Nhựa Tiền Phong: Những mũi nhọn đột phá nửa cuối năm 2020
Dù kết quả kinh doanh của Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong 6 tháng đầu năm 2020 chưa đạt như kỳ vọng nhưng dự báo 6 tháng cuối năm sẽ mang đến nhiều hứa hẹn.
Lợi nhuận nửa đầu năm giảm 10%
Theo Báo cáo tài chính bán niên 2020 của Nhựa Tiền Phong đã được kiểm toán bởi KPMG, doanh thu bán hàng thuần của công ty đạt 2.155 tỷ đồng, giảm 13,4% so với 6 tháng đầu năm 2019. Lợi nhuận gộp của Nhựa Tiền Phong trong nửa đầu năm chỉ đạt hơn 697 tỷ đồng, giảm 10%.
Lý giải nguyên nhân về giảm doanh thu trong nửa đầu năm 2020, ông Chu Văn Phương -Tổng Giám đốc Nhựa Tiền Phong chia sẻ với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp: Doanh thu giảm do những tác động của đại dịch Covid-19 với những diễn biến bất thường trong nước, khiến cho nhiều khách hàng lớn của Nhựa Tiền Phong phải điều chỉnh tiến độ hoạt động đầu tư, kinh doanh, xây dựng. Giá nhựa nguyên liệu đầu vào giảm nên giá vốn bán hàng của công ty giảm đến 14,9%. Trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Trên thực tế, dù doanh thu có giảm nhưng lợi nhuận của Nhựa Tiền Phong trong cả hai quý nửa đầu năm đều có chiều hướng tăng. Việc trích lập quỹ dự phòng phải thu theo kiến nghị của KPMG là để bảo toàn nguồn vốn và lợi nhuận cho doanh nghiệp. Khi các khoản nợ được thu hồi thì các khoản dự phòng dành cho nợ khó đòi này sẽ được chuyển thành lợi nhuận của doanh nghiệp, lúc đó lợi nhuận của Nhựa Tiền Phong sẽ có sự tăng trưởng mạnh.
Đẩy mạnh thu hồi nợ khó đòi
Tính đến ngày 30/6/2020, tổng tài sản của Nhựa Tiền Phong đạt 4.410 tỷ đồng, giảm 3% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn là hàng tồn kho với 1.177 tỷ đồng, tương ứng 26% tổng tài sản.
Tổng Giám đốc Chu Văn Phương nhấn mạnh, Nhựa Tiền Phong đang cùng với các Trung tâm phân phối theo dõi sát sao các khoản nợ khó đòi và cùng lên kế hoạch thu hồi với lộ trình cụ thể. Trong các Trung tâm phân phối, Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Minh Hải (gọi tắt là Công ty Minh Hải) hiện đang là đơn vị phân phối có khoản nợ phải thu hồi tính đến cuối quý II/2020 lớn nhất, các đơn vị còn lại là 334,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây là Trung tâm phân phối có nhiều khách hàng là các dự án lớn, nên tiến độ thanh toán không thể nhanh như các khách hàng bán lẻ. Hơn nữa, do ảnh của Covid diễn ra từ đầu năm 2020, nên nhiều đối tác bị ảnh hưởng kinh doanh cũng đã xin giãn tiến độ thanh toán.
Công ty Minh Hải cũng là đơn vị có thành viên quản lý chủ chốt là Chủ tịch HĐQT đương nhiệm của công ty. Để đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động quản trị của công ty, sau khi ông Đặng Quốc Dũng trở thành Chủ tịch HĐQT của Nhựa Tiền Phong từ tháng 4/2019, Nhựa Tiền Phong và Minh Hải đã thống nhất và chính thức chấm dứt hợp đồng phân phối từ ngày 01/01/2020. Kể từ ngày 01/01/2020, Minh Hải đã không phát sinh thêm nợ mới. “Hiện tất cả công nợ của khách hàng, không riêng gì Minh Hải mà còn ở các đơn vị khác, đều được Nhựa Tiền Phong kiểm soát. Trong đó, công nợ của Minh Hải ghi nhận vào 31/12/2019 là 482,84 tỷ đồng, đến 30/6/2020 giảm còn 334,48 tỷ đồng và đến 21/8/2020 tiếp tục giảm còn 268,47 tỷ đồng. Dự kiến đến cuối năm 2020, sẽ thu hồi thêm 75 tỷ đồng nữa. Số nợ còn lại là 193,47 tỷ đồng sẽ đảm bảo được thu hồi trong quý I/2021” - ông Chu Văn Phương thông tin.
Những mũi nhọn đột phá nửa cuối năm 2020
“Mũi nhọn” đầu tiên phải kể đến chính là việc cung cấp các sản phẩm nhựa cho ngành thủy sản. EVFTA vừa chính thức có hiệu lực sẽ thúc đẩy mạnh mẽ ngành thủy sản Việt Nam tăng trưởng, là cơ hội lớn cho Nhựa Tiền Phong tăng sản lượng và doanh thu với các sản phẩm nhựa phục vụ cho ngành nuôi trồng thủy hải sản. Đây cũng chính là lúc Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú) cũng như một loạt các công ty thủy sản khác đẩy mạnh kế hoạch nâng cao năng suất và chất lượng tôm xuất khẩu bằng công nghệ cao.
Sau khi ký hợp tác toàn diện với Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú cuối năm 2018, Nhựa Tiền Phong đã cung cấp ống nhựa dẫn nước biển phục vụ nuôi tôm theo mô hình mới. Đến hết năm 2019, Nhựa Tiền Phong mới chỉ đáp ứng được 2,5% trong tổng số nhu cầu để phục vụ cho toàn bộ các dự án chuyển đổi mô hình nuôi tôm công nghệ cao, phục vụ xuất khẩu của Tập đoàn này. Giá trị cung cấp ống cho dự án nuôi tôm bè nổi công nghệ cao tại Vũng Tàu trong năm 2020 đã ghi nhận doanh thu khoảng 50 tỷ đồng cho Nhựa Tiền Phong
Theo ông Lê Văn Quang - Tổng giám đốc Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú, sau dự án tại Vũng Tàu, Thuỷ sản Minh Phú sẽ tiếp tục triển khai dự án nuôi tôm công công nghệ cao bằng ao nổi quy mô rộng 10.000 ha tại Kiên Giang, lớn gấp 30 lần so với dự án tại Vũng Tàu bằng ống cỡ lớn của Nhựa Tiền Phong. Bên cạnh đó, Minh Phú còn hợp tác với Nhựa Tiền Phong trong việc sản xuất ra các sản phẩm nhựa khác để phục vụ cho chuỗi sản xuất tôm.
“ Dịch bệnh Covid đang dần được kiểm soát, Chính phủ và các doanh nghiệp đang hết sức quyết tâm thúc đẩy nền kinh tế phát triển, đồng thời tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đây có lẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, trong đó có Nhựa Tiền Phong, cũng là “mũi nhọn” phát triển tiếp theo của Nhựa Tiền Phong trong thời gian tới - ông Phương khẳng định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận