Nhóm GTNFoods thoái lui, chủ mới 'ông trùm' đất vàng Forimex là ai?
Để hiện thực hoá tiềm năng của khối đất đai khổng lồ đang sở hữu, Forimex có chăng cần một nhà đầu tư khác, đủ tiềm lực, quan hệ và có ảnh hưởng lớn ở khu vực TP.HCM.
Dấu ấn GTN
Sau khi lên sàn chứng khoán cuối năm 2014, CTCP Đầu tư và Sản xuất Thống Nhất (mã chứng khoán: GTN, tiền thân của GTNFoods) liên tục gây chao đảo thị trường với loạt thương vụ M&A các doanh nghiệp nhà nước đình đám, phải kể đến mua cổ phần chi phối trong Tổng công ty Chăn nuôi (Vilico) hay Tổng công ty Chè (Vinatea).
Ở phía Nam, sau CTCP Thực phẩm Lâm Đồng (Ladofood), GTN tiếp tục lấn sâu ở TP.HCM với khoản đầu tư lớn vào CTCP Lâm nghiệp Sài Gòn (Forimex).
Ngày 21/12/2015, HĐQT GTN có Nghị quyết thông qua phương án đầu tư giai đoạn I vào Forimex. Theo đó, GTN sẽ mua 4,1 triệu cổ phần, tương đương 35,04% vốn Forimex khi doanh nghiệp nhà nước này tiến hành cổ phần hoá.
Trước đó, ngày 10/11/2015, UBND TP.HCM có Quyết định số 5910/QĐ-UBND do Phó Chủ tịch UBND khi ấy là ông Tất Thành Cang ký, phê duyệt phương án cổ phần hoá Forimex. Cụ thể, Nhà nước thông qua Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) giữ lại 26%, bán ưu đãi cho người lao động 3,9%, đấu giá công khai 35,06% và bán cho nhà đầu tư chiến lược 35,04%.
Về lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, UBND TP.HCM ngày 14/10/2015 có Công văn số 6231/UBND-CNN cũng do Phó Chủ tịch Tất Thành Cang ký, đưa ra những tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư chiến lược của Forimex. Trên cơ sở đó, nhà đầu tư chiến lược được lựa chọn khi cổ phần hoá Forimex là GTN.
Giá bán cổ phần cho GTN là 10.103 đồng/CP Forimex, tương đương giá trúng bình quân trong phiên IPO ngày 17/12/2015. Trong phiên IPO đó, 3 tổ chức và 6 cá nhân đã mua trọn 35,06% cổ phần Forimex.
Danh sách nhà đầu tư không được công bố. Biết rằng tới cuối năm 2016, ngoại trừ GTN và Sagri, ba cổ đông lớn khác của Forimex là CTCP Chứng khoán IB (8,4%), CTCP Quản lý Quỹ IB (8,4%) và bà Bùi Thị Thanh (4,9%).
Nhóm IB thời gian này thuộc sở hữu của doanh nhân 8x Nguyễn Văn Tuấn. Đương kim Chủ tịch Gelex và Viglacera, Phó Chủ tịch GTN Nghiêm Văn Thắng cùng doanh nhân Nguyễn Trọng Nghĩa được cho là từng có mối quan hệ khá khăng khít, thể hiện qua không ít thương vụ làm ăn, mà Forimex là một trong số đó.
Bởi vậy, không loại trừ khả năng GTN đã thông qua nhóm IB để mua gom cổ phiếu Forimex sau phiên IPO, hay ở một kịch bản khả dĩ hơn: thậm chí chính họ đã trực tiếp tham gia trong phiên đấu giá cuối năm 2015.
Tới cuối năm 2017, bóng dáng chi phối của nhóm GTN tại Forimex càng thêm rõ rệt, với sự xuất hiện của hai nhà đầu tư cá nhân là bà Trịnh Thị Hương (18,1%) và bà Nguyễn Thị Mai Lan (16,8%), cùng với GTN và Sagri nắm tổng cộng 96,3% cổ phần. Cổ đông nhỏ lẻ lúc này chỉ nắm 3,7% cổ phần Forimex.
Cụ thể hơn, bà Nguyễn Thị Mai Lan là mẹ ông Trần Việt Thắng - cựu Trưởng BKS GTN - từng là một mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái doanh nghiệp của ông Nghiêm Văn Thắng. Đôi chút rắc rối hơn, bà Trịnh Thị Hương là vợ ông Lê Chí Nam - Tổng giám đốc CTCP Sản xuất Ứng dụng Công nghệ cao Thái Sơn - nơi cặp đôi Nghiêm Văn Thắng và Nguyễn Trọng Nghĩa là cổ đông sáng lập.
Nhóm GTN coi như chiếm tròn trịa 70% cổ phần Forimex. Sự kiểm soát thể hiện rõ qua việc 4/6 thành viên HĐQT Forimex là người của GTN, gồm ông Nghiêm Văn Thắng, ông Tạ Văn Quyền, ông Trần Việt Thắng, ông Nguyễn Duy Phong; hai thành viên còn lại là đại diện của Sagri gồm bà Nguyễn Thị Tuyết Mai và ông Quang Tường Thuỵ.
Lợi thế đất vàng và sự thoái lui nhanh chóng của nhóm GTN
Như đã đề cập ở phần đầu, Nghị quyết HĐQT cuối năm 2015 của GTN đề cập đầu tư vào Forimex giai đoạn 1 (35%). Bởi vậy nhiều khả năng thương vụ M&A Forimex còn giai đoạn sau, nhất là khi nhóm nhà đầu tư phía Bắc trên thực tế đã chi phối tới 70% cổ phần thành viên Sagri.
Sở hữu Forimex, GTN tiến một bước dài ở thị trường phía Nam với lĩnh vực trồng rừng, nuôi cá sấu, kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên Forimex còn khối tài sản tiềm năng rất lớn khác, đó là đất.
Sau cổ phần hoá, Forimex được quyền quản lý và khai thác kinh doanh 14 khu đất với tổng diện tích hơn 6.500 ha, gồm Tiểu khu 45,48,50 Nông trường Đăk Ơ, Bình Phước rộng 5.475ha (thuê đất đến 2046), Tiểu khu 73, Ấp Bến Cừ, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành, Tây Ninh rộng 1.021ha (thuê đất đến 2032); các khu đất còn lại cũng có lợi thế địa lý như 36.618 m2 tại Cửa Cạn, Phú Quốc; 245.692 m2 trại nuôi cá sấu tại xã Phạm Văn Hai, Bình Chánh; 9.960 m2 trại cá sấu tại 130/2 Kha Vạn Cân, Thủ Đức; 9.294 m2 kho xưởng tại 48 Nam Cao, Quận 9; 4.771 m2 tại số 950 QL1A, Quận Bình Tân, 14.913 m2 xưởng chế biến gỗ tại số 16 QL1A, Quận 12; 442 m2 trụ sở tại số 8 Hoàng Hoa Thám, Quận Bình Thạnh...
Lợi thế đất đai là không nhỏ, song để hiện thực hoá nó, hay nói cụ thể hơn, là có thể chuyển đổi các lô đất sản xuất nêu trên thành đất thương mại, lại là nhiệm vụ không hề đơn giản, nhất là đối với các nhà đầu tư phía Bắc. Trong bối cảnh như vậy, Forimex có chăng sẽ phù hợp hơn nếu về tay một nhà đầu tư đủ tiềm lực, quan hệ và có ảnh hưởng lớn ở khu vực TP.HCM.
Chỉ chưa đầy hai năm sau khi đầu tư, HĐQT GTN đầu tháng 11/2017 có nghị quyết về việc tái cấu trúc Tập đoàn, trong đó có nội dung thoái vốn khỏi Forimex. Dù vậy, phải một năm rưỡi sau, tới tháng 6/2019, việc thoái vốn mới được triển khai, khi 4,1 triệu cổ phần Forimex được bán qua sàn trong hai phiên và thu về 45,6 tỷ đồng.
Trên thực tế, diễn biến đổi chủ về nguyên tắc đã được các nhóm thoả thuận từ trước đó, khi ĐHĐCĐ thường niên cuối tháng 4/2019 đã bầu ra HĐQT nhiệm kỳ 2019-2024 gồm 5 người: Phạm Viết Dương, Lương Thanh Huyền, Trần Minh Thuyết, Trần Đức Hoàng và Nguyễn Công Tuấn.Mức lãi 10% không phải biên lợi nhuận tốt, nếu đặt cạnh chu kỳ đầu tư 3,5 năm. Tất nhiên đây chỉ là mức giá được công khai trên giấy tờ; và bản chất thương vụ chuyển nhượng, mục tiêu cuối cùng có thể không hẳn đã là lợi nhuận.
5 vị này phải là người đại diện cho Sagri cũng như chủ mới của Forimex. Được biết, tân Chủ tịch HĐQT Phạm Viết Dương sinh năm 1964, sinh tại Kiến Xương - Thái Bình; hay đáng chú ý hơn, Thành viên HĐQT Trần Đức Hoàng sinh năm 1984, là Tổng giám đốc CTCP Năng lượng Đông Hải - công ty con 88% vốn của Công ty TNHH MTV Thương mại & Đầu tư Đông Hải - doanh nghiệp còn khá non trẻ, được ông Bùi Mạnh Hùng thành lập tháng 11/2018. Về phần mình, doanh nhân Bùi Mạnh Hùng sinh năm 1988, trường trú tại Tập thể Viện kiểm sát, Quận Ba Đình, Hà Nội là một cái tên ít nhiều thu hút được sự chú ý của giới đầu tư thời gian qua.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận