Nhóm thủy sản 'lội ngược dòng', cổ phiếu ANV có 'rộng cửa' tăng?
Trong bối cảnh thị trường chung liên tục có những phiên điều chỉnh mạnh, cổ phiếu thuỷ sản lại “lội ngược dòng” ghi nhận đà tăng mạnh trước kỳ vọng tích cực về triển vọng xuất khẩu các tra những tháng cuối năm nay.
Nhóm cổ phiếu ngành cá tra như cổ phiếu IDI, VHC, ANV… “sáng” nhất phiên 20/9 với với mức tăng 4,2% trong đó ANV tăng trần; CMX và IDI tăng trên 5%; FMC, VHC và ACL tăng từ 2,8 - 3,6%. Sang đến ngày giao dịch 21/9, đà tăng tiếp tục nối dài khi sắc xanh lan toả ngành này. Cùng với sự khởi sắc về giá, thanh khoản tăng lên đáng kể, phản ánh sự quan tâm của nhà đầu tư đến nhóm cổ phiếu này đang tăng lên.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã dẫn đầu đoàn đại biểu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng một số doanh nghiệp thăm và nỗ lực vận động Ủy ban châu Âu (EC) gỡ thẻ vàng hoạt động đánh bắt thủy sản bất hợp pháp. Về phía Ủy ban châu Âu, đơn vị này cũng cho biết sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong phát triển thủy sản bền vững trong đó mong muốn hỗ trợ Việt Nam trở thành một hình mẫu của thế giới trong việc phát triển bền vững ngành thủy sản và chống khai thác IUU.
Động lực thứ 2 cho nhóm thuỷ sản là hoạt động xuất khẩu cá tra của Việt Nam được kỳ vọng sẽ có dấu hiệu phục hồi rõ ràng hơn kể từ quý 3 này khi nhu cầu từ các thị trường trọng điểm như Mỹ và Trung Quốc được dự báo sẽ hồi phục.
Đối với thị trường Mỹ, mức tiêu thụ ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) của nước này nhìn chung ổn định trong nửa đầu năm 2023. Tính đến tháng 7/2023, chỉ số niềm tin người tiêu dùng (CCI) tại Mỹ đã tăng 10% so với thời điểm đầu năm nay. Yếu tố này cùng với thời điểm mùa lễ hội cuối năm sẽ là những tín hiệu tích cực đối với triển vọng tăng trưởng tiêu thụ ngành F&B của Mỹ trong nửa cuối năm nay.
Đáng chú ý, tại các nhà cung cấp/nhà phân phối, tỷ lệ tồn kho trên doanh số bán lẻ F&B của Mỹ đạt 0,78 trong 5 tháng đầu năm 2023 - tương đương mức trung bình giai đoạn 2007 – 2023. So với các giai đoạn khủng hoảng kinh tế trước đây, mức tồn kho này được xem là mức chấp nhận được. Với kỳ vọng mức tiêu thụ trong ngành F&B sẽ tăng lên, hoạt động tích trữ hàng tồn kho sẽ gia tăng theo, từ đó thúc đẩy lượng đơn hàng xuất khẩu trong nửa cuối năm 2023.
Đối với thị trường Trung Quốc, mặc dù nước này đã mở cửa trở lại kể từ tháng 1/2023, các thách thức kinh tế của nước này đã khiến tốc độ phục hồi chi tiêu của người tiêu dùng tại đây giảm tốc kể từ tháng 4/2023. Điều này đã khiến hoạt động xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Trung Quốc trong nửa đầu năm nay yếu hơn kỳ vọng.
Kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong quý 2/2023 đã tăng 7% so với quý 1/2023, ngắt mạch tăng trưởng âm trong 3 quý liên tiếp (kể từ quý 3/2022). Đáng chú ý, sản lượng xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu trong quý 2/2023 lần lượt tăng 39% và 9% so với quý 1/2023; trong khi đó sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 3% so với quý 1/2023.
Mới đây (18/9), Chứng khoán Phú Hưng (PHS) đã đưa ra khuyến nghị Mua cho ANV với mức tăng giá tiềm năng là hơn 22% so với giá đóng cửa 18/9 và cao hơn giá hiện tại là 12%. Cụ thể, bằng phương pháp định giá DCF và EV/EBITDA, PHS ước tính mức giá hợp lý dành cho cổ phiếu ANV là 44.600 đồng/cp.
Điểm nhấn đầu tư:
Vào tháng 4/2023, Aminavico giai đoạn 1 đã được đưa vào chạy thử nghiệm với công suất chế biến 780 tấn/năm. Do còn đang trong giai đoạn thử nghiệm và nhu cầu suy giảm, tỷ lệ công suất hiệu dụng của nhà máy còn thấp ở mức 30%. Khi hoạt động hết công suất, dự án này dự kiến sẽ mang lại doanh thu và lợi nhuận hàng năm lần lượt là 36 triệu USD và 1.5 triệu USD.
Sau đó, Navico và Amicogen sẽ tiếp tục hợp tác triển khai chiến lược giai đoạn 2 và 3, nâng công suất từ 780 lên 1.200 và 2.400 tấn/năm. Dự kiến các sản phẩm C&G sẽ đóng góp vào 10% lợi nhuận của tập đoàn vào năm 2025F.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận