Nhiều tồn tại, vi phạm trong cổ phần hóa doanh nghiệp ngành giao thông
Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ cho thấy, nhiều tồn tại và vi phạm trong quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp ngành giao thông vận tải trong giai đoạn 2011-2021.
Vi phạm tại nhiều doanh nghiệp
Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011 - 2021 tại Bộ Giao thông Vận tải (GTVT).
Kết luận thanh tra chỉ ra nhiều tồn tại, vi phạm trong quá trình sắp xếp tổ chức lại, cổ phần hóa, quản lý sử dụng đất đai khi thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại hàng loạt doanh nghiệp đầu ngành thuộc lĩnh vực GTVT như Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Cienco 4, Cienco 5, Cienco 6, Cienco 8...
Điển hình như quá trình cổ phần hóa Công ty mẹ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Bộ GTVT chỉ đạo cổ phần hóa các công ty bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt có quy mô nhỏ, phân tán rải rác, tỉ lệ bán cổ phần ra ngoài rất thấp, chủ yếu bán cho người lao động, khiến công tác cổ phần hóa của 26 đơn vị cổ phần hóa đều không đạt mục tiêu, yêu cầu, còn tình trạng khép kín trong nội bộ doanh nghiệp không đúng với quy định.
Còn tại Công ty mẹ Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), dù không phải là đối tượng phải thực hiện cổ phần hóa theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ do phần lớn các cảng hàng không do ACV quản lý (21/22 cảng) được sử dụng cho mục đích lưỡng dụng, việc cổ phần hóa xuất phát từ chỉ đạo của Bộ GTVT nên trong quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc đặc biệt là việc xử lý tài sản trong khu bay và ngoài khu bay, đất đai và cơ chế chính sách, làm ảnh hưởng an ninh, an toàn hàng không.
“Thực tế việc cổ phần hóa ACV cũng không đạt được kết quả như phương án cổ phần hóa được phê duyệt” - Thanh tra Chính phủ nêu rõ.
Đáng chú ý, Bộ GTVT phê duyệt giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa ACV khi chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý của 29 cơ sở nhà đất, chưa có phương án sử dụng đất gửi UBND tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt, là chưa thực hiện đúng Nghị định số 189/2013 của Chính phủ; phê duyệt giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa ACV khi chưa xử lý dứt điểm quyền sở hữu tài sản cố định trong khu bay nằm trên đất do Cảng vụ hàng không quản lý và quyền sử dụng đất của doanh nghiệp.
Theo Thanh tra Chính phủ, để xảy ra các tồn tại, vi phạm trong quá trình cổ phần hóa có trách nhiệm thuộc về Bộ GTVT, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, các đơn vị thành viên của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, ACV và đơn vị tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp...
Trách nhiệm với số tiền 396 tỉ đồng
Với kết quả thanh tra vừa công bố, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT kiểm điểm để xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân lãnh đạo Bộ GTVT có liên quan trong việc để xảy ra các tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, vi phạm trong việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (sắp xếp lại, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011 - 2021).
Chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có liên quan để xảy ra các tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, vi phạm trong việc chậm quyết toán tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam VIMC, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam ACV; trong việc chậm tham mưu đối với các cấp có thẩm quyền để Bệnh viện GTVT sau khi cổ phần hóa hoạt động trong thời gian dài không hiệu quả.
Về việc xử lý kinh tế, Bộ GTVT xem xét trách nhiệm, bồi thường thiệt hại (nếu có) và xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với việc giảm vốn, mất vốn Nhà nước khi cổ phần hóa, thoái vốn với giá trị hơn 396 tỉ đồng. Trong đó, do cổ phần hóa làm giảm, mất vốn Nhà nước hơn 66,1 tỉ đồng và do hoạt động sản xuất kinh doanh làm giảm, mất vốn Nhà nước số tiền 330,4 tỉ đồng.
“Quá trình xem xét, xử lý nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây thiệt hại tài sản của Nhà nước thì chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an để xử lý theo quy định của pháp luật” - Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Cục trưởng Cục Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra, Thanh tra Chính phủ, đây là kết luận thanh tra có phạm vi rộng, nhiều nội dung, đề nghị Bộ GTVT, UBND TP Hà Nội, UBND TPHCM và các đơn vị được thanh tra xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể đối với các kiến nghị tại kết luận thanh tra đảm bảo thời gian theo quy định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận