Nhiều SV Đại học Ngoại thương "kêu trời" vì đóng học phí rồi nhưng vẫn bị nhà trường báo nợ
Mới đây, rất nhiều sinh viên Đại học Ngoại thương Hà Nội (FTU) đã phản ánh sự sai sót trong việc thu tiền học phí của trường, nhưng khi báo cáo phản ánh thì phải nhận về thái độ thiếu hợp tác của Phòng kế hoạch tài chính.
Gần đây, rất nhiều sinh viên Đại học Ngoại thương Hà Nội (FTU) đã liên tục phản ánh về tình trạng không rõ ràng trong việc thu tiền học phí. Nhiều sinh viên chia sẻ dù đã đóng học phí rồi nhưng vẫn bị hệ thống báo thiếu, và khi mong muốn được nhà trường giải quyết thì nhận lại thái độ thiếu hợp tác.
Cụ thể, trường ĐH Ngoại Thương luôn thông báo học phí qua trang tín chỉ FTUGATE. Trước kỳ thi 1 tháng, FTUGATE sẽ hiện số tiền sinh viên cần đóng dựa vào số tín trong kỳ đăng ký được. Tuy nhiên, trang này thường xuyên cập nhật thiếu dữ liệu khiến nhiều bạn dù đóng tiền đầy đủ nhưng vẫn hiện số dư hàng chục triệu đồng.
Đặc biệt, khi lên phòng Kế hoạch Tài chính phản ánh làm rõ sự việc thì Sinh viên lại không được trả lời thoả đáng, không được giải thích mà chỉ được yêu cầu "làm theo trang FTUGATE", trong khi lịch sử chuyển khoản học phí của Sinh viên thì vẫn lưu đầy đủ khoản đó.
Bạn X (sinh viên năm cuối) cho biết, mình đang làm bài luận cuối kỳ nên khi thấy trang này báo nợ hơn 6 triệu đã không nghi ngờ mà đi nộp luôn. Tuy nhiên đến kỳ hạn đóng tiền học phí, nữ sinh này vẫn bị báo nợ 4 triệu.
"Vì có nghe việc "nợ học phí dưới 3 triệu không được làm khóa luận" nên mình đã vội đi đóng tiền. Tuy nhiên đến hạn nộp học phí đợt này, check trang tín chỉ lại thấy nợ trường 4 triệu. Thật sự không biết hỏi ai vì lần nào cũng nộp đủ. Nghe một số bạn bảo lên phòng Kế hoạch tài chính hỏi thì chỉ nhận được duy nhất câu trả lời "làm như tín chỉ". Bọn mình vẫn đang đợi ngày chót xem trường có update vì thật sự không biết tiền của mình đã đi về đâu".
Nữ sinh cũng cho biết thêm: "Việc chuyển sang trang tín chỉ mới là vào đầu tháng 1. Ban đầu chuyển thì còn thông cảm vì cơ sở dữ liệu lớn, sai sót khó tránh, mình cũng bị báo nợ hẳn 5 triệu. Nhưng suốt từ đó đến nay vẫn báo sinh viên nợ liên tục. Có nhiều bạn mình quen còn bị báo nợ lên đến hàng chục triệu đồng".
Đồng cảnh ngộ, bạn H.V (sinh viên năm 3) chia sẻ mình bị báo nợ hơn 10 triệu đồng dù vẫn đóng học phí đầy đủ: "Mỗi lần vào check số nợ 10 triệu mà muốn khóc. Không chỉ mỗi mình mà nhiều bạn cũng chung cảnh như vậy. Nếu ai không biết mà đi nộp có phải là trường thu về hàng trăm triệu đồng không rõ lý do không?
Bên cạnh đó mình cũng thấy các thầy cô phụ trách việc này làm việc không thỏa đáng. Học phí sai nhưng không tìm cách giải quyết mà kêu sinh viên về tự tính, làm theo tín chỉ dù bao nhiêu tiền học phí đều hiện trên trang FTUGATE. Như vậy có khác nào bảo sinh viên phải đóng khoản nợ không do mình gây ra".
Một vấn đề khiến sinh viên bức xúc không kém là thái độ thiếu hợp tác của các nhân viên phòng Kế toán - Tài chính khi cần giải quyết vấn đề. Bạn Đ.T tâm sự: "Học phí năm nào cũng tăng đều đặn nhưng các thủ tục và trang tín chỉ mãi không cải thiện. Nay mình bị báo nợ 15 triệu lên phòng Kế toán check thì cô bên phải làm mọi thứ rất rối rắm, phải chụp đủ loại biên loại, nhập các dữ liệu rồi thái độ như muốn trốn tránh sự việc. Xong cuối cùng cô chốt câu cơ sở dữ liệu cũ chưa đẩy hết, em chỉ nợ 1,3 triệu thôi!".
Đại diện trường Đại học Ngoại thương: Sự nhầm lẫn về số dư học phí là do vấn đề kĩ thuật
Liên quan đến vấn đề trên, sáng ngày 25/6 trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Huyền Minh phụ trách phòng Truyền thông và Quan hệ Đối ngoại trường ĐH Ngoại thương cho biết, trang FTUGATE chỉ mới chuyển giao công nghệ và dữ liệu từ trang học phí cũ từ đầu năm nay nên sai sót là điều khó tránh khỏi.
Trường thừa nhận trách nhiệm, sự nhầm lẫn trong thống kê số dư học phí là do vấn đề kỹ thuật và đang cố gắng khắc phục hậu quả. Đối với những sinh viên có thắc mắc về học phí hoặc đóng sai tiền nợ, nhà trường sẽ liên hệ giải quyết dựa theo biên lai và các thông tin lưu trên trang học phí.
Trả lời về vấn đề thái độ của các nhân viên phòng Kế toán - Tài chính, ông Minh cũng cho biết một phần nguyên nhân có thể đến từ việc sinh viên lựa chọn thời gian giải đáp thắc mắc không đúng lúc. Bởi nhà trường luôn quy định thời gian tiếp sinh viên là cả ngày thứ 3 và thứ 5 hàng tuần. Nếu sinh viên đến ngoài thời gian này thì không thể đảm bảo các thầy cô có thể giúp đỡ nhiệt tình 100%. Hướng giải quyết trước mắt là trường dự định sẽ tách bộ phận tiếp sinh viên và bộ phận chuyên môn nghiệp vụ.
Ông Minh cũng chia sẻ thêm đây là vấn đề được nhà trường quan tâm xử lý từ lâu nhưng cũng rất cần sự thông cảm và thấu hiểu từ 2 phía. Trong chiều tối ngày 25/6, ĐH Ngoại thương sẽ ra công văn cụ thể về việc xử lý số tiền nợ học phí đối với các bạn sinh viên.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận