Nhiều nhà băng tăng lãi suất huy động để hút vốn nhàn rỗi
Cầu tín dụng sẽ tăng trong những tháng cuối năm, làm tăng áp lực về nguồn vốn. Do đó, nhiều nhà băng bắt đầu tăng lãi suất huy động tiền gửi để thu hút vốn nhàn rỗi trong dân.
Huy động vốn chậm
Mặc dù vẫn giữ được nhịp tăng trưởng, nhưng trước sức hấp dẫn của các kênh đầu tư khác (chứng khoán tăng cao, bất động sản, vàng còn triển vọng...), trong khi lãi suất tiết kiệm thấp, nên huy động vốn của các tổ chức tín dụng đang chậm lại.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết, do tác động của đại dịch Covid-19, vốn huy động của các ngân hàng tăng chậm trong quý III/2021. Theo đó, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến cuối tháng 7/2021 tăng 0,66% so tháng 6; tháng 8 chỉ tăng 0,42% so với tháng tháng 7. Tính chung quý III/2021, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM đạt 3,045 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 1,19% so với cuối quý II/2021 và tăng 4,71% so với cuối năm trước.
Còn theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 8/2021, tiền gửi của dân cư vào ngân hàng đạt hơn 5,293 triệu tỷ đồng, giảm 1.000 tỷ đồng so với cuối tháng 7/2021. Từ tháng 3/2021 đến nay, tiền gửi của dân cư tăng trưởng rất thấp, không có tháng nào tăng trên 0,5%, thậm chí có những tháng tăng trưởng âm.
Trong khi đó, cầu vốn tín dụng cuối năm gia tăng, nên nhiều nhà băng bắt đầu điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi, nhằm thu hút nguồn tiền trong dân.
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tái tăng
Nhiều ngân hàng bắt đầu tăng lãi suất tiền gửi từ cuối tháng 10 và đầu tháng 11/2021 để hút vốn cuối năm. Eximbank vừa tăng 0,1 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 3 tháng trở xuống và tăng 0,1 - 0,2%/năm lãi suất kỳ hạn 6-9 tháng. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1 tháng tăng lên 3,3%/năm, kỳ hạn 3 tháng lên 3,5%/năm, kỳ hạn 6 tháng là 5%/năm và 9 tháng là 5,4%/năm.
BaoVietBank cũng điều chỉnh lãi suất kỳ hạn 6 tháng lên mức 5,9%/năm, tăng 0,15%; lãi suất kỳ hạn 12 tháng lên 6,35%/năm, tăng 0,1%.
Với Sacombank, khách hàng gửi tại quầy kỳ hạn 36 tháng được hưởng lãi suất ở mức 6,1%/năm, tăng 0,4 điểm phần trăm so với khảo sát hồi đầu tháng 10/2021.
SHB cũng tăng lãi suất tiền gửi 0,4%, lên mức 6,1%/năm với kỳ hạn 24 tháng cho các khoản dưới 2 tỷ đồng.
Các ngân hàng quy mô nhỏ hiện có mức lãi suất tiền gửi cao nhất. Cụ thể, có mức lãi suất tiết kiệm cao nhất thị trường hiện nay là VietABank. Ngân hàng này đang niêm yết lãi suất tiết kiệm online cao nhất ở mức 7%/năm (lãi cuối kỳ) cho kỳ hạn 15 - 36 tháng; kỳ hạn 6 - 12 tháng dao động ở mức 6,2 - 6,7%/năm. Còn gửi tiết kiệm tại quầy, VietABank trả lãi suất cao nhất là 6,9%/năm cho kỳ hạn 15 - 36 tháng; kỳ hạn 6 - 12 tháng là 6 - 6,5%/năm.
Trong khi đó, từ ngày 1/11, VietBank có mức lãi suất cao nhất là 6,3%/năm cho kỳ hạn 15 - 36 tháng. Còn kỳ hạn 6 - 12 tháng dao động mức 5,4 - 5,9%/năm; 1 - 3 tháng là 3,9 - 4%/năm. Trường hợp khách hàng gửi tiết kiệm online, lãi suất của VietBank cao nhất là 6,6%/năm và được áp dụng cho các kỳ hạn 13 - 36 tháng.
Theo ông Trịnh Bằng Vũ, Giám đốc Khối Bán lẻ Ngân hàng Shinhan Việt Nam, khả năng mặt bằng lãi suất trong tháng còn lại của năm 2021 sẽ khó điều chỉnh giảm. Lý do là, để giảm lãi suất cho vay, cần giảm lãi suất huy động, nhưng trong bối cảnh hiện nay, ngân hàng khó giảm thêm lãi suất tiết kiệm, do ảnh hưởng đến nguồn tiền gửi vốn đã giảm nhiều sau đại dịch. Trong khi đó, cầu tín dụng sẽ tăng những tháng cuối năm, làm tăng áp lực về nguồn vốn.
Còn theo ông Lê Hải, Tổng giám đốc ABBank, xu hướng mặt bằng lãi suất từ nay đến quý I/2021 sẽ duy trì mức hiện nay hoặc biến động nhẹ, bởi thông thường, nhu cầu vốn của khách hàng trong mùa cao điểm cuối năm tăng. Thêm vào đó, thị trường đã “sôi động” trở lại sau một thời gian dài đình trệ do dịch Covid-19, nên nhiều doanh nghiệp cũng bắt đầu hoạt động lại. Do đó, nhiều khả năng, lãi suất trong thời gian cuối năm 2021 và đầu năm sau cũng sẽ có biến động nhẹ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận