NHTW châu Âu giữ nguyên lãi suất, đẩy nhanh quá trình thu hẹp bảng cân đối kế toán
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) giữ nguyên lãi suất lần thứ 2 liên tiếp, đồng thời thông báo kế hoạch đẩy nhanh quá trình thu hẹp bảng cân đối kế toán. Đáng chú ý, họ cũng giảm dự báo về tăng trưởng và lạm phát.
Đúng như dự báo, ECB đã giữ nguyên chính sách trong bối cảnh lạm phát khu vực này giảm mạnh. Nhà đầu tư chờ đợi các tín hiệu về thời điểm giảm lãi suất, đồng thời đánh giá kế hoạch thu hẹp bảng cân đối kế toán của ECB.
“Các quyết định của Hội đồng Thống đốc trong tương lai sẽ đảm bảo lãi suất chính sách sẽ ở phạm vi thắt chặt cho đến khi không còn cần thiết”, ECB cho biết.
Đáng chú ý, NHTW thay đổi mô tả về lạm phát trong tuyên bố chính sách, từ “kỳ vọng duy trì ở mức cao trong khoảng thời gian dài” thành “giảm dần dần trong năm tới”.
Theo các dự báo kinh tế vĩ mô mới nhất, GDP thực tăng 0.6% trong năm 2023, từ mức 0.7% trong dự báo trước đó. Họ ước tính GDP tăng 0.8% trong năm 2024, từ mức 1% trước đó. Còn dự báo về tăng trưởng GDP năm 2025 giữ nguyên ở mức 1.5%.
Trong khi đó, lạm phát tổng thể được kỳ vọng ở mức 5.4% trong năm 2023, 2.7% trong năm 2024 và 2.1% trong năm 2025. Trước đó, ECB dự báo lần lượt là 5.6%, 3.2% và 2.1%. ECB cũng đưa ra dự báo lạm phát mới cho năm 2026 là 1.9%.
ECB cảnh báo áp lực giá cả nội địa vẫn còn lớn, chủ yếu là do đà tăng của chi phí lao động. Các thành viên dự báo lạm phát lõi – trừ năng lượng và thực phẩm - ở mức 5% trong năm nay, 2.7% năm 2024, 2.3% năm 2025 và 2.1% năm 2026.
ECB cho biết các điều kiện tài chính thắt chặt hơn đã làm giảm nhu cầu và góp phần giúp kiểm soát lạm phát. Họ nói thêm tăng trưởng sẽ thấp trong ngắn hạn trước khi hồi phục nhờ đà tăng của thu nhập thực và nhu cầu nước ngoài.
Sau quyết định trên, lãi suất chuẩn của ECB duy trì ở mức kỷ lục 4%.
ECB cũng thông báo các khoản tái đầu tư theo chương trình mua khẩn cấp thời dịch bệnh (PEPP) – một kế hoạch mua tài sản tạm thời – sẽ kết thúc vào cuối năm 2024.
Quá trình chuyển dịch sẽ diễn ra dần dần, với danh mục PEPP sẽ giảm 7.5 tỷ Euro (8.19 tỷ USD) mỗi tháng trong nửa đầu năm 2024. Điều này có nghĩa các công cụ của ECB giờ đều trong chế độ thắt chặt. Trước đó, họ đã ngừng tái đầu tư các trái phiếu trong chương trình mua tài sản (APP) – một gói kích thích thông qua mua trái phiếu bắt đầu từ giữa năm 2014.
Lạm phát hạ nhiệt nhanh chóng
Tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurôzne), lạm phát đã hạ nhiệt đáng kể từ mức đỉnh 10.6% trong tháng 10/2022 xuống 2.4% trong tháng 11/2023. Con số này đã rất gần mục tiêu 2% của ECB, nhưng các quan chức cảnh báo áp lực tiền lương và giá năng lượng vẫn có thể tăng trở lại.
Trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt nhanh chóng, nhiều trader kỳ vọng ECB sẽ giảm lãi suất vào năm tới. Một số chuyên viên phân tích kỳ vọng đợt giảm đầu tiên sẽ diễn ra trước mùa hè năm 2024.
Khi được hỏi về thời điểm giảm lãi suất, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết điều này “phụ thuộc vào dữ liệu chứ không phụ thuộc vào thời gian”.
“Rõ ràng, khi nhìn vào triển vọng lạm phát, dự báo lạm phát, chúng tôi thấy lạm phát ở mức 2.1% trong năm 2025. Con đường đi đến đó sẽ khó khăn hơn trước đây”, bà Lagarde chia sẻ. “Nhiều chỉ báo cho thấy lạm phát nền tảng đã giảm xuống dưới mức kỳ vọng, trong đó tất cả thành phần của rổ tính lạm phát đều giảm”.
Bà nói thêm: “Vậy chúng tôi có nên hạ thấp cảnh giác? Không, chúng tôi không nên làm thế”. Vị Chủ tịch ECB đề cập tới rủi ro lạm phát nội địa vẫn còn cao và cần phải đánh giá dữ liệu tiền lương trong mùa xuân.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận