Nhịp điều chỉnh là cơ hội để nhà đầu tư nâng tỉ trọng cổ phiếu
Chỉ số VN-Index tiếp tục được dự báo thách thức ngưỡng kháng cự 1.200 điểm, sau những lần thất bại ở ngưỡng này.
Kết thúc tuần giao dịch 18-22.1, chỉ số VN-Index giảm 27,42 điểm, tương đương 2,30%, đóng cửa ở mức 1.166,78 điểm. Tuy nhiên, chỉ số chỉ giảm điểm tại 2 trên 5 phiên giao dịch tuần này với 130 mã tăng và 248 mã giảm. VIC, BID và VNM là 3 mã có tác động tiêu cực nhất lên VN-Index. Trong khi đó, NVL, BCM và KBC là 3 mã hỗ trợ tích cực nhất cho chỉ số.
Thanh khoản trên thị trường tiếp tục duy trì ở mức cao. Giá trị giao dịch trung bình đạt hơn 17.100 tỉ đồng/phiên trên sàn HOSE. Và có những phiên giao dịch, hệ thống của HOSE đã báo lỗi ngay từ phiên sáng khi thanh khoản được đẩy lên cao.
Theo dự báo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), thị trường dự báo sẽ chịu áp lực rung lắc điều chỉnh trong một vài phiên đầu tuần và có thể hồi phục tăng điểm về cuối tuần 25-29.1.
VN-Index nhiều khả năng sẽ tiến đến thử thách vùng đỉnh cũ quanh 1.200 điểm trong ngắn hạn. Tuy nhiên, đà hồi phục tăng điểm của thị trường sẽ có thể sẽ chậm lại và đan xen các nhịp điều chỉnh trong quá trình đi lên.
BVSC cho rằng các nhóm cổ phiếu sẽ có sự phân hoá rõ nét hơn theo kết quả kinh doanh quý IV/2020 của các doanh nghiệp niêm yết. Bên cạnh đó, hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư theo các bộ chỉ số VN30, VNFINLEAD… sẽ tạo ra ảnh hưởng rõ nét hơn đến diễn biến thị trường trong tuần cuối tháng 01. Hoạt động này cũng sẽ khiến các cổ phiếu thành phần của các rổ chỉ số có biến động mạnh.
Theo đó, BVSC khuyến nghị nhà đầu tư duy trì tỉ trọng nắm giữ cổ phiếu trong danh mục ở mức 40-60% cổ phiếu. Các nhà đầu tư tiếp tục tận dụng các nhịp điều chỉnh của thị trường để thực hiện các hoạt động giải ngân nâng tỉ trọng.
Bên cạnh kết quả kinh doanh quý IV/2020 của các doanh nghiệp đang được chờ đón, thị trường chứng khoán Việt Nam còn đón nhận thông tin tích cực khi Standard Chartered (Tập đoàn quốc tế, hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng và tài chính) có đánh giá lạc quan về tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021, đạt 7,8%.
Cũng theo Standard Chartered, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn hàng đầu trong khu vực của dòng vốn FDI. Thông tin này đã tác động tích cực đến nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp trong phiên giao dịch cuối tuần 22.1.
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu thép cũng nhận được thông tin tích cực về giá thép. Cụ thể, theo Hiệp hội thép Việt Nam, giá thép toàn cầu đã ở mức cao trong giai đoạn cuối năm 2020 và phần lớn đà tăng có khả năng tiếp tục kéo dài ít nhất đến nửa đầu năm 2021.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), chỉ số VN-Index diễn biến rung lắc trong biên độ hẹp, hình thành mẫu nến doji trung tính. Vùng kháng cự quanh 1.175 điểm đang tạo lực cản cho chỉ số và đây cũng là ngưỡng chặn cần phải vượt qua để xác nhận cơ hội vượt đỉnh rõ ràng hơn cho thị trường. KBSV khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ vị thế trung hạn và có thể tiếp tục duy trì một phần vị thế trading đã mua tại vùng hỗ trợ gần, kỳ vọng vào khả năng vượt cản thành công của VN-Index.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận