Nhìn lại đà tăng shock của cổ phiếu Viettel Global
Với ảnh hưởng lỗ liên tục trong giai đoạn 2016-2019, Viettel Global tại thời điểm 31/3/2024 vẫn ghi nhận lỗ luỹ kế gần 2.100 tỷ đồng. Mặt khác, cổ phiếu VGI cũng đang trong diện hạn chế giao dịch do tổ chức kiểm toán đã đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ từ 3 năm liên tiếp trở lên.
Bất chấp những rung lắc của thị trường chứng khoán khi bước vào các vùng kháng cự, cổ phiếu VGI của Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) vẫn đi lên không nghỉ. Tính từ đầu tháng 5 trở lại đây, VGI đã có đến 12 phiên tăng điểm, thị giá có thời điểm lập đỉnh tại mốc 94.200 đồng/CP, số lượng giao dịch khớp lệnh mỗi phiên dao động từ 1-2 triệu cổ phiếu.
Kết thúc phiên ngày 24/5, cổ phiếu này dừng tại mức 86.300 đồng/CP. So với thời điểm đầu năm 2024, thị giá VGI đã tăng gấp 3,3 lần. Việc giá cổ phiếu tăng mạnh đã kéo P/E 4 quý gần đây của cổ phiếu này lên mức 195,1 lần (theo số liệu của VNDirect).
Bảng thống kê của Nhadautu.vn thể hiện con số P/E của cổ phiếu VGI cao hơn rất nhiều so với các công ty viễn thông cùng ngành như CTR (28,2 lần), FOX (15,8 lần), MFS (8,9 lần),…
Thậm chí, mức này còn vượt trội so với nhiều cổ phiếu viễn thông “top” đầu thế giới, như China Telecom Corporation Limited (12,33 lần), AT&T Inc (9,41 lần), China Mobile Ltd. (10,7 lần), Verizon Communications Inc (14,88 lần).
Điều đáng nói là, lợi nhuận của Viettel Global lại thấp hơn rất nhiều so với các đơn vị này, theo tính toán mức thấp hơn dao động từ 94,7% đến 98,61%.
Có thể thấy, việc giá cổ phiếu tăng nhanh trong thời gian qua, cộng thêm tốc độ tăng trưởng lợi nhuận (ảnh hưởng đến EPS - lợi nhuận sau thuế trên số lượng cổ phiếu) chưa tăng cao tương ứng dẫn đến P/E của Viettel Global đang ở mức rất cao so với các doanh nghiệp cùng ngành trong nước và trên thế giới.
Cập nhật đến cuối phiên 24/5, vốn hóa thị trường Viettel Global lên mức 265,1 nghìn tỷ đồng, vượt qua hàng loạt "tên tuổi" như Vingroup, Vinhomes, Hòa Phát, Vinamilk, FPT, PV Gas cùng nhiều ngân hàng, để "chễm trệ" tại vị trí thứ 3 trong danh sách các công ty có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. Giá trị của Viettel Global hiện chỉ kém Vietcombank và BIDV.
Viettel Global được thành lập vào tháng 10/2007 phụ trách hoạt động mở rộng kinh doanh ra nước ngoài với mục tiêu tìm kiếm thị trường tiềm năng của công ty mẹ Viettel (đơn vị hiện sở hữu 99,03% vốn công ty).
Với khoản đầu tư đầu tiên vào Campuchia (năm 2008), Viettel Global đã thực hiện những bước đi đầu tiên để trở thành một "thương hiệu quốc tế". Tới năm 2009, Viettel Global đã chính thức khai trương công ty mạng viễn thông tại Campuchia và thành lập một công ty trong lĩnh vực viễn thông khác tại Lào.
Kết quả kinh doanh khả quan ghi nhận tại các nhà mạng viễn thông do Viettel Global thành lập nên tại các nước láng giềng đã góp phần tạo động lực để công ty này tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư. Hiện nay, Tổng công ty đang hoạt động tại 10 quốc gia. Sau gần 17 năm phát triển, vốn điều lệ của Viettel Global tăng từ 960 tỷ lên 30.438 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ Viettel nắm giữ 99,03%.
Gánh nặng lỗ lũy kế
Hoạt động mở rộng thị trường cũng khiến Viettel Global gặp nhiều thách thức, trong đó có biến động tỷ giá khiến cho công ty này gặp rủi ro khi quy đổi doanh thu từ nội tệ sang USD và rủi ro đánh giá lại tỷ giá các khoản công nợ ngoại tệ cuối kỳ (chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện).
Kết quả kinh doanh của Viettel Global giảm sút rõ rệt kể từ năm 2016, khi nhận khoản lỗ ròng lên tới 3.475 tỷ đồng, trong khi năm trước đó lãi 500 tỷ đồng. Nguyên nhân về khoản lỗ phần lớn xuất phát từ việc Viettel Global tiến hành đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ (tại các công ty con có dự án đầu tư nước ngoài) phát sinh trong năm 2016 là 3.065 tỷ đồng, trong đó, đã phân bổ vào chi phí tài chính tới 2.627 tỷ đồng.
Bước sang năm 2017, dù doanh thu tiếp tục có sự tăng trưởng tốt (đạt 19.023 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2016) nhưng các khoản trích lập chi phí liên quan tới chênh lệch tỷ giá tiếp tục khiến Viettel Global ghi nhận chi phí tài chính đạt gần 3.500 tỷ đồng, kết quả, lợi nhuận sau thuế âm 481 tỷ đồng.
3 năm sau đó (2016-2019), Viettel Global vẫn liên tục báo lỗ, trước khi tình hình được cải thiện từ năm 2020 với khoản lợi nhuận sau thuế 428 tỷ đồng.
Giai đoạn 2021-2023, doanh thu thuần của Viettel Global đạt đỉnh vào năm 2023 với hơn 28.200 tỷ đồng, đây cũng là năm lãi ròng của công ty đạt cao nhất với gần 1.700 tỷ đồng.
Trong quý I/2024, doanh thu của công ty đạt 7.906 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 2.479 tỷ đồng, tăng tới 151% so với quý I/2023. Lãi ròng tương ứng đạt 1.633 tỷ, gấp gần 2,7 lần cùng kỳ năm trước. Tính ra, công ty đã hoàn thành lần lượt 24,9% kế hoạch doanh thu và 45,9% mục tiêu lợi nhuận năm (theo kế hoạch HĐQT Viettel Global trình ĐHĐCĐ thường niên năm 2024).
Dù vậy, với ảnh hưởng lỗ liên tục trong giai đoạn 2016-2019, Viettel Global tại thời điểm 31/3/2024 vẫn ghi nhận lỗ luỹ kế gần 2.100 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tính đến cuối quý I/2024, tổng nợ xấu của Viettel Global là hơn 18.985 tỷ đồng, song giá trị có thể thu hồi là 4.282 tỷ đồng. Đáng chú ý, Viettel Global xác định giá trị thu hồi của các khoản nợ xấu với Viettel Cameroon S.A.R.L (Viettel Global có tỷ lệ lợi ích 70%) là bằng không. Tại thời điểm 31/3/2024, nợ xấu của Viettel Cameroon S.A.R.L với Viettel Global lên đến gần 8.700 tỷ đồng, gồm: phải thu cho vay gần 3.767 tỷ đồng; phải thu khác 735,2 tỷ đồng và gần 4.359 tỷ đồng phải thu khách hàng.
Chưa kể, cổ phiếu VGI hiện cũng nằm trong diện cảnh báo do tổ chức kiểm toán đã đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ từ 3 năm liên tiếp trở lên. Theo đó, trên BCTC kiểm toán năm 2023, kiếm toán đã đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với việc không hợp nhất số liệu tài chính của Công ty Viettel Cameroon trên BCTC hợp nhất và trình bày khoản đầu tư vào VCR trên khoản mục đầu tư góp vốn vào đơn vị khác. Viettel Global cho biết nguyên nhân do có sự bất đồng giữa cổ đông Viettel Global và cổ đông sở tại về tổ chức thực hiện và điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh Viettel Cameroon, nên công ty này chưa cung cấp được số liệu tài chính từ ngày 1/11/2018 đến 31/12/2023.
Hiện tại, Viettel Global đã tiến hành các hành động pháp lý phù hợp theo quy định của pháp luật để giải quyết các bất đồng với cổ đông sở tại, hướng tới bảo vệ tối đa quyền, lợi ích hợp pháp của công ty. Tuy nhiên, do đây là tranh chấp quốc tế, các thủ tục pháp lý cần thận trọng thực hiện nên các tồn tại hiện nay chưa thể giải quyết ngay trong ngắn hạn
Ngoài ra, đó là ý kiến ngoại trừ với việc ghi nhận chi phí dự phòng nợ phải thu khó đòi cho các khoản phải thu Cameroon vào BCTC năm 2023 với số tiền là 1.918 tỷ đồng (năm 2022 là 1.758 tỷ đồng); và ghi nhận chi phí dự phòng tổn thất khoản đầu tư vào Công ty Telecom International Mynamar vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh riêng lẻ năm 2023 với số tiền 509 tỷ đồng, năm 2022 là 3.369 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận