Nhịp đập Thị trường 05/11: Index được đẩy lên cao, nhưng cổ phiếu vẫn phân hóa mạnh
VN-Index tiếp tục được Large Cap đẩy lên cao kể từ khoảng lúc 11h, hiện chỉ số đã tăng hơn 5 điểm, nhưng vẫn còn rất khiêm tốn khi so với các chỉ số lớn ở châu Á. Ngược lại, HNX-Index và UPCoM-Index vẫn giảm dưới tham chiếu. Tình trạng trái chiều giữa các sàn, cũng như tương quan tăng – giảm giá cổ phiếu trên từng sàn đang cho thấy sự “chia rẽ sâu sắc”. Nói cách khác, nhà đầu tư dường như vẫn đang e ngại điều gì đó, nhất là đối với cổ phiếu vừa và nhỏ.
VN-Index và VN30-Index tăng nhanh vào cuối phiên, nhưng 2 chỉ số Mid và Small Cap cùng sàn HOSE thì không. Chỉ số Mid Cap thậm chí vẫn lặn dưới tham chiếu. CTD tăng tốt nhất nhóm này, dù kết quả kinh doanh quý 3 bị đánh giá là khá tệ. CTD vốn đi ngang hơn nửa tháng qua, hôm nay có vẻ muốn nổi sóng? Ngược lại, MBB, GEG, KOS là những mã giảm giá mạnh nhất nhóm này, trong đó bất ngờ là GEG, vì công ty vừa ra tin cổ đông lớn muốn mua thêm.
ACB và SHB hầu như đứng yên dưới tham chiếu trong nửa cuối phiên sáng nay, nhưng có không ít ngân hàng khác lại có tiến triển tốt hơn, ví dụ như ở TCB, STB, TPB, BVB… và ngay cả ông lớn VCB.
Chỉ còn 7 mã giảm giá trong nhóm VN30 so với 16 mã tăng giá, trong đó có những mã “trụ” từ đầu phiên như GAS, SAB, FPT. Hai mã MBB và PNJ hở room ngoại, nhưng nhanh chóng được lấp đầy, và cũng vì thế mà giúp khối ngoại được tiếng mua ròng ở nhóm này. Ngoài MBB và PNJ, khối ngoại đang mua ròng đáng kể ở VIC, VNM, nhưng bán ròng nhiều ở HPG, HDB và VHM. MSN tăng hơn 3% trong đa số thời gian phiên sáng, kéo theo một loạt chứng quyền tăng theo.
UPCoM có 14 mã tăng trần, so với chỉ 6 mã giảm sàn, đồng thời tương quan tăng giảm giá khá cân bằng, tuy nhiên chỉ số này vẫn đi ngang dưới tham chiếu cho đến hết phiên sáng. Một số largecap có diễn biến tốt hơn vào những phút cuối, ví dụ như ACV, FOX, MCH…, nhưng có lẽ chỉ số vẫn chịu thiệt hại từ những largacp khác như BSR, VGI, MSR, OIL… và nhất là LTG.
Một số nhóm ngành đang có diễn biến tích cực tính đến cuối phiên sáng, như mía đường, bán lẻ, dệt may…, các nhóm lớn ngân hàng hay BĐS dân dụng, cũng như không ít nhóm nhỏ hơn khác đang phân hóa. Ở chiều ngược lại, chứng kiến dầu khí, BĐS công nghiệp, thủy điện, cao su, săm lốp, xi măng, nhựa gia dụng, hay thủy sản.
Sự phân hóa đang diễn ra ở nhóm chứng khoán, dù sáng nay nhóm này có thông tin tích cực hỗ trợ. Điểm thú vị là SSI giảm giá, nhưng các đại gia tốp đầu thị phần khác lại tăng như HCM, VCI, MBS…VDS tăng đến gần 4% với chỉ 500 cổ phiếu được chuyền tay.
11h: Hai sàn trái chiều
Hai sàn HOSE và HNX đang có diễn biến trái chiều, ít nhất là ở 2 chỉ số chính. VN-Index đang tăng hơn 2 điểm, tức khoảng 0.25%, thật sự khiêm tốn nếu so với các chỉ số các sàn châu Á khác. Ngược lại, HNX-Index giảm gần 0.5%, tức giảm sâu hơn so với đầu phiên.
Trên HOSE, chỉ số nhóm VN30 (Large Cap) đang chạy tốt hơn 2 chỉ số Mid và Small Cap. Trong nhóm VN30, KDH tăng mạnh nhất trên 3%, kế đó là MSN và PNJ. Bộ ba nhà Vin vẫn tăng giá. Ngược lại ở chiều giảm, là GAS và một số mã ngân hàng, nhưng mức giảm giá hầu hết dưới 1%.
Ngân hàng đang phân hóa, nhìn bề ngoài tích cực hơn so với đầu phiên sáng, với VCB vẫn tăng nhẹ, CTG đổi qua màu xanh…
Số lượng Large Cap giảm giá trên HNX đang áp đảo và khiến chỉ số sàn này giảm sâu hơn so với đầu phiên, tuy nhiên nhìn chung mức giảm giá bình quân cũng chỉ loanh quanh 1%. BVS giảm mạnh nhất chỉ gần 2%. ACB, SHB lại giảm giá sau thời điểm từng hồi về tham chiếu. SHB hiện đã giảm hơn 1%.
Chỉ số sàn UPCoM cũng nằm dưới tham chiếu gần như hầu hết thời gian nửa đầu phiên sáng nay, cho dù tương quan số lượng cổ phiếu tăng giảm giá khá cân bằng. chỉ số rõ ràng đang chịu tác động tiêu cực từ những largecap như LTG, VGI, MSR, FOX… LTG đang được kỳ vọng vào giá lúa gạo tăng, nhưng có vẻ đang bị chốt lời sớm sau 3 pheien tăng trước đó. 2 mã VGI và CTR dường như vẫn chưa phản ánh thông tin thoái vốn từ tập đoạn mẹ Viettel. Tuy nhiên, MPC đang tiếp tục đợt hồi phục kể từ khi có tin bị điều tra thuế.
Nhóm BĐS công nghiệp vẫn ngập sắc đỏ, tuy nhiên bất ngờ có HPI tăng tới gần 12%. SNZ vẫn giữ được sắc xanh, tăng hơn 2% dù mức này thấp hơn so với đầu phiên.
Nhóm mía đường có diễn biến khá tốt, trừ cổ phiếu đầu ngành SBT. KTS đang tăng gần 9.5%. SLS cũng đã tăng hươn 6%.
Dệt may đang là nhóm có rất nhiều sắc xanh. TCM có vẻ đang bị chốt lời sớm, sau 5 phiên tăng trước đó. Tuy nheien nhiều mã khác đang tăng khá, như PPH, GIL, EVE, TNG và nhất là M10, tăng hơn 6% sau khi có tin cổ tức.
2 đại gia phân bón nhà PVN đã tăng trở lại, nhưng đa số cổ phiếu khác vẫn đang giảm. GAS, PVD, PVS, PVT… hầu như chưa đảo ngược được tình thế.
Mở cửa bất ngờ
Đêm qua chứng khoán Mỹ tăng mạnh khi có tin ông Biden đạt 264 phiếu đại cử tri, và đến sáng sớm nay chứng khoán châu Á cũng đồng loạt tăng. Tuy nhiên sàn chứng khoán Việt thì hơi lo. Chưa đến thời điểm ATO nhưng 2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index đã cùng đỏ. VNXAllshares, chỉ số có tính đại diện cả 2 sàn HOSE và HNX cũng đỏ.
VN-Index mở cửa sáng nay khá bất ngờ khi chỉ tăng chưa đến 1 điểm. Nhóm VN30 phân hóa rõ khi chỉ có 9 mã tăng, so với 11 mã giảm giá. Chỉ số nhóm Mid Cap sàn HOSE giảm 2 điểm.
Các nhóm ngành lớn như ngân hàng, BĐS dân dụng hay dầu khí mở cửa trong nhiều sắc đỏ. Ở nhóm ngân hàng, VCB tăng nhẹ 500 đồng nhưng một loạt mã đứng giá hoặc giảm ngay sau đó như BID, CTG, HDB, STB… SHB và ACB đã giảm trước đó, và cũng là yếu tố khiến HNXIndex giảm sớm. ở nhóm BĐS dân dụng, bộ ba nhà Vin mở cửa tăng nhẹ, nhưng không ít mã tầm trung giảm như DXG, LDG, NLG, PDR, NTL… Tương tự ở dầu khí với GAS, POW, PVD, PVS… 2 đại gia phân bón thuộc nhà PVN là DCM và DPM cũng giảm trên dưới 1%.
Chỉ số 2 sàn HNX và UPCoM vẫn đỏ ngay sau ATO, nhưng HNX-Index cũng dần lấy lại độ cao. Hiện chỉ số này chỉ còn dưới tham chiếu chừng 0.3 điểm. SHB và ACB đỏ nhưng lệnh mua đang đổ vào, chuẩn bị quay về tham chiếu. Tuy nhiên vẫn có nhiều Large Cap khác trên HXN giảm dưới 1% như PLC, SHS, LAS, BVS…
Dù chưa thực sự chính thức, nhưng thông tin ông Biden nhiều khả năng thắng cử cũng có thể sẽ có tác động tâm lý lên không ít cổ phiếu, nhất là trong những nhóm ngành có liên quan (hưởng lợi hay thiệt hại) từ cuộc chiến Mỹ - Trung. Một trong số đó là nhóm BĐS công nghiệp, sáng nay khá nhiều mã rơi vào sắc đỏ, trong đó đáng kể nhất là TID, giảm đến 7.4%.
Khối ngoại tính đến cuối ngày hôm qua đã bán ròng 30 phiên liên tiếp trên HOSE, tuy nhiên không rõ với thông tin từ Mỹ, thì có đảo ngược được tình trạng này hay không. Sáng nay trên nhóm largecap sàn HOSE, tổng thê họ đang mua ròng, chủ yếu nhờ lực mua tụ ở 2 mã MBB và PNJ. Tất nhiên, còn quá sớm để kết luận tình trạng mua bán ròng của khối ngoại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận