Nhịp đập Thị trường 14/11: Dầu khí giúp VN-Index giữ sắc xanh
VN-Index đang giằng co bên trên tham chiếu, trong đó nhóm dầu khí PVN đang hỗ trợ tốt nhất, nhưng nhìn chung mức tăng chỉ chừng 0.2-0.3%, cộng với chỉ số nhóm VN30 giảm cho thấy tâm lý nhà đầu tư khá bất an. Đối với những ai mua phiên sáng, có lẽ vẫn nhớ đến diễn biến VN-Index “rơi rụng” trong phiên chiều ở một số ngày vừa qua. Nếu diễn diến đúng như vậy thì rõ ràng mua trong phiên chiều “được giá” hơn so với mua trong phiên sáng.
VN-Index vẫn xanh nhưng VN30-Index đang dao động lên xuống quanh tham chiếu, hiện giảm nhẹ 0.02%. VHM hiện đã quay về tham chiếu, có lẽ vì thế mà chỉ số VN30 thụt lùi so với đầu phiên sáng. Trong nhóm giảm giá ở đây, ngoài vị trí dẫn đầu như “thông lệ” là ROS, thì bất ngờ có MWG. Một số cổ phiếu ngân hàng cũng góp mặt như MBB, STB, BID, CTG hay VPB.
Diễn biến nhóm ngân hàng tiêu cực hơn so với đầu phiên. VCB vẫn tăng nhẹ, nhưng ACB đã quay đầu giảm giá, một loạt mã lớn khác cũng chìm trong sắc đỏ. Tuy nhiên một số mã vốn hóa nhỏ lại tăng như BAB, NVB hay LPB.
Nhóm dầu khí PVN vẫn có diễn biến tích cực hơn hẳn các nhóm vốn hóa lớn khác. GAS tăng 0.7%, PVD, PVS, DPM vẫn tăng suốt từ đầu phiên đến lúc này. PVC bất ngờ được đẩy tăng hơn 2.8%. OIL và BSR cùng giảm 0.99% về đúng mệnh giá.
Nhóm sắt thép đang thu hút sự quan tâm. HSG tăng gần 3%, HPG tăng nhẹ 0.6%, cả hai có thể nhờ khối ngoại mua ròng đẩy giá, ngoài ra trong nhóm này có những cái tên khác tăng giá hơn 5% như DTL hay POM.
Dệt may cũng đã có diễn biến tốt hơn. VGG đứng giá, TCM giảm nhẹ nhưng một số mã khác đăng tăng trở lại như EVE, MNB hay MSH. Theo một thống kê gần đây, dệt may vẫn nằm trong Top5 lĩnh vực có thành tích xuất khẩu tốt nhất trong 10 tháng đầu năm nay, dù vậy cổ phiếu dệt may nhìn chung có mặt bằng P/E khá thấp, do thông tin về triển vọng thời gian tới khá ảm đạm.
Tương tự dệt may, nhóm cá tra cũng đang có nhiều mã tăng như AAM, TS4, ACL, ANV, ICF… Riêng đầu tàu VHC đang giảm nhẹ 0.4%.
Mở cửa: Chưa rõ xu hướng
VN-Index mở cửa tăng nhẹ 1.1 điểm, diễn biến có vẻ khá cân bằng và chưa nói rõ xu hướng trong những phút tới sẽ như thế nào. Trong nhóm VN30, số lượng mã tăng - giảm giá khá cân bằng, trong đó mức độ tác động lên chỉ số nghiêng chút về nhóm tăng, với VHM tăng 1.2%.
Thông tin liên quan đến việc ký kết thỏa thuận Mỹ – Trung có vẻ sẽ bị hoãn, và chắc là tin không tốt cho chứng khoán Việt Nam. Kể từ tầu tuần đến nay, diễn biến trên sàn HOSE khá tiêu cực, không chỉ thể hiện ở diễn biễn chỉ số hôm tăng hôm giảm, mà còn ở tình trạng chỉ số hay rớt vào phiên chiều.
Diễn biến trên HNX và UPCoM tương tự như sàn HOSE, chỉ số tăng nhẹ, nhưng đáng chú ý là số lượng cổ phiếu tăng - giảm giá rất ít. Nói cách khác, có đến 80% số cổ phiếu trên 2 sàn này đứng yên. Có lẽ người “chơi” chứng trên HNX và UPCoM ít hơn hẳn so với người “chơi” trên HOSE.
Diễn biến giá cổ phiếu ở các nhóm lớn như ngân hàng hay bất động sản nhìn chung là trung lập (đa số cổ phiếu đứng giá), tuy nhiên ở nhóm dầu khí tình hình có vẻ tích cực hơn. Dù chỉ tăng nhẹ, nhưng nhiều mã vốn hóa lớn nhóm này đều hiện sắc xanh, như GAS, PVD, PVS, DPM…
VCB, ACB đang là 1 mã tăng đáng chú ý nhất trong nhóm ngân hàng, trong đó VCB hồi phục sau phiên gaimr bất ngờ đến 1.3% hôm qua. ACB tăng yếu sau 1 phiên gây sốc với thông tin liên quan đến việc bán cổ phiếu quỹ. Các mã ngân hàng lớn khác đang đứng yên hay có vẻ giảm.
Bộ ba cổ phiếu nhà Vingroup tiếp tục là cứu cánh cho index? Tại thời điểm ATO, VIC đứng giá, VHM và VRE tăng giá, trong đó VHM đứng đầu nhóm tăng giá trong VN30. Trong tình hình thị trường chưa rõ xu hướng, nhất là VN-Index có khả năng điều chỉnh, rõ ràng mức độ kỳ vọng vào bộ ba này lại tăng lên, tương tự như 2 phiên cuối tháng 10 đầu tháng 11 năm nay khi VN-Index vừa vượt 1,000.
DBC tăng giá 2% sau thời điểm ATO, có lẽ nhờ yếu tố giá thịt heo tăng mạnh. Tuy nhiên, cũng nên lưu ý rằng giá cổ phiếu DBC 4 phiên trước đó dường như không phản ánh “câu chuyện” này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận