Những ai đã mua hơn 226 triệu cổ phiếu “ế” của EVN Finance?
Hàng loạt lãnh đạo của EVN Finance mới đây đã có báo cáo về việc giao dịch cổ phiếu ESOP, thời gian thực hiện giao dịch vào ngày 5/12.
34 nhà đầu tư mua 226,7 triệu cổ phiếu còn dư của EVN Finance
Mới đây, Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVN Finance, mã chứng khoán: EVF, sàn HoSE) cho biết, công ty đã chào bán thành công gần 226,7 triệu cổ phiếu dư trong đợt phát hành 351,1 triệu cổ phiếu vừa qua.
Theo đó, EVN Finance đã phát hành gần 124,4 triệu cổ phiếu, tức 35,43% trong tổng số chào bán 351,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1 với giá 11.000 đồng/cổ phiếu trong tháng 10/2023. Số tiền thu về là hơn 1.368 tỷ đồng.
Gần 226,7 triệu cổ phiếu còn dư sau đó tiếp tục được chào bán cho 34 nhà đầu tư trong tháng 11/2023 với giá 11.000 đồng/cổ phiếu.
Theo công bố từ EVNFinance, nhóm nhà đầu tư liên quan gồm bà Nguyễn Thị Định cùng con Nguyễn Ngọc Thủy Anh và Nguyễn Khắc Hùng đã chi tổng cộng hơn 186 tỷ đồng để mua 5,97 triệu cổ phiếu theo quyền và 11 triệu cổ phiếu dư (các cổ đông hiện hữu khác không mua).
Nhà đầu tư Nguyễn Văn Cảnh chi 191 tỷ để mua 17,36 triệu cổ phiếu (3,36 triệu theo quyền và 14 triệu dư).
Nhà đầu tư Nguyễn Trung Kiên cùng công ty có liên quan – Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Hòa An (ông Kiên làm Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật) chi 225 tỷ đồng để mua 20,4 triệu cổ phiếu.
Nhiều nhà đầu tư khác đã giúp EVNFinance hoàn thành đợt tăng vốn như Nguyễn Thanh Quế, Hồ Ngọc Tú, Hoàng Minh Ngọc, Nguyễn Thị Minh Lan, Nguyễn Trung Thành, Lâm Nguyễn Thiện Nhơn, Đào Lê Huy…
Xét về tổ chức, Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán An Bình đã mua 10,8 triệu cổ phiếu dư do cổ đông hiện hữu không thực hiện quyền, Công ty cổ phần Quản lý quỹ HD mua 14,7 triệu đơn vị, Công ty cổ phần Công nghệ Hietek mua 12 triệu.
Như vậy, sau cả 2 đợt chào bán, EVF thu về gần 3.862 tỷ đồng. Công ty dự kiến dùng phần lớn số tiền để tăng trưởng quy mô dịch vụ tài chính có ứng dụng công nghệ số (3.562 tỷ đồng), còn lại 300 tỷ đồng để tăng trưởng quy mô dịch vụ tài chính cho ngành năng lượng. Tiến độ sử dụng vốn dự kiến từ quý II đến quý IV/2023.
EVN Finance đang kinh doanh ra sao?
EVN Finance thành lập ngày tháng 7/2008, trụ sở tháp B, tòa nhà EVN, số 11 Cửa Bắc, quận Ba Đình, Hà Nội. Công ty được thành lập với mục tiêu thu xếp vốn, quản trị vốn cho các dự án điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam và đơn vị thành viên, đồng thời cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính cho các đơn vị trong ngành điện và các thành phần kinh tế khác.
Về tình hình kinh doanh, trong 9 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần ghi nhận giảm 43% xuống 404 tỷ đồng nhưng lãi hoạt động dịch vụ tăng từ 15 tỷ lệ 37,5 tỷ đồng và mua bán chứng khoán chuyển lỗ 37 tỷ thành lãi 326 tỷ đồng. Đồng thời, thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần tăng từ 11 tỷ lên 102 tỷ đồng. Chi phí hoạt động giảm 33% xuống 215 tỷ đồng. Nhờ đó, lãi ròng tăng 13% lên 275 tỷ đồng.
Công ty có vốn chủ sở hữu tại ngày 30/9/2023 là 4.520 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 9,3 lần, tương ứng Công ty có khoản nợ phải trả khoảng 42.260 tỷ đồng.
Về trái phiếu, theo HNX, Công ty đang lưu hành lô trái phiếu EVFH2232001, phát hành ngày 8/07/2022, đáo hạn ngày 8/07/2032, kỳ hạn 10 năm. Trị giá lô trái phiếu là 1.725 tỷ đồng với lãi suất phát hành 6,7%/năm.
Bên cạnh đó, lô trái phiếu EVFH2224002 phát hành ngày 12/9/2022, đáo hạn ngày 12/09/2024, kỳ hạn 2 năm. Giá trị phát hành 100 tỷ đồng với lãi suất 7,2%/năm.
Trên thị trường chứng khoán, EVF là cổ phiếu gây chú ý với đà tăng mạnh trong tháng 11/2023. Tại thời điểm ngày 1/11, cổ phiếu EVF giao dịch ở mức giá thấp nhất 10.350 đồng /cổ phiếu, đến ngày 1/12 có lúc EVF đạt 17.400 đồng/cổ phiếu, tăng 68.1% sau tròn 1 tháng giao dịch. Khối lượng giao dịch trong tháng 11 là 159,6 triệu cổ phiếu, gấp 9 lần tháng liền kề và gấp 8 lần trung bình 20 tháng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận