Nhịp đập Thị trường 13/04: Thêm FPT góp sức kéo chỉ số
Ngay từ đầu phiên chiều, thị trường đã thể hiện một sắc thái hoàn toàn khác so với phiên sáng khi sắc xanh bắt đầu lan tỏa ở nhiều nhóm ngành.
VN-Index đang tăng hơn 11 điểm và có cơ hội dứt chuỗi giảm mạnh 3 phiên liền trước. Bên cạnh 3 trụ đỡ từ cuối phiên sáng là GVR, MSN và VNM thì FPT bất ngờ bứt phá, trở thành cổ phiếu tác động lớn nhất lên chỉ số lúc này.
FPT đang tăng hơn 3.9%, lên mức 114,100 đồng/cp. Nếu đóng cửa trên mốc này thì đây sẽ là mức giá kỷ lục mới của FPT.
Trong bối cảnh thị trường chung đang hồi sinh thì nhóm FLC cũng không ngoại lệ. FLC đã thoát sàn, chỉ còn giảm 1.5%, ROS về lại gần tham chiếu, ART, KLF và AMD đều xanh trở lại.
Phiên sáng: Nhóm cổ phiếu VN30 giúp thị trường thoát hiểm
Độ rộng toàn thị trường vẫn khá hẹp, sàn HOSE chỉ 127 mã tăng so với 232 mã giảm (16 mã giảm sàn). Tuy nhiên sự tích cực ở nhóm cổ phiếu VN30 đã giúp thị trường tạm thời tăng trở lại khi kết thúc phiên sáng.
VN30-Index tăng hơn 6.3 điểm với tổng cộng 18 mã trong rổ tăng giá. MSN, GVR và VNM trở thành trụ đỡ cho cả thị trường, ngoài ra, FPT, VRE hay BVH cũng góp phần không nhỏ vào đà hồi phục này. VIC dù không tăng nhưng đã kịp hồi phục về tham chiếu có thể nhờ thông tin IPO VinFast.
Ngược lại, MWG, HPG, GAS, SSI và đại diện nhóm ngân hàng có VPB, TCB, HDB đều giảm điểm. Trong số này, HPG có phiên giảm thứ 4 liên tiếp và hiện đang bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất, hơn 1 triệu đơn vị.
Một số cổ phiếu tiếp tục giảm sâu, xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm. Chẳng hạn CTD sáng nay giảm 6%, lùi về 75,200 đồng/cp, mức thấp nhất kể từ 07/12/2021. Hay như PTC giảm một mạnh từ đỉnh 87,000 đồng/cp vào ngày 04/03 để về 39,100 đồng/cp.
Ông trùm hạ tầng HUT giảm hơn 4% sáng nay, kéo dài mức giảm lên 33% kể từ vùng đỉnh đạt được ngày 31/03/2022. Còn như L14, cổ phiếu từng gây sốc khi có giá 480,000 đồng/cp, giờ hiện giảm đi gần 1 nửa, giao dịch tại 261,000 đồng/cp.
Thị trường chung không có nhiều biến động sau 10h30, nhóm cổ phiếu đầu cơ tiếp tục chịu áp lực trong suốt phần còn lại phiên sáng. Thanh khoản toàn thị trường đạt 14,900 tỷ đồng, tương ứng 454 triệu cp được chuyển giao. Khối ngoại bán ròng nhẹ sáng nay.
10h30: Lực bán quay trở lại
Nhóm cổ phiếu bất động sản đang chịu áp lực bán khá lớn, đa số đều quay đầu giảm điểm qua đó kéo thị trường trở về mốc tham chiếu.
Chỉ còn 13 cổ phiếu bất động sản niêm yết tăng điểm nhưng mức tăng khá mỏng. Các ông lớn như VHM, VIC, BCM, CEO, DIG, DXG đều giảm điểm, trong đó CEO và DIG giảm đáng kể nhất.
Nói thêm về DIG, sau phiên giảm sàn hôm qua, hiện cổ phiếu này đang giảm 5.5%, lùi về 73,500 đồng/cp. Tính từ đỉnh gần nhất (25/03), DIG đã giảm xấp xỉ 30%. Cổ phiếu này từng đạt đỉnh cao kỷ lục tại 119,800 đồng/cp ngày 11/01/2022.
Hiện nhóm bất động sản có số ít cổ phiếu được đánh giá tốt đang tăng điểm như NLG, KDH, PDR hay NVL.
Cổ phiếu PTL giảm sàn phiên thứ 3 liên tiếp, nối dài chuỗi giảm điểm từ tuần cuối tháng 3 đến nay. PTL thuộc diện cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc khi BCTC kiểm toán năm 2019, 2020, 2021 đều có ý kiến ngoại trừ của công ty kiểm toán.
TCH cũng khiến nhà đầu tư buồn lòng khi chính thức lùi về mức thấp nhất trong 5 tháng gần đây, giao dịch tại 18,650 đồng/cp.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng đang chứng kiến đà giảm sáng nay, ngoại trừ IVS, ORS, TVB và VCI còn tăng. Cả 3 ông lớn SSI, VND và HCM đều giảm hơn 1%.
Nhóm ngành bảo hiểm vốn được dự báo sẽ hưởng lợi trong bối cảnh lãi suất có xu hướng tăng trở lại. Thực tế thì diễn biến nhóm này khá nhạt nhòa gần đây, đến sáng nay cũng chỉ có BVH và PVI tăng nhẹ, còn lại đều giảm.
Đến 10h44, chỉ số VN-Index đã chính thức quay đầu giảm hơn 4 điểm, mất mốc 1,450 điểm.
Hồi phục đầu phiên, MWG gây bất ngờ
Mở cửa sáng nay, cổ phiếu đồng loạt tăng trở lại kéo VN-Index tăng gần 7 điểm, tạm giao dịch trên mốc 1,460 điểm.
Cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch tích cực, ngoại trừ một vài ngân hàng nhỏ còn giảm điểm. Trong số này thì VCB và CTG tăng khá và đóng góp nhiều vào đà tăng chung của chỉ số chính.
Diễn biến bất ngờ nhất sáng nay chính là cổ phiếu MWG khi giảm điểm với khối ngoại mua thỏa thuận khối lượng lớn, gần 10 triệu cp. Trong phiên ATO, có lúc MWG giảm 5%, về 145,000 đồng/cp trong khi lệnh bán đối ứng hiển thị giá từ 150,000 đồng/cp?
Nhóm cổ phiếu FLC tiếp tục giảm sàn như FLC, ROS, HAI, ART. Riêng KLF và AMD giảm hơn 4%.
OGC cũng gia nhập vào mã giảm sàn, đây là phiên giảm sàn thứ 3 của cổ phiếu này .
Trở lại phiên hôm qua (12/04), VN-Index giảm 27 điểm – một cái kết hơi bất ngờ so với những diễn biến trong phiên. Chỉ số chính sàn HOSE cũng ghi nhận phiên giảm mạnh thứ 3 liên tiếp để lùi về mốc 1,455 trong khi đó chỉ số san HNX giảm 11 điểm, lùi về 421 điểm.
Có nhiều lý do giải thích cho đà giảm của thị trường. Đầu phiên phải kể đến những thông tin bất lợi (bắt bớ lãnh đạo), kể cả tin đồn khiến tâm lý nhà đầu tư bi quan hơn. Một số cổ phiếu vừa và nhỏ đã giảm mạnh trong thời gian ngắn gần đây bắt đầu rơi vào trạng thái call margin, dẫn đến đà bán mạnh hơn.
Một vấn đề nữa được nhắc đến gần đây là lợi suất trái phiếu Mỹ tăng mạnh cũng là yếu tố tác động suy yếu lên sức mua thị trường cổ phiếu. Thêm vào đó, lạm phát ở Mỹ tiếp tục bay cao, gây áp lực lên việc nâng lãi suất Fed có thể mạnh hơn dự báo.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận