Nhịp đập Thị trường 06/05: SAB và VNM làm cổ đông buồn lòng
Thị trường giao dịch tiêu cực trong phiên chiều, thanh khoản tăng nhưng vẫn chưa bằng phiên giao dịch trước đó. Đáng nói hơn là khối ngoại bán ròng hơn ngàn tỷ đồng trong phiên hôm nay, mức bán ròng mạnh nhất từ giữa tháng 4.
VN-Index đóng cửa mất 5.86 điểm, hay 0.47%, dừng tại 1,250.57 điểm, chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index thì vẫn tăng nhờ một vài cổ phiếu lớn còn sắc xanh.
Rổ VN30 vẫn còn 7 cổ phiếu tăng điểm gồm TCB, REE, MWG, NVL, TCH, HPG và VPB. Cũng chính TCB, NVL, VPB và một cổ phiếu ngoài rổ VN30 là VIB đã tạo nên bộ tứ, giúp cho thị trường không giảm sâu hơn.
VCB là cổ phiếu ngân hàng có tác động tiêu cực nhất lên thị trường khi giảm 1.88%, dừng tại 98,300 đồng/cp. Dù vậy, sự sụt giảm của mã này có thể không khiến nhiều người bận lòng như chính những cổ đồng VNM và SAB.
Theo đó, cổ phiếu VNM rớt hơn 2.6%, chính thức mất mốc 90,000 đồng để lùi về 89,600 đồng/cp, ghi nhận mức thấp nhất kể từ phiên ngày 04/08/2020. Hơn nữa, đây là phiên VNM bị khối ngoại bán ròng 6 phiên liên tục và có giá trị bán ròng lớn nhất kể từ 05/03/2021.
Với SAB, cổ phiếu này cũng giảm liền 4 phiên, đóng cửa tại 156,000 đồng/cp, mức thấp nhất kể từ 01/07/2020. Giống như VNM, cổ phiếu đại gia ngành bia vẫn bị khối ngoại bán ròng dù mức độ không nhiều như đại gia ngành sữa.
Bất ngờ rơi mạnh đầu phiên chiều
Độ rộng thị trường đang thu hẹp đáng kể với 488 mã giảm và chỉ 250 mã tăng. Lúc này thì dòng tiền lại tham chiến nhiều hơn và kỳ vọng đây sẽ là động lực giúp thị trường hồi trở lại.
Cụ thể, chưa đầy 30 phút đầu phiên chiều, thanh khoản sàn HOSE đã tăng thêm khoảng 3,000 tỷ đồng.
Phiên sáng: Thanh khoản giảm, VN-Index tạm tăng nhẹ
Kết thúc phiên sáng, cả 3 chỉ số đều xanh, trong đó VN-Index nhích gần 1 điểm, HNX-Index tăng 2 điểm, còn UPCoM-Index bay cao trên đôi cánh VGI.
Trạng thái giằng co dường như diễn ra suốt giao dịch cả phiên sáng trên sàn HOSE, không có nhiều cái tên đột biến để “tiếp sức” cho tâm lý nhà đầu tư. Họ cổ phiếu FLC sáng nay vẫn giao dịch tích cực nhưng chưa đủ sức kéo thị trường, trong khi nhóm VN30 chịu áp lực từ nhiều phía, đặc biệt VCB, VNM, GAS, TPB…
Tổng khối lượng giao dịch sàn HOSE chỉ đạt 399 triệu đơn vị, tương ứng 11,350 tỷ đồng (cả giao dịch thỏa thuận), con số này thấp hơn so với phiên giao dịch trước đó. FLC, VPB, STB, HPG và ROS là 5 mã có khối lượng giao dịch lớn nhất sàn.
Khối ngoại bán ròng gần 590 tỷ đồng trong phiên sáng, tập trung lớn ở VPB, MSB, VNM, HPG, SSI, VCI, POW hay PHR… Ngược lại, STB, MBB và HSG được mua ròng nhiều nhất.
Sáng nay, nhiều chứng quyền lại tăng trần, như STCH2102, CVHM2105, CHDB2101, CMSN2103…
10h30: FLC kịch trần, ABS sàn phiên thứ 5
Tính đến 10h30, thanh khoản sàn HOSE thấp hơn đáng kể so với cùng thời điểm phiên trước đó. Lực cầu dường như chỉ xuất hiện ở vùng giá thấp, do đó thị trường chưa thể thoát khỏi trạng thái sideway.
Chỉ số VN-Index có lúc rớt hơn 4 điểm nhưng nhanh chóng bật tăng nhẹ trở lại. VIB đang là cổ phiếu tác động tốt nhất lên chỉ số nhưng sự đảo chiều của VN-Index sáng nay khá tương đồng với VHM.
Thị trường chung theo đánh giá của giới chuyên gia đang bước vào vùng trũng thông tin, dù vậy tháng 5 cũng được kỳ vọng là thời điểm để nhà đầu tư cơ cấu danh mục đầu tư, nhất là sau khi có nhiều cổ phiếu đã có sự điều chỉnh đáng kể về giá thời gian qua.
Trở lại diễn biến chính của thị trường, nhóm VN30 sáng nay cũng khá giằng co. Trong khi đó, nhiều cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ bắt đầu chạy, chẳng hạn như ROS tiếp tục tăng trần. Riêng FLC vẫn tím và khớp hơn 21 triệu cổ phiếu.
Còn nhiều mã khá như TGG, AGM, ITD, VOS, VTB, VID… đều đang tăng khá tốt. Cổ phiếu ABS có phiên giảm sàn thứ 5 liên tiếp sau khi lập mức đỉnh kỷ lục 77,000 đồng/cp trong phiên 26/04. Nhưng đáng ngại hơn chính là thanh khoản lúc này giảm rất mạnh, trong khi lượng dư bán đang áp đảo, gần 500,000 đơn vị ngay tại giá sàn.
Một điểm nữa là nhà đầu tư nước ngoại miệt mài bán ròng, đến sáng nay nữa là phiên thứ 4 liên tiếp. Tạm tính chỉ trong 3 phiên gần đây, giá trị bán ròng đã hơn 2,000 tỷ đồng.
Mở cửa: Giằng co
Thị trường mở cửa tăng mạnh nhưng sau đó nhanh chóng rơi vào trạng thái giằng co. Nhóm ngân hàng vẫn đang giao dịch tích cực và giúp thị trường khỏi giảm điểm.
Trên sàn HOSE, cổ phiếu HDB tiếp tục có giao dịch sôi động và duy trì mức tăng trên 1% (phiên giao dịch trước tăng 6.8%). Xét về tổng thể, HDB đã tăng khá tốt trong tuần qua và cũng là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều trong nhóm ngân hàng.
Được biết, trong quý đầu năm, thu nhập lãi thuần HDBank tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 3,363 tỷ đồng. Đáng chú ý nhất trong kỳ là hoạt động dịch vụ tăng trưởng ấn tượng. Thu nhập thuần từ dịch vụ quý 1/2021 tăng trên 98% so với cùng kỳ năm trước, đạt 313 tỷ đồng. Đây là quý thứ 3 liên tiếp thu nhập thuần dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng cao như trên, cho thấy tiềm năng còn lớn. Số lượng khách hàng cũng như doanh số của kênh giao dịch trực tuyến tăng nhanh, cho thấy các sản phẩm dịch vụ ngân hàng số của HDBank được khách hàng đón nhận.
Có 4 cổ phiếu ngân hàng giảm lúc này là BID, EIB, SSB và NVB, song mức giảm này là không nhiều. Trên sàn HNX, SHB bật tăng ngay 5% đầu phiên và tác động lớn lên chỉ số HNX-Index (đang tăng 1%).
Nếu ngân hàng đang giữ nhịp thị trường thì nhiều ông lớn khác đang gia nhập đội quân “áo đỏ”, trong đó phải kể đến như SAB, GAS, POW…
Đáng chú ý nhất vẫn là VNM, sau nhịp hồi hôm qua, sáng nay lại giảm điểm, hiện còn 91,300 đồng/cp. Nếu xu hướng này còn kéo dài, mốc 90,000 đồng có thể bị xuyên thủng.
Khóa học Onl
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận