Nhịp đập Thị trường 18/10: Kết tuần trong sắc đỏ song khối ngoại lại tiếp tục mua ròng
Kết phiên, chỉ số VN-Index giảm 0.06%, đạt 989.2 điểm. Trong khi đó, chỉ số HNX-Index giảm 0.59 điểm, đạt 105.48 điểm. Độ rộng thị trường kết phiên nghiêng về bên bán với 325 mã tăng, 305 mã giảm.
Diễn biến chỉ số VN-Index ngày càng đi xuống trong nửa cuối phiên chiều, với tác động chủ đạo đến từ nhóm VN30, khi số mã giảm đã đạt tới con số 13. BID, SSI, MSN, CTG là những gương mặt điều chỉnh hơn 1%, còn 9 mã còn lại lùi nhẹ dưới mốc tham chiếu. Điều này đã khiến VN-Index đánh mất mốc tham chiếu và kết phiên trong sắc đỏ. Ở chiều ngược lại, VNM tăng mạnh nhất trong nhóm tại mức 1.1%, đồng thời là trụ chính của VN-Index trong phiên chiều này, theo sau là VHM.
Nhóm ngân hàng kết phiên theo chiều hướng tích cực khi toàn nhóm có 9 mã giảm, 5 mã tăng. Đặc biệt hơn, trong số 9 mã giảm đã có 5 mã giảm hơn 1%, cụ thể là BID, CTG, ACB, SHB, VIB. KLB và NVB là những mã tăng hơn 2%, song NVB là mã nổi bật hơn khi đạt mức thanh khoản tốt hơn. Nhiều khả năng thông tin NVB công bố kết quả kinh doanh quý 3/2019 với lợi nhuận sau thuế tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ đã hỗ trợ đắc lực cho cổ phiếu.
DGW, ANV, NT2, SZC cũng là những mã hưởng lợi từ kết quả kinh doanh quý 3/2019 khởi sắc trong phiên hôm nay, cụ thể là DGW, NT2 tăng hơn 1%, ANV gần 4% và SZC tăng trần. Các mã này đều có điểm chung là thanh khoản vượt trội so với những phiên trước.
Nhóm bất động sản khu công nghiệp là một trong những nhóm nổi bật nhất trên thị trường khi kết phiên với sắc xanh tràn ngập trong nhóm. TIP, SIP, NTC tăng hơn 2%, D2D tăng gần 4%, SZC hiện sắc tím và SNZ bứt phá hơn 11%. Trong khi đó, HPI đã thu hẹp đà giảm còn hơn 8%. Tuy nhiên, diễn biến trong nhóm bất động sản dân dụng lại khá trái ngược khi sắc đỏ chiếm ưu thế trong nhóm. Hàng loạt các mã điều chỉnh hơn 2%, ví dụ như HAR, DRH, LDG, CCL. KOS, KDH là những mã tăng hơn 1%.
Đa phần các nhóm còn lại trên thị trường đều thể hiện sự phân hóa, ví dụ như dệt may, thủy sản, xây dựng.
Chỉ số HNX-Index cả phiên chiều nay luôn chịu sức ép lớn đến từ ACB, VCS, PHP, qua đó khiến chỉ số không thể “ngóc đầu” lên nổi.
Ngành chăm sóc sức khỏe là ngành tăng mạnh nhất thị trường với mức tăng 1.51%. Ngược lại, dịch vụ tư vấn, chứng khoán là ngành giảm mạnh nhất thị trường khi giảm 1.18%.
14h00: Vẫn đang giằng co quanh mốc 990 điểm
Chỉ số VN-Index vẫn đang giao dịch giằng co trong biên độ hẹp. Trong khi đó, chỉ số HNX-Index tiếp tục lùi sâu dưới mốc tham chiếu.
Độ rộng thị trường không có nhiều chênh lệch với 285 mã tăng và 266 mã giảm điểm. Sắc xanh mở rộng trong rổ VN30 khi cả rổ có 20 mã tăng, 7 mã giảm và 3 mã đứng giá.
SAB, VHM và VNM tiếp tục là những trụ chính mang lại sự tích cực cho thị trường khi đóng góp tới hơn 1.5 điểm. Ở phía bên kia chiến tuyến, VIC, BID và CTG là những tác nhân chính kìm hãm đà tăng của chỉ số.
Lực cầu được đẩy mạnh trên SZC đã giúp mã tăng trần trong tình trạng trắng bên bán. Trong khi đó, SNZ cũng từ nhóm bất động sản khu công nghiệp đã tăng hơn 8%, còn NTC, SIP đã thu hẹp đà tăng còn trên 2%. Ở chiều ngược lại, HPI là mã có điều chinh sâu trong nhóm ở mức gần 13%.
Diễn biến của nhóm chứng khoán vẫn không mấy khởi sắc. Chỉ có BSI và SSI xuất hiện sắc xanh với mức tăng lần lượt là 1.5% và 0.2%. Trong khi đó, hầu hết các cổ phiếu khác đều đang giảm điểm, có thể kể đến như VDS và HCM giảm hơn 1%, VND giảm 0.7%.
Nhóm bất động sản hiện đang có sự phân hóa. Mức tăng lớn nhất chỉ nằm ở SDI khi tăng hơn gần 4%, các mã theo sau như KDH, KBC, HDG đều tăng quanh mức 1%. Trong khi đó, các mã khác như DRH, HDC, DXG, SCR,… đều đang chìm trong sắc đỏ.
Diễn biến của chỉ số trên sàn HNX lại khá trái ngược so với sàn HOSE khi HNX-Index nay đã giảm hơn 0.5 điểm, với lý do chính đến từ sức ép của ACB, VCS và PHP.
Sự phân hóa không chỉ xuất hiện tại nhóm bất động sản mà còn xuất tại nhóm ngành ngân hàng, xây dựng, cùng như nhóm tôn thép với số mã tăng, giảm đan xen nhau.
Ngành chăm sóc sức khỏe là ngành tăng mạnh nhất thị trường khi tăng 1.66%. Ngược lại, ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, giải trí là ngành giảm mạnh nhất thị trường khi giảm 0.74%.
Phiên sáng: Khối ngoại đang mua ròng trong phiên sáng
VN-Index kết phiên sáng tăng 0.12%, đạt mức 990.99 điểm; chỉ số HNX-Index giảm 0.1 điểm và đạt mức 105.97 điểm.
Độ rộng thị trường nghiêng về bên mua với 279 mã tăng điểm và 241 mã giảm điểm.
Sau cú bật tăng đầu phiên, chỉ số VN-Index dần giằng co trở lại theo chiều giảm điểm dưới sự tác động lớn đến từ nhóm Large Cap, đặc biệt là từ rổ VN30, bởi sắc xanh trên các mã này thu hẹp dần. Nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp và nhóm họ FLC là hai nhóm sống động nhất trong phiên sáng nay.
Sắc xanh vẫn chiếm ưu thế trong rổ VN30 với 20 mã tăng, 8 mã giảm và 2 mã đứng giá. Tuy nhiên, đa phần sắc xanh đều dươi 1%, chỉ trừ REE. Xét về mặt ảnh hưởng tới VN-Index thì đứng đầu là VNM, VHM, VCB, còn ở chiều ngược lại là VIC, CTG và BID.
HAX tiếp tục tăng trần trong phiên hôm nay và đạt mức thanh khoản cao nhất trong hơn 2 năm qua, với sự tác động đến từ thông tin cổ đông ngoại chào mua cổ phần. Còn nếu xét trên góc độ kỹ thuật, giá đã cho tín hiệu mua trong phiên ngày 02/10/2019, sau khi khoảng trống giá trước đã được lấp đầy.
POW vẫn là điểm nhấn trong nhóm phát điện phiên sáng nay khi tăng gần 2% và đạt thanh khoản tốt, tuy khối ngoại vẫn đang bán ròng mã này. NT2 sau phiên sụt giảm mạnh vào đầu tuần nay cũng đã hồi phục và hiện tăng gần 3%, song đối ngoại cũng có động thái bán ròng. Trong khi đó, GEG, PPC, SJD xuất hiện sắc đỏ.
Nhóm ngân hàng kết phiên sáng với sự phân hóa khi số mã tăng giảm khá cân bằng. KLB bứt phá ấn tượng 5.3%, tuy nhiên thực chất là nhờ vào 30 lô cổ phiếu đã được khớp, còn sắc xanh còn lại trong nhóm đều dưới 1%. CTG và TPB là những mã điều chỉnh hơn 1%.
Diễn biến nhóm chứng khoán khá bi quan trong phiên sáng nay khi đa phần các mã đều hiện sắc đỏ. Ba “ông lớn” trong nhóm có diễn biến trái chiều khi SSI đứng tại mốc tham chiếu, còn VND và HCM lùi nhẹ dưới mốc tham chiếu.
Chăm sóc sức khỏe hiện là ngành tăng mạnh nhất thị trường khi tăng 0.88%. Ngược lại, sản xuất hàng gia dụng hiện là ngành giảm mạnh nhất thị trường khi giảm 0.74%.
Khối ngoại mua ròng hơn 17 tỷ đồng trên sàn HOSE và hơn 1 tỷ đồng trên sàn HNX. Lực mua ròng tập trung ở các cổ phiếu VNM và VCB trên sàn HOSE. TNG hiện là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất trên sàn HNX.
10h30: Cổ phiếu BĐS khu công nghiệp bứt tốc
VN-Index vẫn giữ được sắc xanh hơn 2 điểm khi sự tích cực vẫn bao trùm các mã sàn này, đặc biệt là ở rổ VN30. Trong khi đó, diễn biến HNX-Index lại không mấy khởi sắc khi liên tiếp trồi sụt quanh mốc tham chiếu.
Độ rộng thị trường nghiêng về bên mua với 254 mã tăng và 204 mã giảm điểm. Sắc xanh mở rộng trong rổ VN30 khi cả rổ có 20 mã tăng, 7 mã giảm và 3 mã đứng giá.
SAB, VNM và VHM hiện là những trụ chính củng cố sắc xanh của VN-Index khi cả ba góp hơn 1 điểm vào chỉ số. Theo góc nhìn kỹ thuật, cả ba đều đang cho các tín hiệu tích cực về một sự đảo chiều trong xu hướng ngắn hạn. Ở chiều ngược lại, BID và VIC là những tác nhân chính kìm hãm đà tăng của thị trường.
Sau khi thông tin kết quả kinh doanh quý 3/2019 đầy khởi sắc được công bố, D2D và SZC đã bật tăng mạnh hơn 4% từ đầu phiên. Cụ thể là D2D đạt lãi cao nhất từ trước đến nay ở mức hơn 155 tỷ đồng, còn SZC thì lợi nhuận sau thuế quý 3/2019 đạt hơn 65 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ, với lý do đằng sau mức tăng trưởng ở lợi nhuận của cả hai đều nhờ vào sự tăng trưởng của doanh thu. Các mã khác trong nhóm bất động sản cũng hưởng ké sự tích cực khi bật tăng hơn 3%, điển hình là TIP, SIP, SNZ dù các mã này vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh quý 3/2019. Điều này làm thấp lên kỳ vọng về một con sóng hồi phục ngắn hạn ở nhóm này.
ANV hiện là điểm sáng trong nhóm thủy sản với đà tăng gần 3% cùng mức thanh khoản vượt trội so với những phiên trước. Nhiều khả năng việc công ty tiếp tục có khởi sắc trong kinh doanh khi lãi sau thuế quý 3 tăng trưởng 34% là lý do đằng sau sắc xanh hiện tại của cổ phiếu. Mặt khác, theo góc nhìn kỹ thuật, triển vọng của giá cũng rất khả quan bởi đã phá vỡ kháng cự là đường SMA 200 ngày, qua đó giúp củng cố đà tăng của ANV và hướng mã tới kháng cự tiếp theo là vùng 28,300-29,300. IDI cũng là một điểm nhấn trong nhóm khi tăng lại hơn 1% sau 3 phiên giảm liên tiếp. Mã thân thích với IDI là ASM cũng có diễn biến tương tự với mức tăng gần 2%.
FTM tiếp tục tăng trần trong phiên hôm nay trong tình trạng trắng bên bán, và gần 1.5 triệu cổ phiếu được đặt ở giá trần. Tuy nhiên, thanh khoản của mã này rất thấp cho thấy các nhà đầu tư vẫn chưa “xả hàng” tại mức giá hiện tại, qua đó phát tín hiệu về một chuỗi ngày leo trần trong những phiên sắp tới. FLC cũng có diễn biến tương tự, song chỉ khác ở chỗ thanh khoản khi mã này đã được khớp hơn 10 triệu cổ phiếu, trong khi vẫn còn hơn 3.6 triệu cổ phiếu chưa được khớp. Liệu “đội lái” có đẩy giá rơi trở lại tại vùng kháng cự 4,900-5,900?
Tài chính khác hiện là ngành tăng mạnh nhất thị trường khi tăng 1.37%. Ngược lại, sản phẩm cao su hiện là ngành giảm mạnh nhất thị trường khi giảm 0.6%.
Mở cửa: FLC tiếp tục kịch trần
Chỉ số VN-Index mở phiên với sắc xanh với nhiều lý do, điển hình như tâm lý tích cực của nhà đầu tư từ thông tin về một thỏa thuận giữa Anh với Liên minh châu Âu, lực cầu bắt đáy ở rổ VN30 sau phiên sụt giảm mạnh bất ngờ vào hôm qua, hay như sự tích cực từ kết quả kinh doanh quý 3/2019 thuận lời ở vài cổ phiếu.
Độ rộng thị trường nghiêng về bên mua với 185 mã tăng và 124 mã giảm điểm. Sắc xanh mở rộng trong rổ VN30 khi cả rổ có 14 mã tăng, 9 mã giảm và 6 mã đứng giá.
Cổ phiếu FLC nối dài chuỗi tăng trần lên con số 5 phiên liên tiếp.
VNM, VHM, VCB, GAS và NVL hiện là những mã có tác động tích cực nhất tới thị trường khi cùng tăng hơn 0.5%, NVL tăng mạnh nhất hơn 1%. Trong khi đó, sắc đỏ xuất hiện tại các mã VIC, TCB và HVN tạo ra lực cản nhẹ cho chỉ số.
Nhóm ngân hàng hiện đang có diễn biến khá tích cực. Sắc xanh xuất hiện phần lớn trên nhóm này như VCB, HDB và EIB,… với mức tăng quanh 0.5%. Ngược lại, chỉ có SHB và TCB là đang giảm điểm với mức giảm lần lượt là 1.5% và 0.2%.
Bộ đôi cổ phiều ngành hàng không là HVN và VJC hiện đang giao dịch khá trái chiều. Trong khi VJC tăng 0.4% thì HVN lại giảm hơn 0.5%.
Chứng khoán hiện là ngành tăng mạnh nhất thị trường khi tăng 0.66%. Ngược lại, nông-lâm-ngư hiện là ngành giảm mạnh nhất thị trường khi giảm 0.44%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận