nhà vẫn có thể mua được căn hộ xã hội.

Chị Trang, 39 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội làm thủ tục mua nhà ở xã hội nhưng hai vợ chồng chị lại không nằm trong nhóm "thu nhập thấp" theo quy định. Với mức thu nhập trên 11 triệu đồng, cả hai đều nằm trong nằm trong nhóm nộp thuế thu nhập cá nhân hàng năm. Để đủ điều kiện là "người có thu nhập thấp", vợ chồng chị về quê, xin thêm xác nhận người phụ thuộc là bố, mẹ để giảm trừ gia cảnh. Nhờ đó, chị Trang có đủ điều kiện để nộp hồ sơ đăng ký và mua được một căn nhà ở xã hội tại Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm. Những trường hợp "lách" như chị Trang không hiếm.

Cũng có không ít "người thu nhập thấp" đã đăng ký mua nhà ở xã hội nhưng không phải dùng để ở. Ông Tùng, một lái xe tự do 45 tuổi tại TP HCM, năm 2015 đã nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội khi vừa giữ chỗ ở một dự án nhà thương mại đang mở bán. Sau khi mua xong nhà ở xã hội, ông mới ký hợp đồng căn nhà còn lại, diện tích hơn 70 m2 với giá 1,8 tỷ đồng. Đến năm 2018, ông nhận hai căn nhà. Tuy nhiên, ông bán nhà ở xã hội cho một người quen và thu về chênh gần 500 triệu đồng, dù chưa sang tên được do chưa đủ 5 năm sử dụng.

Những ai đã mua nhà ở xã hội?
Người dân xếp hàng mua nhà ở xã hội tại dự án NHS Trung Văn (Hà Nội) hôm 11/4. Ảnh: Việt An

Khái niệm "nhà ở xã hội" xuất hiện lần đầu tiên ở Việt Nam trong Luật Nhà ở 2005, với định hướng là mô hình nhà ở cho các đối tượng có khó khăn, thu nhập thấp tại thành thị và nông thôn. Được đánh giá là phân khúc đáp ứng khoảng 65% nhu cầu của người mua nhà (theo Bộ Xây dựng), song câu hỏi nhà ở xã hội sẽ được bán cho ai, đã đúng đối tượng chưa luôn là vấn đề được quan tâm nhất.

Theo quy định, đối tượng mua nhà ở xã hội chủ yếu thuộc ba nhóm: gia đình chính sách, người lao động tại khu công nghiệp và người thu nhập thấp tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, nếu như nhóm đầu tiên và thứ hai các tiêu chí khá rõ ràng, việc xác định nhóm người mua thứ ba gây nhiều tranh cãi bởi đây là nhóm có nhu cầu đông đảo nhất.

Để mua một căn nhà ở xã hội tại các thành phố lớn, người thu nhập thấp cần có hàng chục loại giấy tờ xác nhận theo yêu cầu của đơn vị xét duyệt hồ sơ. Trong đó, hai điều kiện quan trọng và nhiều vướng mắc nhất là xác nhận chưa có nhà ở thuộc sở hữu riêng và nằm trong nhóm không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên. Tuy nhiên, không phải ai đáp ứng hết các điều kiện này cũng mua được nhà xã hội.

Dự án khu nhà dành cho người có thu nhập thấp đầu tiên của cả nước được mở bán nằm trên đường Ngô Thì Nhậm, Hà Đông, Hà Nội công bố nhận hồ sơ từ cuối tháng 4/2011. Dự án có 864 căn hộ nhưng với hơn 3.000 hồ sơ đăng ký mua, chủ đầu tư phải tổ chức chấm điểm hồ sơ trước khi bốc thăm quyền mua và vị trí căn hộ. Ở một tòa nhà khác mở bán sau đó trong dự án này, số hồ sơ cũng lên tới hơn 3.000, trong khi chỉ có vài trăm căn.

Đến nay, sau hơn một thập kỷ, tình trạng cầu vượt cung trong phân khúc nhà ở xã hội vẫn tiếp diễn. Tại NHS Trung Văn - dự án nhà ở xã hội mở bán sớm nhất trong năm nay, liên tục ghi nhận tình trạng quá tải người đăng ký mua. Người dân đã phải thức xuyên đêm "ghi danh".

Những ai đã mua nhà ở xã hội?
Dự án nhà ở xã hội Rice City Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: Vũ Luân

Trong khi đó, những người không đáp ứng điều kiện lại trở thành cư dân dự án nhà ở xã hội.

Sau khi dự án CT1 Ngô Thì Nhậm được mở bán ít lâu, Công an TP Hà Nội phát hiện một cư dân đã có nhà nhưng vẫn xin được xác nhận không có nhà ở và mua được một căn hộ. Thậm chí, sau khi mua xong, cư dân này còn bán căn hộ cho một người khác với giá cao gần gấp hai lần giá mua trước đó.

Tại dự án chung cư An Trung 2 (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), năm 2012, cơ quan quản lý cũng chỉ ra tình trạng, nhiều hồ sơ không đúng đối tượng được mua nhà. Trong đó, nhiều người đã có nhà ở, thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân nhưng vẫn kê khai không trung thực để được mua nhà ở xã hội. Một báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2020 của Kiểm toán Nhà nước cũng từng chỉ ra tại 5 dự án ở TP HCM có hàng trăm trường hợp người được mua, thuê nhà ở xã hội đã có nhà ở.

Hay ở một số dự án chung cư cho người thu nhập thấp ở Bắc Ninh, trong một báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh năm ngoái cũng chỉ ra tình trạng bán nhà không đúng đối tượng. Ngay cả tại một thị trường ít khi xảy ra tình trạng sốt đất như Đắk Nông, chỉ có 7/73 người mua nhà ở xã hội ở khu Sùng Đức, phường Nghĩa Tân, TP Gia Nghĩa là đúng đối tượng. Thậm chí, một số căn được bán cho cán bộ cấp sở, ngành địa phương.

Việc người mua nhà xã hội có thực sự là người có thu nhập thấp hay không cũng được đặt ra tại thị trường Hà Nội, khi một số báo cáo cho thấy nhiều người mua không phải để ở hoặc cải tạo thành những căn hộ cao cấp. Sở Xây dựng Hà Nội năm ngoái cho biết, có cư dân mua hai căn hộ xã hội tại dự án số 30 Phạm Văn Đồng, Mai Dịch, Cầu Giấy để đập thông, mở rộng diện tích. Ở nhiều dự án, chủ sở hữu không sinh sống tại căn nhà xã hội đã mua, mà bán, cho thuê lại như: dự án nhà ở xã hội tại ngõ 622 phố Minh Khai (57 trường hợp vi phạm), khu đô thị Quốc Oai (65 trường hợp), Ecohome 1 và 2 (lần lượt 200 và 158 trường hợp).

Hơn một thập kỷ qua, nhà ở xã hội trở thành một trong những phân khúc có mức giá chênh cao bậc nhất thị trường căn hộ, dẫn đến tình trạng nhiều người dù không có nhu cầu sử dụng vẫn nộp hồ sơ dưới dạng thu nhập thấp để có thể mua được nhà. Nhiều dự án nhà xã hội vừa có thông tin sắp được mở bán lập tức có thông tin rao với giá chênh lên tới nửa tỷ đồng như dự án ở Đại Kim, Linh Đàm (Hoàng Mai), Nguyễn Huy Tưởng (Thanh Xuân), Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm)...

Về câu hỏi đối tượng mua nhà ở xã hội đã đúng hay chưa, lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng nhiều lần nhận được chất vấn từ các đại biểu, cử tri. Cuối năm 2022, khi trả lời cử tri TP HCM, Bộ Xây dựng thừa nhận có tình trạng nhà ở xã hội được bán chưa đúng đối tượng.

Với những vấn đề liên quan đến sai phạm trong mua bán nhà ở xã hội, trong cuộc họp thường kỳ quý I, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng nói trong năm 2023 sẽ kiểm tra đặc biệt các vấn đề bán sai đối tượng, chênh giá.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Yêu thích
1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại