24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Huyền My
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nhịp đập Thị trường 11/10: Phiên ATC đầy tích cực

Dù đã liên tục lình xình trong những giờ giao dịch trước, phiên ATC chiều nay lại mang đến viễn cảnh lạc quan hơn về VN-Index trong tuần tới khi chỉ số đã được kéo lên 2 điểm sau phiên này. Điều này thắp lên kỳ vọng về một diễn biến lạc quan hơn của chỉ số vào tuần tới.

Kết phiên, chỉ số VN-Index tăng 0.45%, đạt 991.84 điểm; trong khi đó, chỉ số HNX-Index tăng 0.10 điểm, đạt 105.26 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng hoàn toàn về bên mua với 336 mã tăng điểm và 270 mã giảm điểm. Số mã tăng giảm trong rổ VN30 khá chênh lệch khi cả rổ có 16 mã tăng, 7 mã giảm và 7 mã đứng giá.

Tốp những mã có ảnh hưởng tiêu cực nhất đều là những “ông lớn” đi đầu trong ngành, cụ thể là VIC trong nhóm bất động sản, VCB từ nhóm ngân hàng, GAS, PLX từ nhóm dầu khí, cuối cùng là SAB và VNM từ nhóm thực phẩm - đồ uống. Ngoài ra, mức đóng góp của từng mã cũng khá đồng đều. Điều này khiến mức tăng của VN-Index tuy ít nhưng lại khá vững chắc và mang tính lan tỏa.

Dòng tiền đầu cơ được đẩy mạnh trong khoảng 45 phút cuối của phiên chiều nay, qua đó giúp số mã hiện sắc tím trên sàn HOSE vượt con số 10, với JVC, TTF, AMD là những gương mặt tiêu biểu trong những mã này. Song điểm khác biệt của những mã này nằm ở lượng cung khi chỉ có TTF là nằm trong tình trạng trống bên bán. Theo góc nhìn kỹ thuật, TTF đã tạo mẫu hình nến Evening Star tại đáy cũ tháng 02/2019 cho thấy lực hồi phục nhiều khả năng sẽ còn xuất hiện.

Diễn biến nhóm thủy sản tiếp tục giữ được sự tích cực khi số mã tăng vẫn chiếm ưu thế. Ấn tượng nhất trong nhóm là IDI khi mã này đã bứt phá hơn 3% trong phiên chiều này và đạt thanh khoản tốt. Ngoài IDI ra thì ANV, VHC cũng là những điểm nhấn trong nhóm. Còn ở chiều giảm điểm, hầu hết các mã đều có mức điều chỉnh dưới 1%, ví dụ như AAM, CMX, HVG. MPC giảm 1.2% và là phiên giảm thứ 3 liên tiếp, song theo góc nhìn kỹ thuật thì giá đang cho những dầu hiệu về sự đảo chiều của xu hướng trong ngắn hạn.

Nhóm ngân hàng vẫn giữ được sự tích cực cho tới cuối phiên khi số mã giảm được giữ dưới con số 5, đồng thời mức giảm đều nhẹ dưới 1%. LPB là mã tăng mạnh nhất nhóm ở mức 5.5% và cách mã tăng điểm cũng khá tương đồng với STB, cụ thể là nhờ vào sự gia tăng bất ngờ ở lực cầu trong khoảng thời gian từ 13h30 trở đi, song dòng tiền chủ yếu đến từ khối ngoại. Theo sau mã này là VBB với sắc xanh 4.5%, HDB, SHB, BAB, STB với mức tăng hơn 1%.

Sự phân hóa xảy ra với đa số các nhóm ngành trên thị trường, điển hình như dệt may, cao su, phát điện, công nghệ thông tin, bất động sản dân dụng và khu công nghiệp….

Ngành tài chính khác là ngành tăng mạnh nhất thị trường với mức tăng 3.23%. Ngược lại, dịch vụ tư vấn, hỗ trợ là ngành giảm mạnh nhất thị trường khi giảm 1.83%.

Khối ngoại bán ròng gần 70 tỷ đồng trên sàn HOSE và gần 11 tỷ đồng trên sàn HNX. Lực bán ròng tập trung ở mã VIC và HDB trên sàn HOSE. PVS là cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất trên sàn HNX với giá trị bán ròng hơn 11 tỷ đồng.

14h: Đến lượt GAS “chạy”, VN-Index trở lại mốc 990 điểm

Sau phiên nghỉ trưa, tâm lý nhà đầu tư như được giải tỏa và trở nên tích cực hơn, qua đó tạo động lực giúp đẩy chỉ số VN-Index quay lại mốc 990 điểm, với sự dẫn dắt chính tới từ nhóm dầu khí và ngân hàng. Trong khi đó, chỉ số HNX-Index vẫn đang ngụp lặn dưới mốc tham chiếu.

Độ rộng thị trường đã nghiêng hơn về bên mua với 299 mã tăng và 262 mã giảm điểm. Sắc xanh mở rộng trong rổ VN30 khi cả rổ có 23 mã tăng, 4 mã giảm và 3 mã đứng giá. Số mã tăng hơn 1% trong rổ này cũng đã xuất hiện thêm 3 thành viên là GMD, PNJ và GAS.

GAS là một trong nhiều mã bất ngờ tăng mạnh trở lại hơn 1%, qua đó cùng với VCB, SAB là những động lực chính cho sắc xanh của VN-Index. Các mã VIC, VNM, VJC cũng góp phần lan tỏa sự tích cực tới chỉ số này. Ở chiều ngược lại, VHM, HVN và ROS là những tác nhân chính kìm hãm sắc xanh của chỉ số.

HBC cũng là mã dưới sự trợ giúp của lực cầu đã xanh trở lại ở mức hơn 2%. Cụ thể là trong 1 giờ giao dịch đầu tiên của phiên chiều, hơn 800,000 cổ phiếu đã được khớp lệnh trên cổ phiếu. Một trường hợp tương tự như HBC trong nhóm xây dựng là C69 khi sắc đỏ hơn 4% của mã đã biến mất, thay vào đó là sắc xanh nhẹ gần 1%. Tuy nhiên, diễn biến nhóm này vẫn khá phân hóa. DTD, CII, TDC, BCE là những gương mặt giảm hơn 1%.

Nhóm ngân hàng và dầu khí tiếp tục giữ được trạng thái tích cực khi số mã giảm điểm tại hai nhóm ngành này hiện tại không nhiều. Cụ thể, tại nhóm ngân hàng STB và LPB hiện là hai mã có mức tăng mạnh nhất gần 2.5%, tiếp đến là HDB tăng hơn 1%, các mã BID, CTG, MBB, VCB đều tăng nhẹ. Tại nhóm dầu khí tâm lý hưng phấn tiếp tục lan tỏa lên PLX và GAS với mức tăng hơn 1% BSR, PVB cũng tăng hơn 3%.

“Ông lớn” trong ngành thép là HPG tiếp tục rung lắc quanh mốc tham chiếu. Tình hình những mã còn lại trong ngành khá khả quan với HSG tăng hơn 1%, NKG tăng nhẹ 0.2%.

Nhóm chứng khoán hiện đang khá ảm đạm khi HCM tăng 0.7%, SSI nhích nhẹ 0.2%, SHS đứng giá, VND giảm hơn 1%, FTS và BSI cùng giảm nhẹ quanh 0.2%.

Ngành tài chính khác là ngành tăng mạnh nhất thị trường khi tăng 1.9%. Ngược lại, sản xuất thiết bị, máy móc là ngành giảm mạnh nhất thị trường khi giảm 2.6%.

Phiên sáng: Tiếp tục giằng co

Thị trường kết phiên sáng với sự giằng co, song sắc xanh vẫn được giữ vững trên VN-Index. Tuy nhiên, chỉ số HNX-Index lại không được may mắn như vậy khi đã rơi khỏi mốc tham chiếu.

Chỉ số VN-Index kết phiên sáng tăng 0.16%, đạt mức 988.92 điểm; chỉ số HNX-Index giảm 0.16 điểm và đạt mức 105 điểm. Độ rộng thị trường khá cân bằng với 252 mã tăng điểm và 258 mã giảm điểm. Độ rộng trong rổ VN30 nghiêng về bên mua khi cả rổ có 20 mã tăng, 6 mã giảm và 4 mã đứng giá.

Những trụ chính cho chỉ số VN-Index trong phiên sáng nay có thể xướng tên 5 mã là SAB, VCB, VIC, VRE và VJC khi mức độ đóng góp tới chỉ số của cả 5 khá đồng ở mức hơn 0.1 điểm. Đối trọng với những mã này là VHM, HVN, ROS, MWG.

Nhóm ngân hàng vẫn giữ được sự tích cực khi sắc xanh vẫn chiếm ưu thế trong nhóm này. Chỉ có hai mã BID, TPB là xuất hiện sắc đỏ dưới 1%, trong khi HDB, STB, VBB là những gương mặt giữ được mức tăng trên 1%.

Hai nhóm thủy sản và dệt may cũng có diễn biến tương tự khi xuất hiện hàng loạt các mã tăng từ 1% trở lên, cụ thể là ANV, TS4, IDI ở nhóm thủy sản và STK, VGG, FTM ở nhóm dệt may.

Không như VN-Index khi suốt phiên sáng vẫn giữ được mốc tham chiếu, HNX-Index giằng co và nhiều lần đánh mất sắc xanh của mình. Điều này phần lớn là do sự trồi sụt của ACB với biên độ dưới 1%. Ở chiều giảm điểm, VCS là nguyên nhân chính tạo nên sức ép tới chỉ số với mức giảm hơn 1% của mình. Theo góc nhìn kỹ thuật, mã này đang trong nhịp tích lũy với mức thanh khoản thấp tại hỗ trợ là đường SMA 50 ngày và các đỉnh cũ trong quá khứ. Song khả năng tăng trưởng trở lại của mã vẫn còn khi nhiều khả năng giá đang trong con sóng 4 nên vẫn còn đó 1 sóng 5 tăng trưởng cuối cùng.

Tài chính khác hiện là ngành tăng điểm mạnh nhất trên thị trường khi tăng 1.45%. Ngược lại, sản xuất thiết bị máy móc hiện là ngành ảnh hưởng tiêu cực nhất thị trường khi giảm 2.17%.

Khối ngoại bán ròng gần 80 tỷ đồng trên sàn HOSE và gần 3 tỷ đồng trên sàn HNX. Lực bán tập trung ở các cổ phiếu VIC và VHC trên sàn HOSE. PVS hiện là cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất trên sàn HNX.

10h30: Nhóm ngân hàng rục rịch “chạy”

Kịch bản chung trên thị trường đang là giằng co với những biến động chủ yếu xoay quanh nhóm Large Cap.

Độ rộng thị trường khá cân bằng với 230 mã tăng và 220 mã giảm điểm.

Sự tích cực từ đầu phiên đã chùng lại và diễn biến thị trường dần đi vào thế giằng co khi lực cung và lực cầu thay nhau chiếm ưu thế tại nhóm Large Cap, đặc biệt là ở rổ VN30. Độ rộng trong rổ VN30 hiện nghiêng về bên mua với 17 mã tăng, 10 mã giảm và 3 mã đứng giá. Sắc xanh trên 1% ở rổ này đạt tới con số 5, với các gương mặt là HDB, BVH, STB, VJC, VRE.

VJC, VCB, PLX, VRE hiện là những mã có ảnh hưởng tích cực nhất tới VN-Index, song mức độ đóng góp của các mã này khá đồng đều ở mức gần 0.2 điểm. Ở chiều ngược lại, VHM và HVN là tác nhân chính kìm hãm đà tăng của thị trường.

Ngoài ra, việc hiếm có nhóm nào trên thị trường có sự tích cực mà chủ yếu chỉ toàn phân hóa cũng một phần tạo nên sự giằng co hiện tại trên thị trường. Điển hình như nhóm bất động sản khu công nghiệp khi số mã tăng, giảm trong nhóm khá đồng đều, song biên độ dao động của các mã hầu hết đều dưới 1%. Nổi bật trong nhóm là HPI với mức tăng hơn 2% và IDC với mức điều chỉnh gần 6%. Diễn biến tượng tự cũng xảy ra với nhóm chứng khoán, công nghệ thông tin, bất động sản dân dụng.

Sắc đỏ đang chiếm ưu thế trong nhóm xây dựng, với DTD, TDC và C69 là những mã sụt giảm mạnh hơn 2%. C69 chắc hẳn là mã gây nhiều đau thương tới nhà đầu tư bởi sau khi giằng co trong gần 1 tháng, mã này đã liên tục điều chỉnh trong 3 phiên liên tiếp với tổng mức giảm là gần 20%. Theo góc nhìn kỹ thuật, giá đã rơi gần về các đường SMA trung hạn và đường trendline tăng dài hạn nên khả năng giá sẽ có hồi phục trong những phiên tới tăng lên.

HSG tiếp tục là điểm sáng tại nhóm thép với mức tăng gần 2% và đạt thanh khoản tốt. Tuy nhiên, các tín hiệu kỹ thuật của mã này đang cho thấy sự bi quan khi Stochastic Oscilltor, Relative Strength Index đều trong tình trạng quá bán và có khả năng tạo phân kỳ giá xuống, đồng thời giá cũng đang kiểm định vùng đỉnh cũ tháng 07/2019 hội tụ với SMA 150 ngày nên nhiều khả năng giá sẽ có điều chỉnh trong ngắn hạn. Các mã khác thuộc nhóm này như HPG, NKG, TLH thì đang “dậm chân” tại mốc tham chiếu.

Lực cầu được đẩy mạnh trên lại trên nhóm ngân hàng và giúp nhóm này tràn ngập sắc xanh. Ấn tượng nhất trong nhóm là STB khi bắt đầu từ 10 giờ trở đi, mã này bắt đầu “chạy” trở lại và đã tăng gần 4%. CTG, MBB, VCB, BID cũng xuất hiện sắc xanh gần 1%.

Tài chính khác hiện là ngành tăng mạnh nhất thị trường khi tăng 1.79%. Ngược lại, sản thiết bị máy móc hiện là ngành giảm mạnh nhất thị trường khi giảm 2.17%.

Xanh nhẹ đầu phiên

Thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ có cuộc gặp với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc vào ngày thứ Sáu (11/10) đã phần nào thắp lên hy vọng về một tiến triển tích cực của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, qua đó giúp củng cố tâm lý nhà đầu tư và tạo sắc xanh các chỉ số thị trường sau phiên ATO.

Độ rộng thị trường nghiêng về bên mua với 255 mã tăng và 105 mã giảm điểm.

VIC hiện là trụ chính trên thị trường và đóng góp gần 0.6 điểm vào VN-Index, theo sau đó là các mã VPB, MSN, VHM. Ở chiều ngược lại, TCB, VCB và ROS là những tác nhân chính kìm hãm đà tăng của chỉ số.

Một thông tin đáng chú ý trong phiên hôm nay đó là việc Moody’s dự tính đưa Việt Nam vào diện xem xét để hạ bậc tín nhiệm quốc gia. Đây có thể được được xem là tin không vui đối với Việt Nam. Tuy nhiên, hiện tại thông tin trên vẫn chưa tác động nhiều lên tâm lý nhà đầu tư trong nước khi mà việc hạ bậc tín nhiệm chỉ đang ở mức xem xét.

Nhóm ngân hàng được đánh giá là nhóm chịu ảnh hưởng đầu tiên từ thông tin trên nhưng nhóm này vẫn mở phiên trong trạng thái tích cực.

Nhóm dầu khí mở cửa với tâm lý lạc quan khi giá dầu thế giới tăng hơn 1%. Cụ thể, BSR tăng mạnh hơn 4%, PVD tăng hơn 1%, PVS tăng quanh 0.5%, GAS và PLX nhích nhẹ trên mốc tham chiếu.

Bán buôn hiện là ngành tăng mạnh nhất thị trường khi tăng 1.05%. Ngược lại, sản xuất gia dụng hiện là ngành giảm mạnh nhất thị trường khi giảm 1.98%.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả