Nhìn lại cú nhảy vọt trong mối tương quan lịch sử
Một năm 2020 đầy biến động sắp qua và diễn biến thị trường chứng khoán toàn cầu đang để lại nhiều bình luận và dự cảm, phân tích trái chiều từ những chuyên gia hàng đầu thế giới.
Sự phát triển bền vững là không dễ dàng
Trong các cuộc trao đổi với giới truyền thông tài chính gần đây, David Solomon, Giám đốc điều hành Goldman Sachs tỏ ra nghi ngờ về sự hứng khởi trên thị trường chứng khoán trước hành động của các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
David Solomon phát biểu trên kênh CNBC tuần trước rằng, ông rất quan tâm và bị thu hút bởi các hoạt động chứng khoán sôi động, với động lực từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia tích cực chưa từng thấy trong các đợt phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO).
“Thị trường chứng khoán hiện nay cực kỳ sôi động, nhưng tôi không nghĩ rằng điều đó thực sự là tốt lành nếu xét cho một khoảng thời gian dài. Sự phát triển bền vững là không dễ dàng và thị trường nhất định sẽ trở lại trạng thái cân bằng”, chuyên gia này nhận định.
Quả thực, tình trạng quá mua và sự sôi động hiếm thấy được thể hiện rõ trên sàn chứng khoán gần đây khi hai đợt IPO đều thành công ngoài mong đợi, với mức tăng giá ngoài kỳ vọng. Airbnb tăng 115% khi vừa ra mắt, trong khi giá trị của DoorDash tăng 86% khi mới được đưa lên sàn, vượt qua mọi kỳ vọng của giới phân tích chứng khoán.
David Solomon cho biết, có rất nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia các đợt IPO gần đây. Đó là điều mà thị trường cần phải theo dõi cũng như cẩn trọng. Tất nhiên, không thể phủ nhận những doanh nghiệp tốt trong các đợt IPO có thể đạt thị giá cổ phiếu cao, nhưng rõ ràng thị trường hiện tại đang định giá một cách vượt kỳ vọng và thị trường chứng khoán đã có được sự tăng trưởng mạnh trong một khoảng thời gian khá dài.
“Tôi tin là sẽ có một đợt điều chỉnh trong thời gian tới”, chuyên gia này nói, dù nhìn nhận thị trường tiến triển trên những nền tảng và lý do khá hợp lý, nhưng đại dịch Covid-19 vẫn đang gây ra những tác động lớn.
David Solomon đánh giá, chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong thời gian đầu diễn ra dịch bệnh là cần thiết, tình hình có thể tệ hơn nếu như những chính sách này không được áp dụng. Tuy nhiên, những chính sách đó cũng có thể để lại hệ quả nặng nề. Giờ đây, không mấy ai ai quan tâm đến đường cong rủi ro. Lãi suất thấp và tiền rẻ cũng sẽ gây ra “tác động phụ”.
So sánh với khủng hoảng 2008
Peter Oppenheimer, chuyên gia chiến lược thị trường cổ phiếu toàn cầu của Goldman Sachs có những so sánh thú vị và đáng lưu tâm với giới đầu tư.
Suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay lớn hơn nhiều so với khủng hoảng kinh tế năm 2008.
Theo đó, năm 2020 diễn ra suy thoái kinh tế lớn nhất trong hàng thập kỷ qua và với một số nước như Anh chứng kiến suy thoái kinh tế nặng nề kể từ năm 1700. Diễn biến kinh tế năm nay có thể coi là có một không hai khi so sánh với các cú sốc lớn đối với nền kinh tế toàn cầu trong suốt 12 năm qua. Tuy nhiên, dù suy thoái hiện nay lớn hơn nhiều so với khủng hoảng kinh tế năm 2008, vẫn có những khía cạnh khác.
Suy thoái lần này bắt nguồn từ dịch bệnh Covid-19 và tác động lớn tới đầu ra, gây ra tác động lớn và đột ngột, nhưng tình thế cũng sớm đảo ngược. Có vẻ như suy thoái đang qua nhanh và có sự hồi phục một cách linh hoạt, nhanh chóng, khi những tin tức về vắc-xin phòng ngừa Covid-19 xuất hiện.
Trong quá khứ, hầu hết thị trường chứng khoán “gấu” (giá giảm) đều bắt nguồn từ vòng luẩn quẩn được dẫn dắt bởi các yếu tố như lãi suất tăng và lạm phát. Các thị trường gấu khác là hệ quả của sự tái cấu trúc, mất cân bằng kinh tế, bong bóng tài sản, thường đến sau các hoạt động kinh tế có liên quan đến ngân hàng hoặc khủng hoảng nhà đất.
Vào những thời kỳ như khủng hoảng tài chính năm 2008 hoặc sự bùng nổ của bong bóng kinh tế Nhật Bản những năm 1980, thị trường thường giảm sâu và mất thời gian dài để hồi phục.
Năm 2020 có một sự khác lạ. Khi vẫn còn nỗi lo về thị trường gấu thì nhiều cổ phiếu hồi phục, dù lợi nhuận của doanh nghiệp tiếp tục rơi. Đây là dấu hiệu đầu tiên của thị trường “bò” (tăng giá) và nhà đầu tư thường gọi đây là sóng hy vọng. Giá cổ phiếu tăng vọt khi nhà đầu tư bắt đầu “mua cho sự hồi phục trong tương lai”.
Khi sự hồi phục bắt đầu lớn hơn, thị trường bước vào giai đoạn tăng trưởng dài hơn, nhất là khi tin tức về kết quả kinh doanh tăng và cổ tức được tung ra.
Theo thống kê, chứng khoán trong rổ chỉ số MSCI Mỹ hiện đã tăng 65% so với đáy tháng 3. Xét thị trường toàn cầu, tính riêng tháng 11, khi những tin tức tích cực như vắc-xin ngừa Covid-19 xuất hiện, chỉ số MSCI thế giới tăng 13%, mức tăng mạnh nhất theo tháng kể từ năm 1975.
Vốn hóa thị trường cổ phiếu toàn cầu hiện đạt 100.000 tỷ USD, tức là bằng 115% GDP toàn cầu, mức cao nhất kể từ năm 2007.
Giờ đây, một số nhà phân tích e ngại những dấu hiệu tương tự thời kỳ sau năm 2009, thị trường sụt giảm sau khi chỉ số MSCI thế giới tăng 68% trong khoảng thời gian tương tự năm nay.
Nhưng nếu phân tích sâu và chịu khó quan sát, nhà đầu tư sẽ thấy có nhiều điểm khác. Năm nay, dù suy thoái sâu hơn nhưng mức độ giảm của cổ phiếu trong đợt sụt giảm vì Covid-19 chỉ là 30% so với mức 60% trong đợt khủng hoảng tài chính trước đó.
Bởi thế, trong khủng hoảng tài chính, giá trị của các công ty trong S&P 500 quanh 8 lần mức lợi nhuận dự phóng, còn định giá ở tháng 3 năm nay là 13 lần và hiện tại là 22 lần.
Hơn nữa, khi khủng hoảng tài chính nổ ra, lợi tức trái phiếu 10 năm ở Mỹ và Đức là 3,9%, trong khi hiện nay là 0,9% ở Mỹ và 0,6% ở Đức; nợ chính phủ Mỹ vào khoảng 60% GDP trước khi khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra, còn bây giờ lên tới hơn 100%.
Sự hồi phục mạnh mẽ của thị trường chứng khoán toàn cầu năm 2020 có sự hậu thuẫn rất lớn của chính sách tiền tệ và tài khoá.
Sự hồi phục mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Mỹ nói riêng, chứng khoán toàn cầu nói chung kể từ tháng 3/2020 trở lại đây có sự hậu thuẫn rất lớn của chính sách tiền tệ và tài khoá.
Trong kỷ nguyên chi tiêu tài khóa lớn nhất đã và đang diễn ra, nhiều ngân hàng trung ương giảm lãi suất xuống dưới 0%.
Dự báo, không ít ngân hàng trung ương sẽ duy trì chính sách lãi suất thấp tới năm 2025. Triển vọng tăng trưởng kinh tế mạnh hơn sẽ đẩy lạm phát xuống thấp, tỷ lệ lãi suất thực sau khi trừ đi lạm phát sẽ rất thấp. Điều này được kỳ vọng tiếp tục tạo ra dòng tiền rẻ và đổ vào thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, lưu ý rằng, khi mọi thứ lạc quan và kỳ vọng vào sự hồi phục được đánh giá cao hơn, dư địa để điều hành lãi suất sẽ thu hẹp và nợ nần tăng lên, tạo ra những tác động lớn tới thị trường, hệ quả là chứng khoán sẽ được định giá thấp hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận